Thượng tướng Phan Văn Giang:

Giảm 10% quân số biên chế tại cơ quan chiến dịch, chiến lược

Thượng tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng.
Thượng tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng.
Thượng tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng trả lời phỏng vấn về việc triển khai Nghị quyết số 18-NQ/TW trong Quân đội.

Hội nghị lần thứ sáu, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TW “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”, hướng tới tạo bước đột phá trong sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, đặt trong tổng thể nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

Để làm rõ hơn lộ trình cũng như các giải pháp đảm bảo tính tổng thể, đồng bộ, liên thông; kết hợp hài hòa giữa kế thừa, ổn định và phát triển; gắn đổi mới tổ chức với đổi mới phương thức lãnh đạo, tinh giản biên chế theo đặc thù ngành, Thượng tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng đã trả lời báo chí về việc triển khai Nghị quyết số 18-NQ/TW trong Quân đội.

Xin Thượng tướng cho biết ý nghĩa, sự cần thiết thực hiện đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả?

Hệ thống chính trị của nước ta sau hơn 30 năm thực hiện đường lối đổi mới đã có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, cùng với những thành tựu đạt được, vẫn còn không ít hạn chế, bất cập, đặc biệt là sự cồng kềnh, kém hiệu lực, hiệu quả của hệ thống chính trị. Hội nghị Trung ương 6 khóa XII đã ra 4 nghị quyết, trong đó có Nghị quyết số 18-NQ/TW xác định các vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Đây là Nghị quyết nhằm cụ thể hóa 10 nhiệm vụ, giải pháp về xây dựng Đảng và thực hiện nhiệm vụ trọng tâm thứ 2 mà Nghị quyết Đại hội XII của Đảng đã đề ra, đáp ứng yêu cầu trước mắt và lâu dài, góp phần thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới đất nước.

Nghị quyết này phản ánh được tâm tư, nguyện vọng và lòng mong đợi của cán bộ, đảng viên và đông đảo nhân dân trong cả nước nói chung và cán bộ, chiến sỹ trong Quân đội nói riêng; kế thừa những thành tựu trong triển khai các nghị quyết, kết luận của Trung ương (Nghị quyết Trung ương 7, khóa VIII; Nghị quyết Trung ương 5, khóa IX; Nghị quyết Trung ương 4, khóa X; Kết luận 64, khóa XI, Nghị quyết 39, khóa XI) về xây dựng bộ máy tinh gọn, tinh giảm biên chế; kịp thời khắc phục những hạn chế về bộ máy chính trị còn cồng kềnh, chồng chéo, nhiều tầng nấc, hoạt động kém hiệu lực, hiệu quả.

Công cuộc phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng khoa học 4.0 đã tác động sâu sắc đến mọi mặt của đời sống kinh tế xã hội; đòi hỏi chúng ta phải tiến hành đổi mới tổ chức bộ máy, nếu không sẽ dẫn đến tụt hậu, đe dọa sự phát triển của đất nước. Đồng thời, Nghị quyết này còn đáp ứng yêu cầu đổi mới cơ chế vận hành, đổi mới chế độ chính sách...

Việc tiếp tục đổi mới, kiện toàn sắp xếp tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả sẽ góp phần xác định rõ chức năng, nhiệm vụ của từng tổ chức, tiến tới hợp nhất một số cơ quan, tổ chức có chức năng, nhiệm vụ tương đồng và thực hiện kiêm nhiệm một số chức danh, gắn với tinh giản biên chế trong bộ máy chính trị. Đây vừa là đòi hỏi tất yếu khách quan, vừa là yêu cầu, nhiệm vụ cấp thiết trong tình hình hiện nay, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng đề ra.

Với đặc thù chức năng, nhiệm vụ của mình, đến nay, Bộ Quốc phòng đã tiến hành thực hiện quá trình đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả như thế nào, thưa Tổng Tham mưu trưởng?

