Em bé mồ côi vì Covid lớn lên như một phép màu

0:00 / 0:00
0:00
Sinh non khi mới được hơn 7 tháng vì mẹ mắc COVID-19, bị nhiễm trùng nặng phải thở máy, nhiều lần đứng giữa lằn ranh sinh tử, con là Bình An - bình an vượt mọi sóng gió và lớn lên như một phép màu.

Bình An (6 tháng tuổi) là một bé gái bụ bẫm đáng yêu. Nhìn vào nụ cười hồn nhiên của bé, khó có ai nhận ra được rằng em là một đứa trẻ sinh non khi mới được 31 tuần do mẹ mắc COVID-19. Hành trình đầu đời của em là một chuỗi ngày dài kiên cường chiến đấu với 2 lần nhiễm trùng nặng, phải thở máy, nhưng với sức sống mãnh liệt và sự chăm sóc tận tình của các y bác sỹ, bé đã dần khỏe lại để trở về trong vòng tay gia đình.

Em bé mồ côi vì Covid lớn lên như một phép màu ảnh 1

Bé Bình An bụ bẫm đáng yêu và rất thích vui đùa cùng chị gái

Nhớ lại ngày định mệnh ấy, anh Tài – cha bé Bình An không cầm được nước mắt. “Giờ nhắc lại dĩ vàng, chịu không nổi” – nói rồi người đàn ông đã ngoài 40 sụt sùi khóc.

Hôm đó, anh Tài đưa vợ đi khám thai rồi anh chị phải ở lại bệnh viện luôn vì kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19. Tình trạng của vợ nhanh chóng chuyển biến xấu, các bác sỹ đã phải đưa ra quyết định nghiệt ngã: mổ cấp cứu khi thai mới được hơn 31 tuần để cứu con. Sau sinh hơn 1 tuần, người mẹ đã kiệt sức và mất vì COVID-19.

Sau biến cố, Bình An và chị gái Thúy Vy (11 tuổi) được ông bà ngoại và cậu mợ đón về chăm sóc tại Đồng Tháp, trong khi anh Tài - cha các em một mình lặn lội, bươn chải tìm việc làm trên thành phố Hồ Chí Minh, những mong kiếm đủ tiền để nuôi các con khôn lớn nên người. Làm nghề lái xe ôm nhưng thất nghiệp tới hơn nửa năm vì dịch bệnh, vợ mất sớm để lại đàn con thơ dại, khó khăn chồng chất khó khăn, nhiều lúc nhớ các con quay quắt, người cha muốn về quê nhìn mặt con mà ngặt nỗi cái nghèo đeo bám, anh lại cắn răng chịu đựng.

“Tôi chỉ muốn là các con tôi được khỏe mạnh, cố gắng cho chúng nó được học tới nơi tới chốn, đời cha như vậy rồi, mình phải hi sinh cho đời con thôi.” – anh Tài ngậm ngùi chia sẻ.

Giống như bé Bình An, Thúy Quyên (13 tuổi) cũng không được cảm nhận hơi ấm của mẹ từ khi mới 3 tháng tuổi, em được ba một tay nuôi nấng bằng đồng lương làm bảo vệ ít ỏi. Hoàn cảnh khó khăn nhưng trong căn nhà trọ lụp xụp ở TP. Hồ Chí Minh, Quyên luôn chăm chỉ, cố gắng học hành để mai sau có thể trở thành bác sỹ và kiếm được tiền để nuôi ba. Thế nhưng Quyên chưa kịp thực hiện được ước mơ thì ba em đã mất vì COVID-19 vào tháng 8 năm ngoái. Cuộc gọi cuối cùng với ba trở thành kỷ niệm mà em sẽ không bao giờ quên được.

“Lúc đó ba chỉ dặn con cố gắng ăn uống đầy đủ, ba nói có mỗi một câu đó thôi, rồi ba cúp máy. Mấy hôm sau mới có chú gọi điện lại báo là ba con mất rồi”. – Thúy Quyên nghẹn ngào nhớ lại.

Đến tận những giây phút cuối cùng của cuộc đời, điều ba Quyên trăn trở vẫn luôn là đứa con thơ, lo cho con từng bữa ăn, giấc ngủ. Thương em trai mất sớm, bà Lưỡng (58 tuổi) – bác ruột của Quyên - dù không biết chữ, chỉ làm công việc rửa bát thuê cho quán ăn để kiếm từng đồng lẻ sống qua ngày vẫn quyết định đón cháu gái về nuôi.

“Giờ em tôi mất rồi, tôi không thể đem con nó đi cho người ta được, tôi phải nuôi con thay cho nó, được tới đâu hay tới đó.” – bác Lưỡng tâm sự.

