Đầu thập niên 90 thế kỉ trước, giai đoạn bắt đầu nổi lên của âm nhạc Phú Quang cũng là lúc đời sống chuyển mình, bước ra khỏi những năm tháng bao cấp khó khăn và hình thành xu hướng thưởng thức nghệ thuật bao hàm cả nhu cầu thể hiện bản thân. Thực ra, ngay cả với những dòng nhạc phổ thông, bình dân nhất thì người nghe dù vô thức vẫn luôn mong tìm thấy sự tương đồng cảm xúc với những gì được thể hiện trong bài hát. Ca khúc của Phú Quang, ban đầu gần như đã rơi trúng vào vùng cảm xúc ấy.
Bài hát đầu tiên của Phú Quang đáp ứng tiêu chí này là Em ơi Hà Nội Phố. Một bài hát về Hà Nội tuyệt đẹp, đủ để khác biệt với các bài về Hà Nội thời chiến tranh hay một Hà Nội trong âm nhạc hơi công thức kiểu có thể áp dụng cho mọi thành phố khác. Bài hát ấy không chỉ làm thổn thức bao người Hà Nội xa xứ từ miền Trung miền Nam ra tới hải ngoại, mà ở góc độ âm nhạc thuần túy, có thể khiến những người yêu thích nó cảm thấy chút nào hãnh diện vì đó là thứ âm nhạc sang trọng, đẹp đẽ, không xưa cũ mà không quá hiện đại, phù hợp tinh thần hồi cố bắt đầu hình thành, đặc biệt ở tầng lớp thị dân.
Bài hát “big hit” này mở đường cho những ca khúc Hà Nội khác của Phú Quang chinh phục khán giả, tiếp đó là những tình khúc đều mang màu hoài niệm như vậy, phảng phất chất âm nhạc tiền chiến lãng mạn, chính là dòng âm nhạc từng sinh ra ở Hà Nội, làm nên một phần Hà Nội hào hoa nhưng người Hà Nội phải xa rời không gian ấy nhiều thập niên, cho tới khi những bài hát thời trước 1954 trở lại, cùng lúc đó là những bài hát Phú Quang. Như thể gặp lại một người quen, trong dáng vẻ mới mẻ hơn, tươi tắn hơn, nhưng vẫn giữ được cốt cách. Điều đó phần nào lý giải các đêm nhạc Phú Quang luôn thành công ở Hà Nội hơn bất kỳ nơi nào khác.