Thực hiện Kết luận số 16-KL/TW ngày 7/7/2017 của Bộ Chính trị về tổ chức Quân đội nhân dân Việt Nam đến năm 2021 và Nghị quyết số 18-NQ/TW (khóa XII); ngay sau khi có Nghị quyết, Quân ủy Trung ương và các cấp ủy đảng trong Quân đội đã tổ chức quán triệt, học tập, triển khai thực hiện Nghị quyết kịp thời, hiệu quả, với quyết tâm chính trị cao. Quân ủy Trung ương đã chỉ đạo xây dựng kế hoạch, chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 phù hợp với chức năng, nhiệm vụ từng cơ quan, đơn vị. Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng xác định điều chỉnh tổ chức Quân đội năm 2018 đến năm 2021, như sau:

Bộ sẽ thực hiện rà soát, điều chỉnh tổ chức, biên chế cơ quan chiến dịch, chiến lược; phấn đấu đến năm 2021, giảm 10% quân số biên chế tại cơ quan chiến dịch, chiến lược so với quân số quy định năm 2015. Trong đó, tập trung giảm các đơn vị phục vụ, bảo đảm, giảm đầu mối trung gian; nghiên cứu điều chỉnh phương thức bảo đảm cho phù hợp với tình hình thực tiễn; phân cấp mạnh công tác bảo đảm cho cấp dưới. Nghiên cứu, điều chỉnh tổ chức lực lượng dự bị chiến lược một số binh chủng phù hợp với quyết tâm bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Rà soát hoàn chỉnh chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ công tác của các đầu mối trực thuộc Bộ, phân định rõ không để chồng chéo.

Thực hiện chính sách phù hợp với quân nhân, công nhân và viên chức quốc phòng chịu tác động trực tiếp trong quá trình sắp xếp, cơ cấu lại tổ chức, biên chế trong Quân đội. Điều chuyển nhiệm vụ huấn luyện, đào tạo thuộc một số đơn vị về các học viện, nhà trường cho phù hợp với chuyên ngành đào tạo. Bên cạnh đó, Bộ Quốc phòng tiến hành rà soát, điều chỉnh tổ chức, biên chế khối lục quân, đơn vị chiến đấu, tổ chức lại lực lượng lục quân theo hướng tăng cường sức mạnh tác chiến và khả năng cơ động cao.

Đối với đơn vị sự nghiệp công lập, chuyển đổi mô hình hoạt động một số tổ chức sang hoạt động đơn vị sự nghiệp công lập; thực hiện tự chủ tài chính đối với 30 đơn vị bệnh viện và cơ sở khám chữa bệnh trong Quân đội (theo Chỉ thị 85/CT-BQP ngày 13/2/2018 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng); thực hiện Đề án cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp quân đội. Đến năm 2020, chủ trương của Bộ Quốc phòng sắp xếp còn 17 doanh nghiệp quốc phòng, 12 doanh nghiệp cổ phần hóa có vốn Nhà nước trên 51%; điều chuyển sáp nhập một số bệnh viện, viện (trung tâm) nghiên cứu theo hướng tinh, gọn, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ; triển khai thực hiện Đề án cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp Quân đội đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Năm 2018, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ tổ chức biên chế theo hướng tinh, gọn, mạnh, có sức chiến đấu cao. Quá trình triển khai Nghị quyết số 18-NQ/TW trong bối cảnh nhiệm vụ này có gặp những khó khăn và thuận lợi gì, thưa Thứ trưởng?

Có thể nói thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 là một trong những nhiệm vụ hết sức quan trọng của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng năm 2018 và những năm tiếp theo. Việc thực hiện tinh giản tổ chức biên chế sẽ tác động trực tiếp đến tâm tư, tình cảm của một bộ phận cán bộ, quân nhân chuyên nghiệp và người lao động. Việc xây dựng bộ máy tinh gọn, hiệu quả cũng là một vấn đề lớn, nhạy cảm nên không chỉ làm trong thời gian ngắn mà cần có những lộ trình, bước đi cụ thể. Trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đánh giá có một số thuận lợi và khó khăn.

Về thuận lợi, quá trình kiện toàn tổ chức Quân đội luôn được đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp, tuyệt đối về mọi mặt của Đảng, phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và cấp ủy, chỉ huy các cấp trong Quân đội.

Tổ chức đảng các cấp trong Quân đội, tổ chức biên chế các cơ quan Bộ Quốc phòng và các đơn vị trực thuộc Bộ tương đối ổn định, khẳng định được vị trí, vai trò qua hơn 70 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của Quân đội. Mỗi cơ quan, đơn vị có một chức năng, nhiệm vụ đặc thù, tạo thành sức mạnh tổng hợp của Quân đội, góp phần thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy phù hợp với phương hướng xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, đáp ứng với yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn hiện nay.

Cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, công tác tuyên truyền Nghị quyết được triển khai rộng khắp trên các phương tiện thông tin đại chúng. Cấp ủy, chỉ huy các cấp quan tâm, chỉ đạo triển khai thực hiện nghị quyết bằng nhiều hình thức cụ thể, phù hợp; đã cụ thể hóa chủ trương, đường lối về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn vào nghị quyết của cấp ủy, kế hoạch công tác của người chỉ huy, chương trình hành động của các tổ chức quần chúng.

