Những cú thót tim của Trường 'đầu bò'

Những cú thót tim của Trường 'đầu bò'
Một nhiếp ảnh gia đàn anh khi nói về nhà báo Lương Xuân Trường thì tặc lưỡi, lắc đầu bảo: “Chưa thấy nhà báo nào làm việc kiểu “trâu húc mả” như thế. Chỗ nào xa nhất, khó nhất, vất vả nhất, heo hút nhất... thì đều thấy mặt “nó””. Trường chính là hình mẫu của một nhà báo dấn thân mà các giảng viên báo chí hay lấy ra làm ví dụ cho học trò của mình.  

“Đôi ba lần suýt chết”

Lương Xuân Trường (sinh năm 1966) bắt đầu nghề báo ở TTXVN, nơi bố anh, nhà báo - liệt sĩ Lương Nghĩa Dũng từng gắn bó. Ở đây, người ta nhắc đến cặp bố con Dũng - Trường với những cái lắc đầu giống hệt nhau: Không theo được!

Nhà báo Lương Nghĩa Dũng từng được hai nhà nhiếp ảnh nổi tiếng của Mỹ là Horst Fass và Tim Page xếp hạng ngang tầm với những nhà nhiếp ảnh chiến tranh vĩ đại  trong thế kỷ XX như Robert Capa (Mỹ), Larry Burrows (Anh), Henri Huet (Pháp), Kyoichi Sawada (Nhật)... “Những nhà nhiếp ảnh sinh ra để sẵn sàng đem tính mạng của mình đổi lấy những bức ảnh máu lửa, chân thật”.

Xuân Trường kế thừa gần như nguyên vẹn tinh thần xả thân của bố anh. Nhà báo Lê Anh Dũng (báo Vietnamnet) kể: chưa từng đi tác nghiệp với ai mà nhiều bất an như đi cùng Xuân Trường. Lúc nào cũng phải chuẩn bị tâm thế gọi cấp cứu cho “ông ấy”, nhất là vào những hoàn cảnh nguy hiểm như bão, lũ quét, sạt lở đất... Khi máu nghề của Trường hăng lên, lấy cù nèo móc cổ kéo cũng không lại.

Nghề báo với Trường gần như là một thứ tín ngưỡng. Người ta chả ai lại keo kiệt với tín ngưỡng của mình. Để có được những góc máy ấn tượng nhất, Xuân Trường từng nhiều lần trả giá bằng máu, theo nghĩa đen.

Đó là cái đận anh trèo lên vách núi ở Na Hang, Tuyên Quang để chụp cho bằng được cảnh nổ mìn phá núi. “Tôi đu bằng rễ cây, đeo máy ảnh trên lưng, lên chụp ngon rồi, lúc xuống thì rễ đứt. Cái rễ ấy to lắm, bằng cả bắp tay, nhưng trong quá trình nổ mìn nó bị đứt phía trong mà mình không phát hiện ra. Rơi một phát từ độ cao mười mét, tưởng chết rồi, vì bên dưới toàn là đá nhọn. May thế nào, tôi vẫn bám được vài thứ ở vách, độ rơi chậm nên máy móc không sao”. Anh kể.

Một lần khác, vì vội đi tác nghiệp, anh một mình một con “Win ghẻ”, đi đường núi vào lúc nhập nhoạng tối, kết quả là vấp phải mô đá giữa đường, ngã gãy tay. Trong hoàn cảnh đường không mông quạnh, Trường vẫn đủ tỉnh táo để tìm ra và thuê hai xe ôm người bản địa, một xe chở người, một xe chở đồ vào viện xử lý vết thương.

Lần khác nữa, ở biển Bắc Trường Sa (năm 2011), thuyền của Trường và mấy chiến sĩ bị máy bay của Trung Quốc quây. “Đầu tiên vẫn vô tư lắm, không nghĩ gì đâu, sau biết là máy bay tập trận thì hoảng, lúc ấy quan hệ trên biển Đông căng lắm, nghĩ lần này mình xong rồi. Thế là tôi gỡ ổ cứng trong máy tính ra bọc mấy lần nilon rồi gài vào cái giá bát phía sau thuyền. Tính toán nếu không may thì tài liệu vẫn có cơ hội được tìm thấy”.

Năm 2008, suốt một tuần Xuân Trường theo chân bộ đội biên phòng dầm mưa trong rừng. Quần áo ướt rồi khô, khô rồi ướt. Về đến chỗ nghỉ, lại chòm chõm ngồi làm tin, gõ chữ. Đến 4h sáng thì đuối quá, gục xuống lúc nào không biết.

Những cú thót tim của Trường 'đầu bò' ảnh 1 Nhà báo Lương Xuân Trường trên đường tác nghiệp. Ảnh: Lê Anh Dũng

Những ví dụ tương tự là vô tận. Có thể là Trường mạng cứng, cũng có thể là anh “có cơ chế tự bảo vệ rất cao” như lời giải thích với nhiều bạn bè để bào chữa cho cái tội “liều mạng”, sau nhiều lần chết hụt, thế nhưng chỉ cần nghe ở đâu “có chuyện” là bất chấp mưa gió, xa xôi cách trở, “con người to gan” ấy sẽ bằng mọi cách để có mặt.

