Duyên của tôi với Phú Quang- nếu có thể gọi như thế, hóa ra có từ ba mươi mấy năm trước, khi xem phim Tình khúc 68 mà anh soạn nhạc. Hồi đó ra khỏi rạp Tháng Tám, choáng nhẹ bởi mấy điều: Chuyện phim lãng mạn. Vẻ đẹp của diễn viên mới Mộng Vân. Gương mặt quen Thương Tín đóng cặp Mộng Vân khá ngọt. Cuối cùng, là ca khúc nền của phim: Ước mơ mặt trời, với hai câu đầu là thơ Phan Đan, phần còn lại của Phú Quang. Về sau đưa vào album, nhạc sĩ đổi tên bài thành Nỗi khát khao mặt trời.
Ca từ của Nỗi khát khao mặt trời trữ tình bi tráng, cực hợp nội dung phim, còn giai điệu, khúc thức- về sau tôi biết chính là phong cách dễ nhận của Phú Quang, còn lúc đó chỉ thấy khác hẳn các ca khúc nhạc đỏ và nhạc trẻ quen nghe. Xuyên tâm, đi thẳng vào con tim và lý trí.
Em ơi Hà Nội phố thì nghe lần đầu vào khoảng 1986-1987 ở Trung tâm Phương pháp Câu lạc bộ (bên Hồ Gươm, là nhà hàng Lục Thủy bây giờ). Lúc đó chưa thấy hay ngay, chỉ nhớ giai điệu nghe là lạ, và ca từ nhiều điệp từ “ta còn em” thế.
Phú Quang là người của công chúng đương nhiên quảng giao, còn tôi làm cái nghề mà tôi đùa là “cũng tạp giao như anh”. Nhưng thời điểm xem Tình khúc 68, tôi là một sinh viên Tổng hợp Văn không hề nghĩ mình sẽ làm báo, nhất là lại còn dính dấp với giới văn nghệ là giới chỉ nên kính nhi viễn chi. Năm thứ ba của nghề, xem đêm nhạc Phú Quang-Dương Thụ về, tôi cũng chả có ý định xáp lại mà chỉ viết bài báo nhỏ bình phẩm chất lượng chương trình. Tinh thần cảnh giác cực cao bởi biết rằng “lành ít dữ nhiều”, “xấu máu đừng ăn của độc”, “càng xa ông tôi càng thấy yên tâm”. (Tôi pha trò như vậy với Phú Quang, nhại câu hát anh phổ thơ Nazim Hikmet: Và ta biết một điều thật giản dị/Càng xa em ta càng thấy yêu em).
Cho nên mới nói, đó là cái duyên không hẹn mà nên. Từ chỗ chẳng quen biết, chỉ là để ý một cái tên trên giê-nê-rích, thế rồi đến ngày sự biết đó vượt xa trí tưởng tượng của mình. Sau này xem lại Tình khúc 68 không thể xáo động như xưa, song ký ức về ca khúc cuối phim thì vẫn tươi đẹp như ngày nào.
Ngót ba thập niên qua, gần như mỗi năm Phú Quang lại ra một hai chương trình riêng chung. Tôi nhiều lần nói với Phú Quang: Những bài được coi là tiêu biểu của anh, tôi lại không “kết” bằng những bài ít phổ biến hơn. Biển của thời đã mất, Mùa hạ còn đâu, Trong miền ký ức…lẽ ra phải có cơ hội ngang hoặc hơn Điều giản dị, Thương lắm tóc dài ơi, Hà Nội ngày trở về, Mơ về nơi xa lắm, Đâu phải bởi mùa thu… Kể cả Biển nỗi nhớ và em phổ thơ Hữu Thỉnh, ca từ có câu như Em đâu phải là chiều mà nhuộm anh đến tím bị chúng tôi biên tập thành Em là cái đinh gì mà nhuộm anh đến tím khiến Phú Quang cười tít.
Em ơi Hà Nội phố thì sao? Đỉnh cao danh vọng của Phú Quang. Là trường hợp mà khán giả khắt khe lẫn đại chúng đều thỏa mãn. Đặc sắc từ nhạc dạo trở đi. Dương cầm vừa dạo vài nốt đã thấy lòng nao nao kỷ niệm. Chợt nhòa chợt hiện một Hà Nội nên thơ cổ kính hào hoa. Có phần phong lưu nữa. Có vẻ Em ơi Hà Nội phố là cú xuất thần của Phú Quang? Hay là phải trải đời và yêu thực sự mới được như thế, không hẳn trời cho?
“Anh ạ, Sài Gòn đường”. Hồi anh còn ngụ cư Sài Gòn, mỗi khi ra Hà Nội chúng tôi hay gọi trêu như thế, đối trọng với Em ơi, Hà Nội phố. Và nghe Lệ Thu, Bằng Kiều, Cẩm Vân, Mỹ Hạnh, Hồng Nhung… hát Em ơi Hà Nội phố, dân Hà đâm “yếu đuối”, có nét tự hào vì mình cũng được dự phần vào cây bàng mồ côi mùa đông, mái ngói xô nghiêng, tiếng dương cầm trong căn nhà đổ, tan lễ chiều sao còn vọng tiếng chuông ngân, nghệ sĩ lang thang phố...Chất nhạc thì khác hẳn các bài còn lại của Phú Quang, bật trội.