Qua quá trình thực hiện Nghị quyết, hệ thống tổ chức bộ máy về đảng, chính quyền, các tổ chức quần chúng từng bước được kiện toàn hợp lý hơn. Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ công tác giữa các cơ quan, đơn vị được bổ sung và ngày càng hoàn thiện, chất lượng hoạt động được nâng lên.

Bên cạnh đó, Bộ cũng gặp một số khó khăn trong việc kiện toàn tổ chức biên chế, nhất là tại các doanh nghiệp, do liên quan đến chế độ, chính sách của nhiều cán bộ, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng. Do vậy, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo điều chỉnh tổ chức phải gắn với công tác cán bộ, chính sách; trong triển khai thực hiện phải bám sát Nghị quyết, kế hoạch, đề án đã xác định với tinh thần thực hiện đồng bộ, toàn diện, đúng trọng tâm, trọng điểm, kiên quyết, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, không làm ảnh hưởng đến chức năng, nhiệm vụ từng đầu mối và nhiệm vụ chung của Quân đội.

Quá trình thực hiện điều chỉnh đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, nếu không tuân thủ chặt chẽ quy định, bảo đảm khách quan, công bằng, dân chủ, nguyên tắc, dễ dẫn tới những vấn đề phức tạp trong nội bộ các cơ quan, đơn vị. Đây là thời cơ kẻ địch xuyên tạc, phá hoại mối quan hệ đoàn kết, làm suy giảm sức mạnh chiến đấu và chức năng, nhiệm vụ các cơ quan, đơn vị.

Để khắc phục những khó khăn trước mắt, năm 2018 và những năm tiếp theo theo lộ trình đã xác định, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng sẽ tiến hành đồng bộ một số biện pháp.

Thứ nhất, Bộ sẽ tăng cường chỉ đạo các đơn vị thực hiện công tác tuyên truyền, giáo dục tư tưởng, nâng cao nhận thức cho mỗi cán bộ, đảng viên và quần chúng; tạo sự thống nhất cao về sự lãnh đạo của cấp ủy các cấp trong Quân đội; triển khai thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW gắn với Kết luận 16-KL/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 19-NQ/TW (khóa XII) về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập; căn cứ chức năng, nhiệm vụ của Quân đội xây dựng kế hoạch, chương trình hành động thực hiện nghị quyết theo lộ trình phù hợp. Bộ Tổng Tham mưu tiến hành làm trước về giảm đầu mối bên trong các cơ quan để nhân rộng ra trong toàn quân.

Đồng thời, các cơ quan, đơn vị trong toàn quân sẽ thường xuyên hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Nghị quyết, xác định đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của cấp ủy, chỉ huy các cấp; kiên quyết khắc phục tình trạng hình thức, làm không đến nơi đến chốn, hiệu quả thấp trong triển khai, thực hiện Nghị quyết. Mỗi tổ chức đảng, đặc biệt là các cấp ủy và người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trước Đảng, trước pháp luật về thực hiện tinh giản biên chế, bộ máy bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Bên cạnh đó, Bộ Quốc phòng sẽ thực hiện tinh giản gắn với công tác cán bộ và công tác chính sách trong tính tổng thể, đồng bộ; đổi mới cơ chế chính sách trong tuyển dụng nhân tài, thu hút nhân lực chất lượng cao vào phục vụ trong Quân đội. Quá trình thực hiện Nghị quyết phải thận trọng, không nóng vội, chủ quan, đề phòng sự xuyên tạc, chống phá của các thế lực thù địch trong quá trình kiện toàn, đổi mới sắp xếp biên chế.

Trân trọng cảm ơn Tổng Tham mưu trưởng!

Theo Theo TTXVN
MỚI - NÓNG
Thông tin 'nóng' về hồ thủy điện Thác Bà
Thông tin 'nóng' về hồ thủy điện Thác Bà
TPO - Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết, đến 9h sáng nay (11/9), lượng nước về hồ chứa thuỷ điện Thác Bà đã giảm xuống còn 3150 m3/s, tổng lưu lượng xả là 3200 m3/s (lượng xả nhiều hơn nước về hồ). Thủy điện đã mở 3/3 cửa xả theo chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sẵn sàng phương án ứng phó để đảm bảo an toàn đập.