Người Tiền Phong một thuở, một thời

Họa sĩ Tôn Ðức Lượng và tác giả
Họa sĩ Tôn Ðức Lượng và tác giả
TP - Dịp Báo Tiền Phong 55 rồi 60 năm, tôi đã viết Tiền Phong có những người như thế. Những TBT Nguyễn Thanh Dương, Ðinh Văn Nam, Họa sĩ Tôn Ðức Lượng, nhiếp ảnh gia Mai Nam. Các nhà văn Tất Vinh ( Hồng Dương) Bùi Ngọc Tấn, Mạc Lân ( con trai người hùng nhà văn Lê Văn Trương) Lê Minh Khuê…

Năm tháng qua đi. Bao thứ gắn với Tiền Phong một thời có thể lòa nhòa nhưng những gì đeo bám, do kỷ niệm hầu như vẫn hằn và mặc định trong tâm trí không ít người.

Còn những gương mặt thân quen cùng những cự ly thương mến nào mà người viết bài này chưa kịp nhớ để làm cái việc kê biên? Thôi nhớ gì ghi nấy vậy. Người Tiền Phong thế hệ kế tiếp sẽ tiếp tục làm cái việc ghi chép thời 70, 75, 80… của mình.

Biên thêm về một tiên chỉ làng

Tiên chỉ của làng Tiền Phong hiện đã cao niên 94 tuổi. Nhưng giời thương nên vẫn còn nhúc nhắc đi lại được và trí lự hẵng còn mẫn tiệp. Đã bao bận ngồi với cụ và nhiều lần viết, tưởng đã cạn ấy thế mà mỗi lần gặp cứ bừng ra chuyện này, việc khác. Vâng, đó là họa sĩ Tôn Đức Lượng.

Gọi là tiên chỉ vì cụ Lượng là người duy nhất còn sót lại trong nhóm 6 vị khai sơn phá thạch để tờ Tiền Phong xuất bản số đầu ở chiến khu Việt Bắc tháng 11- 1953. Đó là Chủ nhiệm Nguyễn Lam, Thư ký tòa soạn Nguyễn Thanh Dương, PV Văn Quý, PV ảnh Mai Nam, PV Lê Quân và họa sĩ Tôn Đức Lượng.

Không riêng bút mực của người Tiền Phong viết về cụ Lượng mà trên các phương tiện truyền thông  có cả truyền hình quốc gia từng nhắc đến họa sĩ Tôn Đức Lượng, cây cọ bền bỉ tài hoa chỉn chu mực thước hơn một hoa giáp cầm bút vẽ nổi trội nhất là mảng ký họa. Gần mười năm trước, công luận nổi cộm sự kiện một nhà sưu tập tranh của Thái Lan đã mua đứt hàng trăm bức ký họa về Thanh niên xung phong và đời sống người dân miền Bắc thời chiến tranh chống Mỹ của họa sĩ Tôn Đức Lượng. Nhà sưu tập kiêm du khách ấy một ngày nọ ở thời bao cấp khốn khó đã tình cờ ghé khu tập thể xập xệ của  Báo Tiền Phong ở 128 phố Hàng Trống và gặp được họa sĩ Tôn Đức Lượng cùng với tập ký họa dầy cộp đang phủ bụi trên gác xép chật chội.

Năm tháng lừng lững trôi. Không biết cơn cớ cùng duyên do gì mà đến tận thời điểm 2011 nhà sưu tập mới cho phát lộ những bức ký họa của cụ Lượng ở nước ngoài (về sau mới được phép bày ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam).  Sự kiện ấy đã rũ bớt lớp bụi thời gian quên lãng phủ lên người họa  sĩ cao niên với hơn nửa thế kỷ trình bày tờ Tiền Phong. Rất nhiều cái chẹp miệng thán phục sự bền bỉ tài hoa của họa sĩ Tôn Đức Lượng. Nhưng cũng chả ít những tiếc nuối rằng, phải chi hệ thống cùng cơ chế mình có cách làm thông thoáng nhân văn và khoa học hơn thì còn kha khá những cây viết, vẽ tầm cụ Lượng còn có cơ mà phát lộ?

