Ebola hoàn toàn có thể vào Việt Nam

TPHCM lên phương án chuẩn bị sẵn sàng phòng chống bệnh do vi rút Ebola. Ảnh: Thanh Tùng
TPHCM lên phương án chuẩn bị sẵn sàng phòng chống bệnh do vi rút Ebola. Ảnh: Thanh Tùng
TP - Bộ Y tế nhận định, dù đến nay chưa phát hiện trường hợp nào nhiễm virus Ebola tại Việt Nam nhưng nguy cơ dịch bệnh lây lan vào Việt Nam là hoàn toàn có thể. Bộ này cũng cho biết đã tính tới phương án thành lập các bệnh viện dã chiến nếu bệnh dịch lây lan vào Việt Nam.

Trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh Ebola trên thế giới, sáng 9/8, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã họp khẩn với Bộ Y tế và các Bộ, ngành chức năng.

Tại cuộc họp, theo nhận định của Bộ Y tế, mặc dù đến nay chưa phát hiện trường hợp nào nhiễm virus Ebola tại Việt Nam, nhưng nguy cơ dịch bệnh lây lan vào Việt Nam là hoàn toàn có thể. 

Hiện việc kiểm soát y tế đã được triển khai ở tất cả 5 cửa khẩu hàng không quốc tế và sẽ tiếp tục triển khai tại các cửa khẩu đường bộ và đường biển. Thứ 2 tuần tới (11/8), Bộ Y tế sẽ chính thức đưa vào vận hành Văn phòng Đáp ứng khẩn cấp làm đầu mối phối hợp quốc tế, trong đó có phối hợp với Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Cơ quan kiểm soát dịch bệnh Hoa Kỳ và kết nối, hỗ trợ các địa phương trong trường hợp khẩn cấp. Các phương án, kế hoạch giám sát và phát hiện bệnh; xét nghiệm; công tác thu dung và điều trị bệnh nhân… đã được triển khai, kể cả phương án thành lập các bệnh viện dã chiến nếu bệnh dịch lây lan vào Việt Nam.

Theo Bộ Y tế, bệnh do virus Ebola là một bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm thuộc nhóm A, có khả năng lây lan nhanh, tỷ lệ tử vong cao (lên đến 90%). 

Virus gây bệnh năm 2014 là chủng Zaire ebolavirus, là loài gây bệnh nguy hiểm nhất trong 5 chủng virus Ebola. Bệnh lây từ người sang người qua tiếp xúc trực tiếp với máu, dịch tiết, bộ phận cơ thể của người mắc bệnh, động vật bị bệnh hoặc tiếp xúc với môi trường, dụng cụ bị ô nhiễm bởi dịch tiết của người, động vật mắc bệnh. 

Hiện chưa có vắc xin phòng bệnh và phương pháp điều trị đặc hiệu, tuy nhiên bệnh dịch có thể được khống chế nếu phát hiện sớm, cách ly bệnh nhân, theo dõi và giám sát người tiếp xúc gần với người mắc bệnh và thực hiện nghiêm ngặt các quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn.

Trước tình hình dịch bệnh ở các nước Tây Phi, Tổng Giám đốc WHO đã gọi đây là vụ dịch lớn nhất của căn bệnh này trong lịch sử gần 4 thập kỷ qua. WHO cũng đã tuyên bố về tình trạng khẩn cấp, cần được cộng đồng quốc tế quan tâm và ưu tiên triển khai khẩn cấp ở cả cấp quốc gia và quốc tế. 

Theo khuyến cáo của WHO, đối với các quốc gia chưa ghi nhận trường hợp mắc bệnh, cần có kế hoạch chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện và khả năng để phát hiện sớm, điều tra và quản lý những người nhiễm virus Ebola cũng như chuẩn bị các điều kiện để sơ tán và rút công dân đã bị phơi nhiễm với virus Ebola từ các quốc gia có dịch bệnh về nước. 

Cũng theo WHO, đối với các trường hợp đã xác định lây nhiễm virus Ebola cần được cách ly và điều trị kịp thời tại cơ sở y tế và không cho phép đi lại trong nước cũng như quốc tế đến khi xác định âm tính với virus Ebola sau 2 lần xét nghiệm. Đối với trường hợp tiếp xúc với người nhiễm hoặc nghi ngờ nhiễm bệnh cũng cần được giám sát hàng ngày và hạn chế đi lại trong nước và quốc tế trong vòng 21 ngày.

MỚI - NÓNG
Tước hơn 3.400 giấy phép lái xe trong ngày 30/4
Tước hơn 3.400 giấy phép lái xe trong ngày 30/4
TPO - Chiều 30/4, Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) Quốc gia cho biết, trong ngày 30/4, toàn quốc xảy ra 61 vụ tai nạn giao thông, làm chết 27 người, bị thương 45 người. Lực lượng chức năng tước hơn 3.400 giấy phép lái xe các loại do vi phạm an toàn giao thông.