Đường 35km bị lũ xóa sổ, giáo viên biên giới vượt 100km để tới trường

Đường 35km bị lũ xóa sổ, giáo viên biên giới vượt 100km để tới trường
TPO - Cơ sở vật chất của các trường miền núi Nghệ An bị lũ tàn phá, hư hỏng. Giáo viên vùng biên giới phải vượt 100km đường rừng, đi bộ 2,5 giờ đồng hồ, lội suối, vượt đèo để đến được trường tổ chức ngày khai giảng. Ngày 5/9, tỉnh Nghệ An có 783.000 học sinh và 53.000 giáo viên tham gia lễ khai giảng năm học mới.

Tại huyện biên giới Kỳ Sơn (Nghệ An), hơn 21 nghìn học sinh vừa trải qua những trận lũ lụt kinh hoàng. Lũ chồng lũ khiến hệ thống bờ rào lưới, bể nước sạch, nhà vệ sinh khu nhà ở bán trú của nhà trường bị cuốn trôi. Trong ngày khai giảng, trường vẫn không có điện, đường nước bị hư hỏng, đường giao thông bị chia cắt bởi khối lượng lớn đất đá sạt lở chắn ngang con đường dẫn vào trường. Máy móc không thể vào bởi con đường độc đạo đi xã Mường Típ, Mường Ải bị lũ tàn phá. Thông đường tới xã Tà Cạ, còn khoảng 15km nữa mới tới Mường Típ và Mường Ải.

Trước tình hình này, thầy cô và phụ huynh buộc phải mở con đường nhỏ cho các em học sinh vào trường. Giáo viên ở trung tâm thị trấn Mường Xén (Kỳ Sơn) tới trường phải vượt hành trình 100km đường rừng, di chuyển bằng ô tô, xe máy và cuối cùng đi bộ hàng tiếng đồng hồ mới đến được. Giao thông tê liệt cũng khiến việc cứu trợ, từ thiện, vận chuyển lương thực thực phẩm đến 380 em học sinh và giáo viên rất khó khăn.

Thầy Nguyễn Công Danh – Hiệu trưởng trường phổ thông DTBT THCS Nậm Típ cho biết: “Toàn trường có 387 học sinh, 262 học sinh bán trú là con em dân tộc Thái, Mông, Khơ Mú, 72% học sinh thuộc diện hộ nghèo. Trong ngày khai giảng, 1/2 học sinh không đến được trường. Số học sinh này ở các bản đang bị cô lập như bản Tà Đo, Ái Khe, Phà Nọi…

Theo quy định, các nguồn hỗ trợ, chính sách cho học sinh vùng biên giới, con em đồng bào dân tộc thiểu số… chỉ được chi trả từ tháng 9, khi học sinh khai giảng, bước vào học chính thức. Để đưa học sinh đến trường, trong suốt 2 tuần của tháng 8, nhà trường đã trích ngân sách, có khi tạm trích lương giáo viên để nuôi ăn học sinh”.

Trong các trận lũ lụt liên tiếp của cơn bão số 3 và số 4, ngành giáo dục Kỳ Sơn bị thiệt hại khoảng 6 tỷ đồng. Nhiều điểm trường bị cuốn trôi, nhiều nhà công vụ của giáo viên, nhà bán trú của học sinh bị xóa sổ.

MỚI - NÓNG