Người Tiền Phong một thuở, một thời ảnh 1 Họa sĩ Tôn Ðức Lượng

Vẫn bên cái bàn kính được gọi là phòng khách trong căn nhà chật chội năm nào của Khu tập thể Hàng Trống, tôi lại được ngồi hầu chuyện cụ Lượng. Vâng, chỗ này năm đã xa ấy cụ cho gọi tôi đến để chầu rìa buổi cụ tiếp hoàng tử Vĩnh San, con trai vua Hàm Nghi lần ấy ghé Hà Nội. Ông hoàng tử ấy chưa hề biết cụ Lượng. Chỉ là tình cờ ghé tiệm tranh của con trai cụ Lượng, anhTôn Tuấn Nguyên ở ngay cổng nhà khu tập thể 128 Hàng Trống thấy một ông lão râu tóc trắng cước, da dẻ hồng hào thấy hay hay… Hay nữa là ông hoàng tử lão khi bắt chuyện, ông lão ấy đã dùng thứ tiếng Pháp rất chuẩn. Thứ tiếng Pháp mà ông lão đã thuần thục nhuần nhuyễn từ những cái năm bốn mươi khi học khóa cuối của Trường Mỹ thuật Đông Dương. Hoàng tử Vĩnh San đã vui vẻ theo họa sĩ Tôn Đức Lượng vào căn nhà chật chội có cái bàn nước này. Cuộc gặp tình cờ cùng những câu chuyện thú vị xưa xắc đó, cho mãi tận bây giờ tôi vẫn chưa chắp nối để có một bài viết?

Cũng bên cái bàn nước xập xệ này cụ thuật lại nhiều chuyện những năm tháng làm Báo Tiền Phong ở chiến khu Việt Bắc. Và gì nữa nhỉ, cái lần bị Bác Hồ véo tai. Chuyện là thế này. Năm 1950, họa sĩ Tôn Đức Lượng được tổ chức chỉ định tham gia Ban khánh tiết Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ nhất, tổ chức tại chiến khu Việt Bắc. Có thể vì trước đó cụ từng làm tốt công việc của Ban khánh tiết của Đại hội thanh niên và Đại hội phụ nữ, nên năm 1952,  gấp rút việc chuẩn bị khai mạc Đại hội anh hùng, chiến sĩ thi đua toàn quốc, Chính phủ đã có công văn gửi tới  Ban thường vụ Trung ương Đoàn, điều họa sĩ Tôn Đức Lượng sang làm Trưởng ban khánh tiết phục vụ Đại hội.

Trước hôm khai mạc Đại hội vài ngày, Hồ Chủ tịch đích thân đi kiểm tra các công việc phục vụ. Bác chỉ lên bức hình Bác bên cạnh Stalin và Mao Trạch Đông hỏi, ai vẽ ảnh Bác đấy?  Một ông trong BTC thưa đó là họa sĩ Tôn Đức Lượng. Bác cười ngoài đời Bác còn đẹp hơn ảnh nhiều. Bác còn gợi ý nên bổ sung hai tấm hình của lãnh tụ Campuchia và Lào là ông Sơn Ngọc Minh và Hoàng thân Xuphanuvong. Suốt cả đêm Tôn Đức Lượng hết chong đèn lại đốt thêm cả đuốc để phụ bồi thêm ánh sáng, miệt mài vẽ. Mãi đến 10 giờ sáng hôm sau mới hoàn chỉnh.  Chân dung vừa treo xong, thì Bác xuống. Bác nói ông Sơn Ngọc Minh họa khéo, có thần thái. Nhưng ông hoàng thân Xuphanuvông thì chưa đạt lắm. Tôn Đức Lượng thưa thật rằng mình vẽ theo cái ảnh trên báo Sự thật in trên giấy dó, mờ quá. Bác cười thân ái véo tai họa sĩ rằng chú chỉ khéo chống chế… 

Ngồi nghe chuyện cụ Lượng thấy nhớ tiếc cho một phần sử của Tiền Phong và nói chung của cả TƯ Đoàn bị khuất lấp, thất tán.

Như mọi người đều tường, tờ Tiền Phong xuất bản tháng 11/1953. Nhưng trước nữa đã có hai tờ báo tiền thân là tờ Xung Phong ra năm 1948 và tờ Sức Trẻ xuất bản năm 1950. Thư ký tòa soạn là Tử Phác và chân chủ nhiệm phụ trách cả hai tờ báo là Nguyễn Lam và Hoàng Minh Chính. Cả hai tờ báo họa sĩ Tôn Đức Lượng đều vẽ măng sét báo và kiêm luôn việc trình bày. Báo in tipo tại nhà in của Trung ương Đoàn ở chiến khu.

Rất nhiều cái chẹp miệng thán phục sự bền bỉ tài hoa của họa sĩ Tôn Ðức Lượng. Nhưng cũng chả ít những tiếc nuối rằng, phải chi hệ thống cùng cơ chế mình có cách làm thông thoáng nhân văn và khoa học hơn thì còn kha khá những cây viết, vẽ tầm cụ Lượng còn có cơ mà phát lộ?

MỚI - NÓNG
Sương mù bao phủ khắp TPHCM
Sương mù bao phủ khắp TPHCM
TPO - Sáng nay 12/12, người dân TPHCM đón ngày mới trong thời tiết mát mẻ, nắng yếu nhưng sương mù tiếp tục bao phủ nhiều nơi. Tham khảo trên ứng dụng quan trắc không khí Air Visual cho thấy, nhiều khu vực tại TPHCM có điểm đo chất lượng không khí không tốt cho sức khỏe.