Đó là một nhạc sĩ của Hà Nội, viết nhiều và hay nhất về Hà Nội. Tấm danh thiếp này dễ đâu có được. Nhạc sĩ nhiều người tài lắm, trong đó, số viết hay về Hà Nội không ít, nhưng khán giả sẽ định vị họ kiểu khác so với Phú Quang. Em ơi Hà Nội phố đã đành, mà ngay những bài không một dòng nhắc Hà Nội nhưng nghe biết ngay, là viết về điều gì đây: Nỗi nhớ mùa đông, Trong miền ký ức..v.v...
Vào năm 1994, Cung Văn hóa Hữu nghị tổ chức mấy đêm Cả nước hát về Hà Nội nhân 50 năm giải phóng Thủ đô. Dịp đó người ta tổng kết có khoảng 600 ca khúc hát về Hà Nội cả thảy. Tôi hỏi Phú Quang, bài hát nào về Hà Nội theo anh là hay nhất. Anh đáp: Người Hà Nội của Nguyễn Đình Thi.
Tôi cũng thích Người Hà Nội, hơi khó nghĩ bài nào hay nhất, nhưng cho rằng Em ơi Hà Nội phố xứng đáng trong Top 10, Top 5 thậm chí Top 3 ca khúc hay nhất về Hà Nội. Em ơi Hà Nội phố khiến Phú Quang là nhạc sĩ được xếp chiếu trên, chứ không phải Nỗi nhớ mùa đông, Đâu phải bởi mùa thu hay gì gì khác.
Hãy nghe Bằng Kiều hát trong chương trình Thúy Nga Paris by Night, vừa cất giọng Em ơi Hà Nội phố, khán phòng đang lặng phắc bỗng trào lên đợt sóng, vỗ tay rào rào. Nghe như thể một vùng ký ức của họ đang thổn thức cựa quậy. Xa cách, nhớ nhung, hoài niệm. Những lúc như thế, thấy đời nghệ sĩ (ca sĩ, nhạc sĩ) quả là hạnh phúc hơn người.
Phú Quang nói nhiều làm nhiều. Cả đời nói chuyện yêu đương- yêu Hà Nội, hoặc ai đó. Bạn bè và người ái mộ đông, mà người không ưa cũng chẳng hiếm. Mà văn nghệ sĩ không bằng lòng nhau thì biết rồi đấy, toàn lập ngôn sắc lẻm, điểm huyệt chí chết. Họ kể tôi nghe những chuyện tếu táo trà dư tửu hậu như: Hồi Phú Quang ngụ cư Sài Gòn có làm đêm Ngàn năm thương nhớ đất Thăng Long, chương trình đang ngon trớn bỗng dưới khán phòng có người đứng bật dậy bảo: Nhớ thì biến ra ngoài kia chứ gào lên ở đây làm gì! Hoặc chuyện Trung Đức ra sân khấu, nhạc dạo bài này lại hát bài kia, bị Phú Quang “quạt” bèn đối đáp: Nhạc ông bài nào chả giống bài nào, hát gì chả được. Vân vân.
Người này tốt nghiệp kèn Cor và chuyên ngành Chỉ huy ở Nhạc viện Hà Nội. Anh cho biết ở Nhạc viện, dân kèn có tiếng là phóng khoáng hơn các khoa khác. Phú Quang thích tự chỉ huy trong các đêm diễn riêng, từng trải qua chặng công tác ở các dàn nhạc giao hưởng lớn nhất nước. Anh kể một sếp của mình nhận xét chuyên môn anh ổn nhưng có nhược điểm hai tay không đều, anh cãi: “Đã gọi là ổn thì làm gì có chuyện tay nào yếu tay nào khỏe, tay nào quan trọng hơn tay nào!”.
Hồi đó Phú Quang ra Hà Nội thỉnh thoảng đi với Quang Lý- ca sĩ ruột của anh. Trong khi Quang Lý có vẻ thuần hậu thì Phú Quang ở giữa mọi người trông lúc nào cũng như đang vào “mùa gặt”. Tôi bảo: “Khán giả sẽ thích người có vẻ trầm buồn thậm chí thua thiệt, hơn là hớn hở”. Anh thanh minh mình thuộc loại trong héo ngoài tươi và “tuy trong lòng buồn lắm nhưng để người ta biết làm gì cơ chứ”. Ngược với sự “hớn” là hình ảnh khác của Phú Quang: “ta thương ta ngu ngơ bài ca”, “một dại khờ một tôi”… Bị tôi chọc: “Lại đánh quả dại khờ, đánh quả ngu ngơ chứ gì”.
