Đường Trường Chinh: Vì sao thẳng + thẳng = cong?

Quy hoạch 1/2000 xác định đường Trường Chinh đi thẳng. Ảnh: Hà Anh
Quy hoạch 1/2000 xác định đường Trường Chinh đi thẳng. Ảnh: Hà Anh
TP - Theo quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thì đường Trường Chinh (đoạn Hố Mẻ - Sông Lừ) là thẳng. Quy hoạch tỷ lệ 1/2000 quận Đống Đa cũng xác định đoạn đường này thẳng. Tuy nhiên, khi triển khai dự án mở rộng đường Trường Chinh thì đoạn đường này bị nắn cong.

Tuyến đường đã bị điều chỉnh

Kiến trúc sư (KTS) Nguyễn Tố Lăng, Phó Hiệu trưởng Đại học Kiến trúc Hà Nội, Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo Quy hoạch và Đầu tư xây dựng Vùng Thủ đô cho rằng, về nguyên tắc từ quy hoạch chung đến quy hoạch chi tiết cơ quan quản lý có quyền điều chỉnh, nhưng vấn đề là phải làm rõ nguyên nhân điều chỉnh...

Ông Nguyễn Tố Lăng cho biết, bản thân ông là tác giả của Quy hoạch chi tiết quận Đống Đa đã được Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Hoàng Văn Nghiên phê duyệt ngày 3/4/ 2000. Theo quy hoạch này thì tuyến đường Trường Chinh được vẽ thẳng! 

Tuy nhiên, cũng theo ông Lăng về quy định thì từ quy hoạch chung, quy hoạch 1/2000 đến quy hoạch chi tiết 1/500 cơ quan quản lý có quyền điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện thực tế. Vấn đề là phải làm rõ xem lý do điều chỉnh có chính đáng không, quy trình, thủ tục điều chỉnh có đúng không. 

Quy hoạch chung Thủ đô đến năm 2020 được Thủ tướng phê duyệt năm 1998 đã xác định hướng tuyến đường Trường Chinh là thẳng.

Đến quy hoạch chi tiết quận Đống Đa được UBND thành phố phê duyệt năm 2000 cũng xác định đường Trường Chinh đoạn từ Hố Mẻ đến sông Lừ là một đoạn thẳng.

“Khi làm quy hoạch, chúng tôi coi các yêu cầu là ngang nhau. Theo quy định, khi làm quy hoạch chi tiết là phải có ý kiến của cộng đồng. Trường hợp người dân có khiếu nại thì có thể họ chưa hiểu hết hoặc có những nguyên nhân khác”-ông Lăng nói. Về căn cứ điều chỉnh, cơ quan quản lý phải căn cứ vào nhiều nguyên nhân.

Một chuyên gia khác về quy hoạch Hà Nội cung cấp nhiều tư liệu liên quan đến tuyến đường Trường Chinh cho PV Tiền Phong và cho rằng, Quy hoạch chung Thủ đô đến năm 2020 được Thủ tướng phê duyệt năm 1998 đã xác định hướng tuyến đường Trường Chinh là thẳng. 

Đến quy hoạch chi tiết quận Đống Đa được UBND thành phố phê duyệt năm 2000 cũng xác định đường Trường Chinh đoạn từ Hố Mẻ đến sông Lừ là một đoạn thẳng. Bản quy hoạch chi tiết này đã có sự thoả thuận của nhiều ngành, nhiều cấp và ý kiến cộng đồng. Đến năm 2000, bản quy hoạch này đã được triển lãm rộng rãi xác định là đường Trường Chinh là tuyến đường thẳng và người dân vẫn hoàn toàn nhất trí.

Giải thích chưa thỏa đáng

Theo nhiều chuyên gia, rõ ràng là tuyến đường Trường Chinh đã bị điều chỉnh từ thẳng thành cong chứ không như một số cơ quan cho rằng, không có điều chỉnh. Trường hợp điều chỉnh lại thì phải có ý kiến của Thủ tướng trước khi UBND thành phố phê duyệt. 

Theo KTS Nguyễn Tố Lăng, cần nhìn nhận sự việc từ nhiều khía cạnh và điều cần rút ra từ sự việc này là phải công khai quy hoạch rõ hơn. Nếu người dân chưa hiểu thì phải giải thích để người dân hiểu nhưng cũng có thể thời gian công khai quá ngắn. 

“Thực tế, có tình trạng làm quy hoạch khi đưa quy hoạch, bản vẽ cho người dân thì người dân cũng không quan tâm lắm, nhất trí hết nhưng đến khi triển khai thấy cắm mốc vào đất nhà mình thì mới tá hoả lên là hoá ra đường vào nhà mình”-ông Lăng cho hay.

Theo tìm hiểu của PV Tiền Phong, thực tế Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội và quy hoạch chi tiết của các quận, huyện đã nhiều lần điều chỉnh cho phù hợp thực tế hơn. Đành rằng chất lượng quy hoạch còn có vấn đề cần bàn nhưng việc điều chỉnh phải lắng nghe ý kiến nhân dân để tìm phương án tối ưu. 

Cụ thể như tuyến đường 18 đi qua huyện Sóc Sơn đã có điều chỉnh so với Quy hoạch chung và đã được Thủ tướng cho phép; nút giao thông Nguyễn Phong Sắc-Cầu Giấy nguyên tắc là đi thẳng nhưng do ý kiến của người dân tại đây nhằm bảo tồn di tích nên đã có sự điều chỉnh; tuyến đường Xã Đàn khi đi qua đình Kim Liên đã được điều chỉnh để bảo tồn di tích.

Rõ ràng là cách lý giải của thành phố Hà Nội mới đây về tuyến đường này chưa thật sự thỏa đáng. Điển hình như liên quan đến đất quốc phòng an ninh thì bản chất là đất nào, diện tích bao nhiêu, cơ quan nào đang quản lý, đất có chức năng gì chứ không thể chung chung được bởi loại đất nào cũng có quy chế quản lý cụ thể đi kèm. 

Việc tiết kiệm kinh phí giải phóng mặt bằng ra sao, “nắn” cong thì tiết kiệm được bao nhiêu tiền, liệu có giải pháp nào khác không? “Tại sao đường vành đai là phải cong? Cách giải thích của Hà Nội đã khiến nhiều người nghi ngờ về động cơ chọn phương án đường cong”-một chuyên gia chia sẻ.

MỚI - NÓNG