Người Tiền Phong một thuở, một thời: Nhà báo Tường Vy và…

Nhà báo Tường Vy tác nghiệp
Nhà báo Tường Vy tác nghiệp
TP - Tiền Phong có 3 họa sĩ thuộc dạng có máu mặt. Cụ Tôn Đức Lượng, họa sĩ Đặng Thạc và Phạm Trần Thúy.

Họa sĩ Đặng Thạc nhà ở gần bến xe Kim Mã suốt ngày nhăn nhó vì bệnh đau dạ dày. Trong cái túi vải luôn đeo lệch không thể thiếu hai cái hộp nhôm. Một cái đựng thuốc ca- vét và cái kia chứa thuốc lá cuộn. Hình như việc trình bày và minh họa ở Tiền Phong chưa tiêu hết một năng lượng lẫn trữ lượng Đặng Thạc. Đặng Thạc thuở ấy nổi trội với những ký họa, minh họa trên báo Văn Nghệ. Sau Văn Cao là Đặng Thạc. 

Những nhịp guốc mộc của họa sĩ Phạm Trần Thúy khua ở hành lang hoặc thang gác Hồ Xuân Hương như một tín hiệu báo nữ họa sĩ đương rỗi. Là thời khắc để cánh Tất Vinh (Hồng Dương) Mai Nam, Mai Cát ra quán chè chén bà Sinh hoặc quán rượu thuốc (khi ấy phải bán chui) của ông già ở hông đường Nguyễn Du ngay gần tòa soạn. Có hai nhân vật thường xuyên ghé chỗ Phạm Trần Thúy. Một là ông con tên Vũ hồi ấy quãng 6 tuổi mà quần bò bít rít nom rất ngộ. Và ông bố Nghiêm Đa Văn cũng quần bò nhưng người trụng trượng kềnh càng. Nghiêm Đa Văn xung kích trên trường văn trận bút với đủ thể loại: truyện ngắn, truyện dài, tiểu thuyết, thơ, kịch bản điện ảnh. Mà lĩnh vực nào lão đều để lại dấu ấn. Chưa thấy người đã thấy các cung bậc cười sảng khoái. Nghiêm Đa Văn thường ghé báo mỗi khi nhà ăn T.Ư Đoàn chỗ bà Thơm bán bia. Lão xách ngay cái chậu men mà Phạm Trần Thúy dùng cho việc tắm giặt hối cô bán bia trút cho đến miệng hể hả bưng ra hào phóng mời anh em. Tưởng cái cặp ấy bền hóa ra lỏng rồi rệu rạo. Ly dị một thời gian Nghiêm Đa Văn đổ bệnh thận rồi mất.

Người Tiền Phong một thuở, một thời: Nhà báo Tường Vy và… ảnh 1 Chân dung nhà báo Tường Vy

Có một người về đầu quân chỗ ông Quốc Hùng. Hối ấy gọi là Ban Thể thao- khoa học. Y ta là Tường Vy, cung cách khinh khỉnh không ngó nghiêng hay bắt chuyện với ai cả. Nhưng phòng làm việc của anh Quốc Hùng lại có cái điếu cày nên không thể không ghé. Thuốc trà mãi rồi đâm thân. Anh Quốc Hùng có vẻ quý và cả tý ty nể Tường Vy nữa. Mảng khoa học nhất là khoản thể thao, Tường Vy đều hoạt, được việc. Ngó bản thảo Tường Vy đưa bà Lan đánh máy, ông Quốc Hùng chả chữa gì chỉ ký vào góc. Nhưng không phải bài nào cũng xuôi. Loáng thoáng có lần ngay giữa cuộc họp giao ban thường vào chiều thứ 6 hàng tuần trên gác 2, Tường Vy thốt nhiên làm căng về bài vở nào đấy mà Thư ký tòa soạn hoặc Ban biên tập không duyệt. Tôi nhớ mấy chỗ lang ben trên khuôn mặt của Tường Vy bất đồ tía gắt lên. Ấy là khi lão cáu. Tôi hơi hoảng vì hiếm khi có người dám cãi tay đôi với chức sắc trông coi bài vở của mình ngay giữa cuộc họp.  Nhiều người không tin Tường Vy đã từng đi dạy học bậc đại học nhưng bỏ ngang đi làm báo? Bằng cớ là nhà giáo thì phải có tý mực thước nào đó? Ai đời có hôm họp lão cứ khư khư cái lốp xe đạp được phân phối quàng trên cổ khiến ông Tổng biên tập Đinh Văn Nam phải nhắc nhở. 
Tôi với Tường Vy đi dự khánh thành nhà máy giấy Bãi Bằng. Liên doanh Việt rủ đối tác Thụy Điển bày ra lắm trò vui. Mà điểm nhấn vẫn là bữa tiệc buffet lần đầu tôi được đụng. 