Vào năm Phú Quang làm đêm Về lại phố xưa đón tuổi 60, tôi làm bài phỏng vấn dài trong đó hỏi: “Tuổi 60 của Phú Quang như thế nào? Vẫn duy mỹ, cầu toàn, thích lập ngôn, nói có người nghe đe có kẻ sợ, đời tư thì như cái bánh bóc ra cho thiên hạ xem?”, “Tôi thấy anh cũng là người biết tận hưởng cuộc sống mà sao hay mang vẻ chán chường thủ thế, sống mái với đời?”…
Là người thuộc trường phái yêu ai ghét ai thì sống để dạ chết mang đi, cho nên câu tôi hỏi về “cái bánh bóc ra cho thiên hạ xem” đương nhiên xóc óc. Nhưng không gai góc không phải Phú Quang- tôi biết thế nên chả bao giờ ngán ngại. Anh luôn thích những người nói thật sống thật, dị ứng sự đánh võng, làm trò. “Từ hồi trẻ đã không ai qua được mắt mình rồi. Thỉnh thoảng bảo mấy ông bà ca sĩ được khán giả mê mệt, rằng tôi cứ giả vờ bị các vị qua mặt, chứ dù tôi muốn đi nữa các vị qua sao nổi. Mình có tật là cái gì cũng biết”- anh vừa nói vừa cười.
Ngoài dáng vẻ vẫn trình ra trước công chúng thì nghệ sĩ (không riêng Phú Quang) có gì? Vẫn biết tác phẩm luôn lớn hơn tác giả- muôn đời như thế, cả thế giới này đều thế chứ đâu chỉ Việt Nam ta, cho nên chớ dại chọn “ những lối đoạn trường mà đi” (Nguyễn Du), nhưng ta tự hỏi vì sao ta vẫn yêu họ? Dù không đời đời kiếp kiếp mà chỉ là đã từng.
Trước tiên bởi họ thông minh tinh tế nhạy cảm hơn người. Có thể đến lúc không còn “hơn người” nữa bởi được chiều chuộng quá, song họ nhất định phải hay, thì mới nhận ra cái hay của người khác, điều mà những "người thường" không dễ. Gọi là "anh hùng đoán giữa trần ai mới già". Nhận ra sự “vừa là thế nọ vừa là thế kia” của người khác, chẳng hạn “vừa tinh quái vừa rụt rè, vừa cứng rắn vừa lãng mạn”. Họ giống ta ở chỗ đều khó tính như ma, nhất là “không tưới cho hoa ni -lông/ không tâm sự với người không hợp mình” (thơ Nguyễn Bảo Sinh).
Họ còn giống ta ở trí nhớ “bệnh hoạn”- chả thèm ghi chép mà nhớ không sót điều gì (nên là, giờ hồn cho ai bị ta hồi ký). Giống nhiều cái nữa, kể cả sở thích đối với những đồ vật nhỏ bé xinh đẹp. Giống ở lòng tự trọng cao như trái núi, nên hoàn toàn không có khả năng yêu đơn phương và gần như không có khả năng tha thứ nếu bị tổn thương.
Họ kiêu bạc và tàn nhẫn với ai đó nhưng một khi đã yêu thì dù ai nói nghiêng “anh đã mất khả năng ghét em”. Mặc dù hay bị phản biện, ỏe họe kiểu: “Gửi một tình yêu nhầm địa chỉ, Gửi một tình yêu không địa chỉ chứ gì”, “Vai như vai Trung Đức thế này mà còn chê là bờ vai nhỏ mùa thu à” “Sái 5 hay sái 7 đấy” (ý nói một bài này chắc dành tặng cả “huyện” người). Hoặc “Sinh nhật đen được đấy nhưng đến cả bài tự sự về sinh nhật buồn, sinh nhật chia ly mà hình như cũng đá thơ người khác chứ không do nhà trồng hoàn toàn đúng không”, “Lãng đãng chiều đông Hà Nội nghe na ná bài không lãng đãng nên là em chã, để dành cho người khác đê”. Vân vân…
Nỗi khát khao mặt trời của Phú Quang mà tôi nhắc ở đầu bài có ca từ thật hay: “Vẫn nghe quanh đời những bầy chim đêm vỗ đôi cánh đen ngậm một mặt trời bay vào mịt mù. Vẫn nghe quanh đời những dòng sông đêm réo con sóng đen cuộn một mặt trời trôi vào mịt mù. Nhưng ta vẫn chờ một tia nắng nhỏ nhoi. Nhưng ta vẫn chờ một tia sáng nhỏ nhoi…Rồi sẽ đến những tháng ngày đợi chờ, mặt trời sẽ chiếu sáng ngàn nụ cười, như ước mơ như khát khao một đời”.
Ca khúc Tâm sự người ca sĩ của Phú Quang thì kết bằng câu: “Lời tôi hát cháy lên tia lửa mặt trời- niềm hạnh phúc chắt chiu suốt cuộc đời tôi”.
Cho nên bài báo nhiều hoài niệm này, viết vào thời khắc khó khăn của Phú Quang, hy vọng sẽ như tia nắng, tia sáng nguyện cầu phép màu cho anh qua đẹp tháng ngày này.