Nhuận bút một đô la một chữ

Đang vững chân ở TTXVN với những nấc thang mở rộng, Trường đột ngột làm đơn xin đi thường trú ở Lai Châu. Đồng nghiệp, bạn bè không ai lý giải được quyết định oái oăm này của anh, có người bảo Trường điên. Và anh đi một mạch 10 năm trời. Trong 10 năm ấy, gót chân Lương Xuân Trường đi mòn khắp các tỉnh miền núi Tây Bắc.

“Người ta hỏi tôi có âm mưu gì mà xin đi miền núi. Tôi chả có âm mưu gì, chỉ nghĩ lúc ấy (đầu những năm 2000) đây là một vùng đất ít người khai phá, nhiều đề tài hay. Lên đây, tôi bắt đầu vừa chụp ảnh vừa viết. “Pa Ủ những ngày cuối mùa đói” là phóng sự đầu tay của tôi, nhuận bút rất cao nên mình càng say. Lúc ấy tôi sống ổn lắm, nhuận bút rủng rỉnh, có những đề tài độc, một cái tin được trả một đô một chữ”. Xuân Trường nhớ lại.

Những cú thót tim của Trường 'đầu bò' ảnh 2
Có một chi tiết thú vị ở đây, nhà báo có mức nhuận bút khủng ấy, trước khi bước chân vào nghề chưa từng được động đến cái máy ảnh. Trường tốt nghiệp ĐH Thương mại, đi làm báo vì muốn giữ lại kỷ niệm với người bố hi sinh từ lúc anh mới năm, sáu tuổi. Kinh nghiệm nghề nghiệp của anh tất cả đều được gom góp bằng cách tự học. Để tìm hiểu về văn hóa bản địa của Tây Bắc, Trường vào thư viện nghiên cứu rồi đến xin giáo sư Tô Ngọc Thanh phụ đạo. Để tập viết, anh dành nguyên một năm chỉ để đọc những tác phẩm hay nhất của đồng nghiệp.

Những câu chuyện của Trường đắt giá không chỉ vì hình ảnh độc, mà anh có cách riêng để khai thác những chi tiết cực kỳ “khó đào” từ phía nhân vật. Đây là một biệt tài khác của “nhà báo gàn”.

“Bạn bè hỏi tôi, sao ông dễ thân với đồng bào thế? Tôi bảo có gì đâu, cứ vào nhà xin điếu thuốc lào, ngồi bệt xuống giống họ là vào chuyện ngay, trong khi nhiều phóng viên khác còn phải loay hoay tìm cái ghế. Muốn tiếp cận nhân vật nhanh nhất, không cách nào hiệu quả bằng việc san bằng khoảng cách với họ”. Lương Xuân Trường chia sẻ.

Ở ẩn, trồng cây

Ba năm nay, Trường không làm báo. Anh giải thích là không phải bỏ nghề vì anh chưa bao giờ chán nghề. Chỉ là tạm dừng, để nhìn lại, xả ra và chọn một tuyến đi khác.

Nghỉ việc, anh mang theo laptop thuê hẳn một mẫu đất gần Trường bắn Yên Sở để trồng rau. Ở nơi cư ngụ mới - có thể dùng làm nguyên mẫu túp lều lão Hạc, mỗi ngày anh vẫn cặm cụi ngồi viết. Ngoài ra 100% thời gian anh dùng để “bắt sâu nhổ cỏ”. Mẫu đất này, trong ba năm đã làm cho Trường khánh kiệt. Hiện anh kiếm sống chủ yếu nhờ vào việc bán dung dịch Humic - một loại dung dịch hữu cơ để trồng rau sạch được chính Trường nghiên cứu, chế tạo và thử nghiệm. Cuộc sống bản thân còn đầy khó khăn nhưng khi bạn nhờ trồng thử rau - thuốc cho bệnh nhân ung thư, anh lại không hề ngần ngại lấy khí thế “trâu bò” xắn tay vào làm. 

“Chờ vài năm khu vườn này ổn ổn, tôi sẽ quay lại nghề. Lúc ấy, việc đầu tiên là phải xách xe máy xuyên Việt. Lâu không đi, nhớ đường lắm rồi!”.

Mặc dù mang tiếng là phóng viên thường trú, nhưng không mấy khi Trường có mặt ở văn phòng. Có khi nguyên tháng trời anh một mình một xe đi đâm ngang chẻ dọc khắp các bản “ở tận cùng biên giới”. Không giấy giới thiệu, không công tác phí, không có tiếp đón của quan chức tỉnh lẫn doanh nghiệp. Anh chỉ chăm chăm vào những nơi: khó nhất, khổ nhất, heo hút nhất, những nơi không có đường, không có điện. Hành trang của Trường khi đó chỉ là máy ảnh, laptop, hai bộ quần áo, bộ đồ vá xăm và hai vòng dây xích để quấn bánh xe mỗi lần cần lên dốc.

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.