Trái với kiểu nạp hơi tục của tôi, Tường Vy cứ khảnh khót cái đĩa sứ với mấy miếng nguội. Lão uống bia là chính. Mà bia hộp hình như carlsberg thứ hơi bị sang hồi ấy. Chừng nửa cuộc, lão dúi vào túi tôi bốn lon. Về nhà khách, lão đã khượt ra còn khui nốt. Đêm đó không rõ lão say hay tỉnh nhưng từ cái chất giọng nhừa nhựa kia tôi như rành rẽ thêm cái bất hòa muôn thuở trong nghề báo giữa cái anh viết với người quản lý!

Có vẻ như cái áo Tiền Phong đã trở nên chật? Rồi một thời gian sau, Tường Vy chuyển sang Thông tấn xã chuyên viết thể thao. Được một thời gian dài,  lão lại lặng lẽ rời TTX.

Thế là thế nào nhỉ? Cánh đồng nghiệp nhất là dân thể thao ai cũng khen bài vở của lão cả mà? Khi ấy cái thói nằm ổ rơm thôi nhưng quen với hơi ấm nhưng ngại dậy của hầu hết lứa chúng tôi coi việc di chuyển của Tường Vy như một thứ chuế, nghịch? Một cuộc tụ bia như thường lệ ở quán Nguyễn Du, chúng tôi vừa ngạc nhiên vừa vui khi nhận được tin khá bất ngờ là Tường Vy vừa lấy vợ! Mà lấy ai? Hóa ra họa sĩ Phạm Trần Thúy. Bao nhiêu những lận đận với suông nhạt, mãi rồi Tường Vy mới tìm thấy một nửa của cuộc đời mình chăng?

…Bữa lai rai với hai vợ chồng trong con hẻm bên hông đường Trương Minh Giảng. Lại bất ngờ hóa ra Tường Vy đã rời tờ Tuổi Trẻ danh tiếng từ hồi nào và đang viết cho tờ Lao Động. Một Tường Vy ấn tượng, sắc sảo mà sao chỗ nào cũng khó đựng khó dung? Giữa những bung biêng, tôi toạc ra cái ý hay là ông có ý định trưng một made in TươngVy cho tất tật cửa ngõ mặt tiền của làng báo? Tường Vy với cái cười cố hữu chỉ nhệch một bên mép rồi lại lặng lẽ. Hôm sau trong bữa ăn sáng với Chánh Trinh ở quán Sen (hình như Chánh Trinh là chủ quán này) kéo từ sáng sang trưa. Chánh Trinh cũng là cây viết thể thao so với Tường Vy cỡ nửa cân tám lạng. Cũng từng có một Chánh Trinh đã trấn giữ coi sóc mảng thể thao trên các tờ báo có máu mặt. Trong câu chuyện thấy Chánh Trinh có vẻ ủng hộ chuyện xê dịch của Tường Vy? Chả biết là thế nào?

Dần dà, hóa ra Lao Động cũng chả giữ được Tường Vy lâu. Cây bút thể thao Tường Vy lại có tên trong danh sách phóng viên của tờ Thể thao văn hóa Hà Nội (nay là tờ Thể thao ngày nay). Xoành xoạch di dời với chuyền đổi, nhưng ngó qua bài Tường Vy chả cần coi tên tác giả đã thấy một syle cố hữu đậm đặc không mờ nhòe. Ấy là cái lối viết như đấm vào tai người ta nhưng một hồi thấy thông nhĩ cùng thất khiếu! Nó bừng ra cái điều gì đó?

Đùng cái nghe Tường Vy mắc bệnh đang phải chữa trị dài ngày. Mà bệnh trọng. Chắc qua được vì thấy bài vở của Tường Vy vẫn xuất hiện? Nhưng hỏi thêm thì trên giường bệnh vẫn viết. Rồi nghe nói bệnh trở nặng sụt xuống còn 30 kg mà phải lên bàn mổ. Nghe anh em nói lại mà thương khi Tường Vy bộc bạch qua nước mắt rằng gắn bó suốt với Đoàn thể thao Việt Nam qua các kỳ SEA Games thế mà đúng vào SEA Games 22 trên đất nước mình, lại phải đứng ngoài cuộc. Đời một thằng phóng viên lặn lộn cả mấy chục năm trời giờ SEA Games tổ chức trên đất nước mình mà không biết đến cái sân Mỹ Đình…

3 giờ sáng ngày 29/4/2004 tại TPHCM, Phóng viên Cao Đình Tường tức Tường Vy làm cuộc dịch chuyển cuối cùng. Anh về an nghỉ tại nghĩa trang Thủ Đức.

(Còn nữa)

Một cuộc tụ bia như thường lệ ở quán Nguyễn Du, chúng tôi vừa ngạc nhiên vừa vui khi nhận được tin khá bất ngờ là Tường Vy vừa lấy vợ! Mà lấy ai? Hóa ra họa sĩ Phạm Trần Thúy. Bao nhiêu những lận đận với suông nhạt, mãi rồi Tường Vy mới tìm thấy một nửa của cuộc đời mình chăng?

MỚI - NÓNG
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
TPO - “Ban Quản lý dự án 2 chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm trước Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam và pháp luật nếu để xảy ra mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, ùn tắc giao thông mà nguyên nhân không sửa chữa kịp thời hoặc chậm trễ khắc phục các tồn tại của dự án”, văn bản Khu Quản lý đường bộ III nêu.