Ngồi phòng công chức nhưng không phải công chức
Chiều 27/6, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ làm việc với Bộ Nội vụ về tình hình thực hiện nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao. Tại buổi làm việc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác truyền đạt 5 vấn đề Thủ tướng lưu ý Bộ Nội vụ, trong đó có vấn đề rất quan trọng là việc quản lý biên chế, tiền lương.
Theo ông Dũng, qua kiểm toán tại một số bộ và 14 địa phương, vấn đề giao chỉ tiêu biên chế, tiếp nhận sử dụng biên chế, sử dụng vượt thẩm quyền, nhất là các đơn vị sự nghiệp công lập vượt tới hơn 63.200 người, cho thấy việc kiểm tra, kiểm soát ở dưới không nắm hết.
“Tôi ở địa phương rồi tôi biết, cứ khi bí là dùng cả lao động hợp đồng, biên chế viên chức làm ở trong đơn vị hành chính. Tức là ngồi ở phòng công chức nhưng không phải là công chức. Đây là thực tế cần phải có sự chấn chỉnh. Dứt khoát không thể tăng biên chế, không thể chấp nhận phình bộ máy, tăng biên chế công chức và viên chức”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói, đồng thời đề nghị Bộ Nội vụ quan tâm đến vấn đề chuyển đổi mạnh các đơn vị sự nghiệp công lập sang tự chủ tài chính.
Hiện cả nước có khoảng 3,1 triệu công chức, viên chức hưởng lương từ ngân sách, theo Bộ trưởng Dũng, nếu tiết kiệm chi cho đội ngũ này sẽ làm được nhiều việc. Ông cũng đề nghị lưu ý đến vấn đề quản lý, đào tạo đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, huy động trí thức trẻ, thu hút nhân tài, đào tạo cán bộ vừa hồng vừa chuyên. Theo ông Dũng, hiện các bộ, ngành, địa phương rất quyết tâm trong thi tuyển nhưng vẫn còn “mò mẫm”, chưa thành chuẩn. Bộ Nội vụ là cơ quan thường trực về cải cách hành chính, trong tham mưu xây dựng thể chế, cần phải có thực tiễn, sâu sát cơ sở để có đề xuất đúng, trúng.
Hiện Bộ Nội vụ còn 151 nhiệm vụ chưa hoàn thành trong hạn, 4 nhiệm vụ chưa hoàn thành và đã quá hạn, như vậy có tổng cộng 155 nhiệm vụ cần phải xử lý. Mặc dù có những việc còn liên quan đến nhiều đơn vị, có những việc chưa làm ngay được, nhưng ông Dũng lưu ý, Bộ Nội vụ vẫn phải tập trung hoàn thành các nhiệm vụ càng sớm càng tốt.
“Phải làm sạch nhà mình trước”
Giải trình với Tổ công tác liên quan đến việc sắp xếp bộ máy, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, hiện Bộ Nội vụ không còn ai cấp phòng trong các vụ chuyên môn. Ông cũng cam kết với Chính phủ sẽ giảm biên chế từ 15% trở lên. Theo ông Tân, công tác quản lý nhà nước của ngành cần tập trung vào ba việc: Xây dựng chiến lược phát triển ngành; xây dựng thể chế, hướng dẫn thực hiện; và công tác thanh tra, kiểm tra. Trong đó phải chú trọng đến vấn đề phân cấp, phân quyền cho địa phương.
Ông Lê Vĩnh Tân cũng cho biết, Bộ Nội vụ vừa đề xuất với Chính phủ và đã có chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương rà soát, kiểm tra, thanh tra công vụ ít nhất 30%. Trong các đơn vị trực thuộc bộ cũng phải thanh tra, kiểm tra 30%. “Không phải đi thanh tra, kiểm tra người ta rồi không làm ở đơn vị mình. Tôi đã nói với các đơn vị trực thuộc bộ, trước khi làm sạch nhà người khác thì phải làm sạch nhà mình trước”, Bộ trưởng Nội vụ nhấn mạnh.
Nói về cải cách thủ tục hành chính, ông Tân cho rằng phải đổi mục tiêu, đừng quản lý công việc, đừng quá thiên về chi tiết, cầm tay chỉ việc, sợ cái này, sợ cái kia. Sợ một người gian làm khó 100 người ngay thì không được. Nhìn về các cán bộ cấp dưới, ông Tân quả quyết, dứt khoát không thể chỉ làm việc 8 tiếng tại cơ quan được.
“Kể cả ngày Chủ nhật, ngày nghỉ lễ cũng phải có người trực làm việc ở đây. Tôi gọi các đồng chí bất cứ lúc nào cũng phải phát hành văn bản, dù lúc đó là 11 giờ đêm”, ông Tân nhấn mạnh.
“Tôi ở địa phương rồi tôi biết, cứ khi bí là dùng cả lao động hợp đồng, biên chế viên chức làm ở trong đơn vị hành chính. Tức là ngồi ở phòng công chức nhưng không phải là công chức. Đây là thực tế cần phải có sự chấn chỉnh”.Bộ trưởng Mai Tiến Dũng
“Không phải đi thanh tra, kiểm tra người ta rồi không làm ở đơn vị mình. Tôi đã nói với các đơn vị trực thuộc bộ, trước khi làm sạch nhà người khác thì phải làm sạch nhà mình trước”.Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân