Người Tiền Phong một thuở, một thời: Cái tên như người

Chị Bích Hậu (thứ 2 từ phải sang) cùng Tổng Biên tập Lê Xuân Sơn
Chị Bích Hậu (thứ 2 từ phải sang) cùng Tổng Biên tập Lê Xuân Sơn
TP - Lần mới đây đi Tuần Châu dự Gala 30 năm Hoa hậu Việt Nam, tôi gặp lại chị Bích Hậu năm nay đã quá bát tuần. Ban Biên tập Tiền Phong và Ban tổ chức chu đáo tình nghĩa mời nhiều người đã hưu, từng nhiệt tình góp công sức trong các cuộc thi Hoa hậu về dự.

Cánh viết lách của báo một thời không hiểu sao vẫn gọi là má Hậu? Có lẽ chả phải người từng phụ trách ban Bạn đọc Tiền Phong hồi ấy có cô con gái xinh đẹp kháu khỉnh? Rồi cái tên má Hậu, thí sinh dự thi các kỳ Hoa hậu Việt Nam đều nhất loạt dùng để gọi người được báo Tiền Phong cử phụ trách công tác thí sinh luôn chu đáo, tình cảm với hết thảy các em, các cháu.

Cái thời cô TNXP từ  công trường làm đường Hòa Bình về níu chân ông Tổng Biên tập Lê Xuân Đồng để hỏi ngọn ngành rằng, tại sao chúng tôi những ĐVTN hưởng ứng chủ trương viết tin bài cho báo nhiều lần gửi đến Tòa soạn 15 Hồ Xuân Hương vẫn không thấy hồi âm gì? Các anh khinh người vừa vừa thôi nhé!

Ông Lê Xuân Đồng hoảng, mời vào phòng nước nôi cẩn thận và hỏi hiện cô có mang bài tin nào theo không? Đến lúc này thì cô lại rụt rè run run mở túi lấy ra hai cái tin ngắn.

Ít ngày sau cái tin đội TNXP làm đường ở Hòa Bình được đăng trang trọng trên Tiền Phong kèm theo nhuận bút 2 đồng được gửi theo đường bưu điện đến tác giả Bích Hậu.

Chị Bích Hậu về báo từ những năm đầu sáu mươi làm ở Ban bạn đọc.

Hồi tôi về, chị đang ở ban Nông nghiệp.  Hai ban Công - Nông  chung phòng. Anh Trần Quang, Lê Văn Ba phụ trách hai ban. Ban viên có Dương Xuân Nam (Dương Kỳ Anh), nhà thơ Nguyễn Hoàng Sơn và tôi. Cứ chủ nhật là cánh Trần Quang, Xuân Nam, Hoàng Sơn và tôi khi ấy chưa vợ hoặc vợ ở xa lại được chị Bích Hậu rủ sang nhà ở phố Trương Hán Siêu gần Tòa soạn. Thế nào cũng có bữa bún chả hay món gì tươi tươi. Rồi cứ chiều thứ bảy, chị lại nhắc tôi chớ được quên chai nước mắm cân cá khô mà chị đã chuẩn bị cho tôi mang lên cho vợ con ở Hòa Bình. Anh Thái, chồng chị nguyên là công an vĩ tuyến 17 chuyển ngành là bác sĩ cũng là người chân tình chu tất chả kém vợ.

Sau mấy năm ở ban nông nghiệp, chị chuyển lại về Ban bạn đọc. Có lẽ cái tạng của chị chỉ thích hợp với công việc đặc thù của ban này thì phải? Người chị nhỏ tanh tách. Thoắt đi thoát về. Không hiểu chị lấy đâu ra năng lượng để trang trải cho hết những chuyện ập về ban ban đọc phải giải quyết mà không ít người coi đấy là những chuyện trời ơi! 

Một lá thư từ Phú Xuyên, Hà Tây gửi về Tòa soạn với yêu cầu hơi bị oái oăm là nhờ báo tìm hộ người chồng đã biệt tích…

Người Tiền Phong một thuở, một thời: Cái tên như người ảnh 1 Chị Bích Hậu với nguyên Tổng Biên tập Dương Xuân Nam

Hàng ngày, những lá thư mà chị phân loại thuộc ca khó như vậy không hiếm. Tuồng chữ trong lá thư khi dồn đống khi xô bồ và câu cú cụt ngủn như đang tố một tâm trạng đau khổ, bế tắc…

Chị Bích Hậu đã đạp xe về Phú Xuyên (Hà Tây) và đã gặp người vợ đau khổ ấy trong một ngôi nhà tranh ba gian ọp ẹp như sắp sập. Lúc ấy chị mới sinh con thứ ba. Chồng chị nói là lên Hà Nội đi quét vôi ve kiếm thêm nhưng biệt tích gần năm nay không thấy về.

Lần đến một địa chỉ anh chồng từng gửi thư về cho vợ ở Hà Nội. May, ở công trường này có một anh tên là Thế ở Phú Xuyên, nhưng đã chuyển lên một công trường xây dựng khác tận Điện Biên.

Bấy giờ là năm 1968. Chiến tranh phá hoại lan rộng khắp miền Bắc. Đò xe diệu vợi.  Đến nhiệt tình như  Tổng biên tập Đinh Văn Nam còn đắn đo khuyên chị khi đó sức yếu, con mới sinh hãy cân nhắc… Nhưng chị Hậu quyết tâm lên Tây Bắc.

Mò mẫm nửa tháng trời khi xe khách lúc đạp xe, chị đến công trường xây dựng ở tận Điện Biên Phủ. Nhưng làm việc với Ban chỉ huy công trường chị Hậu tá hỏa khi biết đơn vị anh Thế vừa chuyển về Hà Nội làm công việc đột xuất!

Ghi cái địa chỉ mới giắt ở ba vị trí khác nhau đề phòng thất lạc, chị lại lóc cóc quay về Hà Nội.

Kể và kê biên ra thì dài đoạn trường đi tìm cái anh công nhân nào đó có tên là Thế. Nhưng chị Hậu đã tìm được. Và biết thêm một sự thật anh ta đang ở với… vợ mới sinh con được 5 tháng. Lãnh đạo công trường khi nghe phóng viên phản ánh đã quyết làm cái việc là tống cổ anh chồng phản bội ấy về quê!

Tổng biên tập Đinh Văn Nam thân chinh làm việc với lãnh đạo công trường. Các anh thử nghĩ lại xem có cách gì để cứu họ? Chả lẽ đẩy người ta ra đường là xong? Lãnh đạo công trường khăng khăng, vô đạo đức vô kỷ luật là phải đuổi…

Ông Tổng họ Đinh cũng cứng. Nếu công trường nhất quyết đuổi, chúng tôi sẽ phản ánh lên tờ báo Đoàn cái cách mà tổ chức giáo dục người lao động như thế.

May lãnh đạo công trường xuống nước. Công nhân Thế được giữ lại, chỉ cảnh cáo.

Nếu chỉ dừng lại ở đó thì cũng tạm xong việc? Nhưng chị Bích Hậu đã làm được một việc hiếm gần như thứ cổ tích vậy! Trao đứa con nhỏ cho anh Thái chăm, chị Hậu đến ngủ liền một tuần với cô gái bị lừa gạt kia với những tỉ tê khuyên nhủ này khác.  Kết cục cái Tết năm ấy anh thợ nề Thế quay về Bạch Hạ, Phú Xuyên với người vợ tao khang sum họp cùng 3 đứa con. Vẫn là công nhân công trường nhưng anh đã chia tay với cô gái là vợ hờ nọ. Tất nhiên, khi gặp lại người vợ viết thư nhờ tìm chồng, chị Bích Hậu cũng giấu biệt cái trường đoạn lăng nhăng của ông xã ở công trường Hà Nội.

Một thời gian khá tất tả của chị Hậu mà tôi được chứng kiến là chị đã liên tục đi về cái làng có tên là lạ Làng Lòi ở một huyện miền Tây Nghệ An. Tên lạ nhưng quen bởi chuyện nhân tình thế thái sau hậu chiến. Nhiều bài báo nối tiếp sau những chuyến đi của chị Bích Hậu với âm hưởng chủ đạo vừa quyết liệt vừa mềm mỏng để bảo vệ quyền làm mẹ cùng những chế độ chính sách cho hơn 30 cô gái TNXP quá lứa nhỡ thì ở Làng Lòi không có chồng mà có con!

Dạo tôi được cử đi phụ giúp với chị một vụ oan trái có tên Hà Minh Tuấn, bất ngờ  phát lộ một phẩm chất một năng lực hiếm có ở chị Bích Hậu. Đó là những linh cảm của một người mẹ, một phụ nữ. Tuy mong manh nhưng lại là cơ sở nhân mối để lần ra chứng cứ. Nếu mỗi phóng viên khi hành nghề điều tra luôn thường trực được cảm giác ấy thì sẽ rất hiệu quả? 

(Còn nữa)

Người chị nhỏ tanh tách. Thoắt đi thoát về. Không hiểu chị lấy đâu ra năng lượng để trang trải cho hết những chuyện ập về ban ban đọc phải giải quyết mà không ít người coi đấy là những chuyện trời ơi!

MỚI - NÓNG
Ngư dân ở Lăng Cô trắng tay
Ngư dân ở Lăng Cô trắng tay
TPO - Qua nhiều năm gắn bó với nghề nuôi trồng thủy sản trên đầm Lập An, chưa bao giờ người dân thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên-Huế, lại chịu những thiệt hại dồn dập về nhà cửa, khu hạ tầng nuôi trồng thủy sản, cá bị trôi mất, bị chết do sốc ngạt nước như hiện nay.