Với Dương Kỳ Anh
Thời điểm cuối những năm 90 khi tổng kết cuộc thi Tác phẩm tuổi xanh nhà thơ Dương Kỳ Anh, Tổng Biên tập đã hồn nhiên trả lời phỏng vấn một tờ báo rằng thời điểm này cả nước có hơn 800 hội viên Hội Nhà văn. Riêng Tiền Phong đã 5 hội viên hiện là phóng viên của Báo. Ông không quên nhắc trước đó là hơn chục người đã từng ở Tiền Phong những Nguyễn Vĩnh, Lý Biên Cương,Tất Vinh, Bùi Ngọc Tân, Sơn Tùng, Lê Minh Khuê, Từ Quốc Hoài, Ngô Thế Oanh. Lê Văn Ba, Nguyễn Huy Thông…. Vâng bảo khoe cũng được. Và cũng là một thứ gián tiếp nói cái truyền thống của báo, ngoài chức năng thông tấn mà nhà nước đã hoạch định và mặc định, Tiền Phong còn dư dật mảng chữ nghĩa văn chương cũng là nền tảng để Tiền Phong chuyển tải đến bạn đọc những chuyện đời đượm hơi hướng nhân bản, nhân văn…
Ngồi dưới thầm khen cho ông Tổng Biên tập mình có duyên biến báo. Chứ ngược về cái thời phóng viên Ban công nghiệp Dương Xuân Nam (tức nhà thơ Dương Kỳ Anh sau này) thì quả là không ổn! Công khai cái việc phóng viên viết văn làm thơ là hơi bị ngại đấy nhá. Kỷ luật thì chưa hẳn. Nhưng thể nào cũng bị nhắc nhở kiểm điểm rằng hãy lo làm tốt việc làm báo đi. Nhiều buổi họp chi bộ, các đảng viên trẻ luôn được nhắc nhở quán triệt lo tập trung tốt cho công việc chuyên môn.
… Phòng làm việc của Ban Công- Nông nghiệp trên gác 3 có hai Trưởng Ban là Trần Quang, Lê Văn Ba thì hai ban viên là Xuân Nam và Nguyễn Hoàng Sơn đều mê thơ lẫn mê làm thơ. Đã đành thơ thì phải có hứng. Nhưng với thi sĩ và người mê làm thơ không phải hứng ấy đều phát lộ vào buổi đêm hay vào thời điểm ngoài giờ hành chính đâu. Vậy nên thấy ái ngại lẫn tội nghiệp cho nhà thơ Dương Kỳ Anh mỗi khi có ai đó vào phòng hoặc hai ông Trưởng ban xuất hiện là vội vàng đẩy khi mạnh lúc nhẹ cái ngăn kéo vào! Thì ra ở dưới ngăn kéo là một bản thảo thơ đương viết dở. Cái ngăn kéo bàn làm việc của Nguyễn Hoàng Sơn cũng có một thứ na ná.
Anh Dương Xuân Nam về trước tôi gần hai năm. Lứa phóng viên trẻ Tiền Phong thời ấy, Dương Xuân Nam thuộc dạng chín chắn, nghiêm cẩn. Tôi không biết được khi ở quân đội, viên sĩ quan điều khiển tên lửa Dương Xuân Nam đã rèn cái tính kỷ luật nhất là khoản điều độ đúng giờ ra sao mà suốt cả thời làm báo dằng dặc cho mãi đến tận giờ, ông luôn tuân thủ một cách ngặt nghèo. Có lẽ do điều độ, mực thước nghiêm cẩn trong nét ăn, nếp ngủ nên giờ đến tuổi quá thất tuần, người đàn ông từng được báo chí tôn vinh là cha đẻ của các cuộc thi Hoa hậu vẫn giữ vóc dáng trẻ trung? Buổi đêm dù đi cơ sở hay ở nhà luôn lên giường tầm chín giờ hơn. Không bao giờ la cà đàn đúm, rượu chè. Tầm cơm trưa dù bất kỳ ở đâu dẫu có đi công tác nước ngoài lệch múi giờ cũng cố chợp mắt ít phút.