Tự nhủ mình đã lớn, Quyên nhớ ba mà không dám khóc, em chỉ khép mình ngồi thu lu trong một góc phòng, những kỷ niệm về ba gói gọn trong căn nhà trọ tuềnh toàng.

Em bé mồ côi vì Covid lớn lên như một phép màu ảnh 2

Thúy Quyên ngồi nhớ ba và nghĩ về tương lai sẽ phải nghỉ học để đi làm

Càng nhớ ba, Quyên lại càng thương bác. Người bác vốn nghèo khó, nay lại phải cưu mang thêm cháu gái còn nhỏ, cuộc sống mưu sinh càng thêm vất vả.

Đôi mắt tràn ngập nỗi buồn, thoảng nét già dặn hơn so với tuổi mới 13, Quyên đã bắt đầu nghĩ về tương lai sẽ phải nghỉ học để đi làm thuê kiếm tiền tự lo cho bản thân và đỡ đần bác.

“Chừng nào con lớn lên đủ 18 tuổi thì con sẽ đi làm để phụ giúp gia đình, bởi vì con nghĩ là gia đình mình không có đủ tiền để học đại học.” – Thúy Quyên chia sẻ.

Những tưởng sau khi ba mất thì ước mơ giảng đường của Quyên sẽ phải khép lại, nhưng nhờ sự sẻ chia từ cộng đồng và thông qua chương trình Cặp lá yêu thương của Đài Truyền hình Việt Nam, câu chuyện của Quyên đã được nhiều nhà hảo tâm biết đến, trong đó có Ngân hàng Việt Nam Thịnh vượng (VPBank). Để Quyên có thể viết tiếp ước mơ của mình, VPBank đã dành tặng cho em một cuốn sổ tiết kiệm trị giá 100 triệu đồng. Món quà này là một phần trong chương trình dành tặng 1,5 tỷ đồng cho 15 em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn, mồ côi vì dịch COVID-19 mà VPBank đã thực hiện từ tháng 3 đến nay.

Nhận lá thư từ VPBank, Thúy Quyên cứ đọc đi đọc lại, không tin vào mắt mình, trong khi bác em bật khóc nức nở.

“Gia đình nghèo khổ nên khi nhận được số tiền lớn như vậy sẽ để dành cho cháu ăn học”. – bác Lưỡng nghẹn ngào nói.

“Con tưởng là con sẽ phải dừng lại ước mơ học đại học, sổ tiết kiệm 100 triệu đồng của ngân hàng là món quà quá lớn.” – Thúy Quyên xúc động nói, đôi mắt trong veo ánh lên những tia hy vọng về một tương lai tốt đẹp hơn.

Vậy là với tấm lòng sẻ chia và sự tiếp sức tài chính thiết thực từ VPBank, Quyên sẽ tiếp tục vững bước đến trường và thực hiện ước mơ trở thành bác sỹ có thể.

Trong khi đó, cũng nhận được cuốn sổ tiết kiệm 100 triệu đồng từ VPBank, ba bé Bình An xúc động nói: “Tôi mừng lắm, đây là món quà lớn sẽ giúp đỡ đần cuộc sống cho mấy đứa nhỏ.”

Em bé mồ côi vì Covid lớn lên như một phép màu ảnh 3

Gia đình Bình An vui mừng nhận được sổ tiết kiệm từ VPBank

Chắc chắn rằng với món quà tình nghĩa này, gia đình Bình An sẽ vơi bớt khó khăn, anh Tài sẽ có điều kiện chăm sóc cho các con nhiều hơn, bù đắp cho lũ trẻ phần nào những thiệt thòi vì mất mẹ.

Hy vọng rằng với sự sẻ chia từ những tấm lòng hảo tâm, sự chung tay của toàn xã hội, những trẻ mồ côi cha, mẹ do dịch COVID-19 như Thúy Quyên và hai chị em Thúy Vy – Bình An đều sẽ được hỗ trợ, có điều kiện vươn lên trong cuộc sống./.

MỚI - NÓNG
Việt Nam vừa thu về 1,5 tỷ USD từ xuất khẩu cá tra
Việt Nam vừa thu về 1,5 tỷ USD từ xuất khẩu cá tra
TPO - Trong 9 tháng năm nay, kim ngạch xuất khẩu cá tra của Việt Nam đạt 1,5 tỷ USD, tăng 9% so với cùng kỳ năm trước, các thị trường chính gồm: Trung Quốc, Mỹ, EU, Brazil… Dù vậy, ngành hàng cá tra đối mặt với nhiều khó khăn như giá nhiên liệu, giá vật tư, thức ăn tăng.