Một kỷ niệm buồn năm nọ Báo Tiền Phong bị khởi tố vì một bài báo mà tôi là tác giả. Cơ quan điều tra đã lần lượt triệu tập Tổng biên tập Phó Tổng biên tập và tác giả bài viết. Quen lệ luôn nhận được những dạng Kính gửi đồng chí… Kính gửi ông Tổng, Kính thưa ông Tổng… Kính gửi nhà thơ… Nay trần sì thùi lụi mỗi dòng Triệu tập ông Dương Xuân Nam Tổng Biên tập Báo Tiền Phong… Ông có cảm giác hơi bị sốc. Và như bị xúc phạm nữa. Sốc nữa là cái nếp điều độ đã làm khổ Tổng biên tập của tôi. Quen lệ là tầm trưa quá 11 giờ là dùng bữa. Nhưng các điều tra viên đã quây ông cái lần triệu tập đầu tiên ấy đến một rưỡi chiều. Khi chú Đỗ Hà lái xe đón ông ở cơ quan điều tra phố Trần Bình Trọng thì thấy thủ trưởng của mình người đã mềm oặt xanh tái tử vì bị tụt huyết áp.
Nhiêu khê vất vả phiền phức và không ít căng thẳng. Lần gặp nạn ấy Ban Biên tập cụ thể là Tổng biên tập Xuân Nam, các phó anh Lương Ngọc Bộ, Nguyễn Văn Minh đều chung tay tận tình giải quyết chu đáo rốt ráo nên tai qua nạn khỏi.
Những năm cuối bảy mươi, rồi tám mươi. Cái thời bao cấp khốn khó. Bây giờ đôi hồi lại, những nhớ nhớ quên quên những chuyến đi khắp miền vùng đất nước. Về rừng Cúc Phương để viết về lâm nghiệp. Tôi mê mải những ghi ghi chép chép về cây, về loài, về độ che phủ khép tán của rừng, kích cỡ của cây chò ngàn tuổi thì trong anh phóng viên Xuân Nam bừng lên chất thơ Gặp cây chò nghìn tuổi/ Lòng ta như trẻ thơ. Về nằm ở Nhà sàng than Cửa Ông, tôi lạ lẫm ngó hàng trăm công nhân nữ choàng khăn bịt mặt kín mít chống bụi chỉ hở ra ánh mắt đen láy. Thi sĩ Dương Kỳ Anh thốt lên kìa ngàn cặp mắt lay láy than… Nửa đêm về sáng. Xuống tàu đang bước thấp bước cao vì mất một bên dép lúc chen lấn trên toa đen để về nhà khách máy Dệt Nam Định, Xuân Nam bảo tôi dừng ra hiệu có nghe tiếng gì không? Hóa ra là âm thanh lách cách rào rào thoảng khi gần, lúc xa cái tiếng guốc vào ca của hàng ngàn nữ công nhân Nhà máy dệt. Thứ âm thanh đặc thù thời khắc khi đêm chuyển ngày xứ của thành Nam. Dương Kỳ Anh đã khuân dần nó vào trong chuỗi thơ về nhà máy Dệt. Cái tai của giống thi sĩ cũng lạ?
Sự tinh tế lãng mạn ấy đã bầu nên điểm nhấn ở các tập thơ của Dương Kỳ Anh. Và nữa, ở mảng văn xuôi, sự mực thước điều độ biết ghìm cương cho những thời khắc thăng hoa để Dương Kỳ Anh dàn xếp được những trạng huống hoàn cảnh trong một số tiểu thuyết, truyện ngắn? Tôi dùng chữ điều độ bởi Dương Kỳ Anh hình như trời cho cái may mắn là sự tỉnh táo để mà né được cái thói mê đắm hết mình trong chữ nghĩa và những mạnh bạo những ào ạt khơi ngòi cảm xúc này khác. Để làm gì vậy? Cái may và cũng là điều dở vậy. Không thành danh một chàng thi sĩ văn sĩ họ Dương tài tử nhưng mà qua bao tao loạn vẫn vẹn nguyên một ngôi vị Tổng Biển tập suốt hơn 20 năm chưa hề trầy xước!
Tôi không rõ Dương Kỳ Anh có viết hồi ký không nữa? Nhưng tỷ mẩn nhớ lại cùng chăm chút ghi thì có ối thứ để bắt mắt người đọc rộng rãi chứ không riêng chi hồi ức để lại cho con cháu hoặc người thân. Có lắm những xen những trường đoạn để cấu tứ nên một thứ hồi ký chất lượng. Tỷ như cái dạo đăng bài của ông Trần Xuân Bách bị lên bờ xuống ruộng ra sao? Với cương vị là Tổng biên tập Tiền Phong nhưng cũng là kiêm chức Thường vụ T.Ư Đoàn phụ trách khối báo chí xuất bản, ông Dương Xuân Nam đã được Ban bí thư T.Ư Đoàn trao một việc khó và nhạy cảm là nhận xét, thẩm định về cuốn Chuyện kể năm 2000 của nhà văn Bùi Ngọc Tấn do NXB Thanh Niên (nằm trong hệ thống báo chí xuất bản của T.Ư Đoàn) có nên thu hồi để sửa chữa hay là cho lưu hành? Rồi Tổng biên tập một tờ báo mà hai lần bị khởi tố mà lại thoát được rõ ra cái thứ bĩ cực ấy vận vào các quan báo dễ có mấy người? Và nữa, được nhà nước đặc trách cái quyền lựa, chọn trong số những người đẹp xóm phường để tìm ra thứ quốc sắc thiên hương là Hoa hậu quốc gia suốt hai chục năm trời. Vâng đã có những mảnh vụn hồi ức của vị chủ tịch Ban giám khảo kiêm Trưởng Ban tổ chức cuộc thi Hoa hậu xuất bản đâu đó nhưng người đọc có lẽ vẫn thấy chưa đủ. Chưa đủ sự riết róng và thành thực để mà tận bờ sát góc? Và cả những tinh tế này khác nữa? Nhan sắc cũng như quyền lực, đối diện hay chung đường với nó đã là chuyện không đơn giản nữa là làm cái việc coi sóc, quản lý? Cái bùa chú mà Dương Kỳ Anh giắt lưng để vượt qua ma trận này là gì vậy?
Và Nguyễn Hoàng Sơn
… Tầm bảy rưỡi hàng ngày. Đều đặn như vắt chanh cái dáng thâm thấp mùa lạnh thì tùm hum áo xống tay thì cặp tay thì tòn ten cái cặp lồng cơm, phóng viên ban nông nghiệp Nguyễn Hoàng Sơn lách vào phòng. Tôi biết anh vừa một chặng chen lấn vất vả từ chùa Ngòi gần Bia Bà Hà Đông trên chặng xe buýt chật chội về 15 Hồ Xuân Hương.
Thú là những chuyến đi cơ sở, Hoàng Sơn hay la cà qua các Hội Văn nghệ các địa phương. Cánh viết lách nhận ra nhau, thân nhau rất mau. Ở đó trong không khí thân gần và dường như đã đủ độ thân mật, tôi được thấy một Hoàng Sơn khúc chiết, riết róng thậm chí khôn ngoan nữa là khác.
Hoàng Sơn chịu đi, chịu nghĩ, già dặn câu chữ, chững chạc lập luận trong bài viết. Hình như Hoàng Sơn có khẩu khí và tư chất của Tường Vy là không ngại tranh luận đến cùng. Từ Trưởng ban Trần Quang đến thư ký tòa soạn Lê Lành cho đến phó tổng Đỗ Cao Đáng và cả Tổng biên tập Đinh Văn Nam, tôi đều chứng kiến không ít lần Hoàng Sơn thẳng thắn rạch ròi như thế. Của đáng tội bại nhiều hơn thắng bởi có lẽ cái thời ấy nó thế. Tội hơn là mỗi lần phải rạch ròi phải tranh luận, Hoàng Sơn hình như thần kinh không được khỏe. Mà cái thứ này phải khỏe sức lực lẫn thần kinh. Mặt tái đi mồ hôi tóa ra đầy lòng bàn tay.
Khi nào thì được diện kiến chân dung thực của nhà thơ Nguyễn Hoàng Sơn đây? Có tiêu chí nổi trội dễ thấy như các lần đoạt Giải thưởng về thơ cho thiếu nhi ( như tập thơ Dắt mùa thu vào phố). Nhưng với thiển ý của tôi thì chính là thời điểm là cái lúc Hoàng Sơn đọc thơ vậy! Phạm vi hẹp thôi, đừng rộng. Thậm chí vài ba độc giả. Ngó Hoàng Sơn đọc thơ mình, tôi bất giác nghĩ ngay đến Maiakovxky. Tiêu chí là phải kiếm cho Maia cái quảng trường và đám đông thì khi ấy Maia mới thăng hoa được! So sánh là không phải lối, nhưng trước bạn bè vừa phải, đám đông vừa phải thì vẫn câu ấy, chữ ấy của Hoàng Sơn tự dưng có một hiệu ứng khác lập tức xảy ra!
Vẫn cái mạch và trữ lượng thẳng thắn, âm hưởng chủ đạo của Hoàng Sơn luôn tìm cơ hội để phát lộ Suốt đời tôi khổ vì so sánh/ Nhỏ là miếng bánh/ Lớn lên là mảnh áo quần… Hay là nỗi cô đơn Một mình thức đợi giao thừa/ cả năm còn được mấy giờ này thôi/ Gió đi vô định cuối trời/ Bên thềm năm mới tôi ngồi lan man. Vâng, những khi ấy thoáng biến mất một Hoàng Sơn thâm thấp với dáng đi cứ như chúi về đằng trước, không còn một Hoàng Sơn lam lũ, nói tóm lại là… Nguyễn Hoàng Sơn. Bút danh báo là Hoàng Sơn. Khi in thơ mới ký Nguyễn Hoàng Sơn. Ánh mắt cùng chất giọng trầm khi vống lên vừa phải như nâng như nhấn câu này, chữ kia… Tất cả chất liệu vô hình lẫn hữu hình ấy đã bầu lên một Nguyễn Hoàng Sơn.
Thú là những chuyến đi cơ sở, Hoàng Sơn hay la cà qua các Hội Văn nghệ các địa phương. Cánh viết lách nhận ra nhau, thân nhau rất mau. Ở đó trong không khí thân gần và dường như đã đủ độ thân mật, tôi được thấy một Hoàng Sơn khúc chiết, riết róng thậm chí khôn ngoan nữa là khác.
Khoảng cuối tám mươi thế kỷ trước, Ban Biên tập chủ trương ra tờ Tiền Phong Chủ nhật khổ nhỏ và đặc trách giao Hoàng Sơn lo tờ này. Biết bao nhiêu công sức cùng sự thân ái và cả to tiếng nữa khi chúng tôi đã chụm đầu cụng ly với nhau về nhiều mảng miếng, đề tài. Hoàng Sơn khoán hẳn cho bộ phận phóng sự coi sóc trang 3 TPCN khổ nhỏ rồi khổ lớn suốt mười mấy năm. Căn phòng TPCN là cầu nối địa chỉ của giới văn bút Hà Thành và cả nước nữa thường xuyên lui tới giao du. Cái ghế salon cóc cáy ( nay đã biến mất cùng với cả phòng làm việc) kia những Tô Hoài đã bao lần tựa lưng. Rồi các nhà văn Nguyễn Dậu, Hoàng Công Khanh, Phùng Quán, Trịnh Cung, cả Nguyễn Hữu Đang nữa… từng ngồi. Những đấng bậc viết lách của nước Nam, những người muôn năm cũ nay đã biệt với dương thế. Cung cách làm việc thời ấy đơn giản. Chả cần họp hành chi lỉnh kỉnh, ấm nước chè hoặc mấy ly rượu trắng ấy cùng với những câu chuyện tưởng như vô thưởng vô phạt ấy thế mà ló ra lắm thứ của độc để hút độc giả. Chút bồi hồi khi nhớ lại cái cảnh bạn đọc xếp hàng ngay tại Tòa soạn đợi mua Tiền Phong Chủ nhật thời ấy tirage trên 20 vạn/kỳ có bài mới về Tạ Đình Đề, huyền thoại và sự thật cùng Trần Độ một thời võ, một thời văn.
Lần gần nhất, công trường xây dựng thủy điện Lai Châu có đón Dương Xuân Nam, Hoàng Sơn và tôi lên đi thực tế công trường. Chuyến đi cũng thú vị. Đêm ấy, bắt gặp động thái của Hoàng Sơn từ chối một cuộc vui và lời mời hôm nữa hẵng về Hà Nội... Đắn đo tận bờ sát góc thì có lẽ từ chối cũng là hợp lý. Nhưng sau khi thấy Hoàng Sơn lắc đầu kêu mệt, tôi chợt thoáng đến những ngày công trường Hòa Bình năm xa chúng tôi đã ào ạt đã hết mình như thế nào. Cô văn phòng chỗ quen biết nửa đùa nửa thật các anh già rồi!
Già? Vâng có thế thật. Ý nghĩ cùng ham muốn cứ chùng xuống?
Sau chuyến đi ấy, một thời gian sau Hoàng Sơn tự dưng không biết cơn cớ gì như kiểu trầm cảm và bắt đầu một giai đoạn trị bệnh khá gian nan.
Dương Xuân Nam thuộc dạng chín chắn, nghiêm cẩn. Tôi không biết được khi ở quân đội, viên sĩ quan điều khiển tên lửa Dương Xuân Nam đã rèn cái tính kỷ luật nhất là khoản điều độ đúng giờ ra sao mà suốt cả thời làm báo dằng dặc cho mãi đến tận giờ, ông luôn tuân thủ một cách ngặt nghèo.