Đuổi cái nghèo khỏi non cao rừng thẳm

TP - Huyện miền núi A Lưới, tỉnh Thừa Thiên-Huế vừa được Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định công nhận thoát nghèo. Dịp lễ Quốc khánh năm nay, toàn dân vùng cao biên giới này lần đầu tiên đón Tết Độc lập với niềm vui không còn mang tiếng là “người huyện nghèo”.

Đổi thay từ những mái nhà

Hôm ấy núi rừng A Lưới vừa bước vào độ chớm thu, người dân trong huyện tề tựu về xã Hồng Thượng để cúng mừng công trình làng văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số vừa hoàn thành xây dựng giữa khu bảo tồn sim rừng bạt ngàn hoa lá. Anh Hồ Xuân Phương, người dân Hồng Thượng, hồ hởi: “Hôm nay vui lắm anh ạ. Bà con về đây dự lễ cúng mừng ngôi nhà sinh hoạt cộng đồng chung của các dân tộc anh em vừa xây xong giữa làng văn hóa. Dịp lễ Quốc khánh sắp tới sẽ còn vui hơn nữa. Huyện sẽ khánh thành làng văn hóa và đón khách tham quan du lịch. Mời anh trở lại nhé. Năm nay, dân A Lưới chúng tôi lần đầu tiên đón Tết Độc lập mà không còn mang tiếng là người huyện nghèo”.

Những ngày này, khi qua những bản làng, thôn xã xa xôi của huyện vùng cao A Lưới, chúng tôi nghe cán bộ, người dân nhắc nhiều về chuyện thoát nghèo. Từ một địa phương nằm trong danh sách 74 huyện nghèo của cả nước, nay A Lưới thoát ra khỏi đói nghèo, đó như là một “kỳ tích” đối với người dân đồng bào các dân tộc thiểu số. “Kỳ tích” đó thể hiện rõ bằng sự đổi thay trên từng mái nhà, con đường, dòng sông, con suối.

Đuổi cái nghèo khỏi non cao rừng thẳm ảnh 1

Cơ sở homestay - loại hình dịch vụ lưu trú ngày càng phát triển mạnh mẽ tại huyện vùng cao A Lưới

Nhớ lần lên A Lưới vào mùa mưa lũ khốc liệt cách đây gần 4 năm, nơi đây còn hàng nghìn hộ dân sống lay lắt, tạm bợ, bất an trong những ngôi nhà phên lá chật hẹp, dột nát, xiêu vẹo. Lần trở lại này, đời sống của bà con vùng cao đã có những thay đổi vượt bậc, đặc biệt là về nơi ở.

Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế, nhìn nhận, huyện A Lưới được Thủ tướng Chính phủ công nhận thoát nghèo có ý nghĩa hết sức quan trọng trong tiến trình xây dựng và phát triển Thừa Thiên-Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo tinh thần Nghị quyết số 54 của Bộ Chính trị.

Gia đình anh A Tiêu (xã Trung Sơn) từ nhiều mùa rẫy trước luôn phải sống khổ trong ngôi nhà xiêu vẹo rộng chưa đầy 20m2 với phên lá, ni lông vá chằng vá đụp. "Mấy năm trước, cứ mùa mưa bão về là lo lắm, thường xuyên phải đi lánh nạn. Năm nay, từ chương trình xóa nhà tạm do nhà nước hỗ trợ kết hợp nguồn vốn tự huy động, gia đình đã xây được ngôi nhà mới bằng bê tông kiên cố. Giờ ông trời có làm gió mưa gì cũng không còn lo nữa”, A Tiêu bày tỏ.

Đuổi cái nghèo khỏi non cao rừng thẳm ảnh 2

Một góc trung tâm huyện A Lưới

Sắp có nhà mới, anh thanh niên người đồng bào dân tộc thiểu số Pa Cô Hồ Xuân Luận (xã Trung Sơn) vẫn ám ảnh về những tháng năm sống nhờ ở tạm. Lập gia đình rồi ra riêng, tài sản lớn nhất của vợ chồng Luận là ngôi nhà lá cất tạm sát vách nhà bố mẹ. “Sắp tới khi cất xong ngôi nhà mới, vợ chồng chúng em sẽ xin vay vốn từ kênh ngân hàng chính sách, đoàn thể, thanh niên để tăng gia sản xuất, chăn nuôi gà, heo, trồng rừng”, anh Luận hào hứng chia sẻ về sinh kế tương lai.

Đổi đời bên những dòng sông, con suối

Ông Lê Hoàng Vũ Hải Quang, Chánh Văn phòng UBND huyện A Lưới, cho biết, trên địa bàn huyện hiện có nhiều mô hình mới về phát triển kinh tế dựa vào lợi thế tự nhiên của núi rừng, suối thác. Trong đó, đáng chú ý là mô hình du lịch sinh thái cộng đồng thác A Nôr (thôn Đụt, xã Hồng Kim), hay các điểm du lịch cộng đồng A Roàng, Hồng Hạ,...

Nghe nhắc thác A Nôr, tôi nhớ đến chàng thanh niên Hồ Thanh Phương người đồng bào dân tộc Pa Cô, một kỹ sư công nghệ thông tin từng từ chối công việc ở phố để trở về núi rừng nuôi cá, trồng rau, làm du lịch sinh thái. Anh là người đầu tiên và duy nhất hiện nay tại Thừa Thiên-Huế nuôi được cá tầm xứ lạnh thương phẩm kết hợp làm du lịch. Nắm trong tay tài sản lên đến hàng tỷ đồng, nhưng ít ai biết xuất thân của anh là một thanh niên nghèo.

“Từ một người nghèo chạy gạo từng bữa, giờ đây tôi đã là chủ của một cơ sở du lịch, không còn lo về cái ăn, cái mặc như trước. Tôi rất vui khi cả huyện A Lưới thoát nghèo”.

Chị Hồ Thị Trâm, người dân tộc Pa Cô

ở thôn Đụt, xã Hồng Kim

Năm 2019, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thừa Thiên-Huế hỗ trợ anh Phương nuôi thí điểm loài cá tầm đặc sản. Ngay lần thả nuôi đầu tiên, do thiếu kinh nghiệm, nên trại cá tầm hàng nghìn con giống của anh chỉ còn 60 con sống sót, thiệt hại hàng trăm triệu đồng. Bằng tính kiên nhẫn, tinh thần chịu khó học hỏi, áp dụng khoa học công nghệ, trang trại cá tầm cạnh dòng thác A Nôr mát lạnh của anh Phương hiện hoạt động ổn định. Anh cho biết, lứa thu hoạch sắp tới, lượng cá tầm bán ra có doanh thu trên dưới 1,5 tỷ đồng, trừ đi các chi phí, Phương dự kiến thu lãi khoảng 300 triệu đồng.

Lúc vào thăm trang trại của anh Phương, tôi để ý ven con đường bê tông xuyên qua xóm Việt Tiến (thôn Đụt, xã Hồng Kim) dẫn đến thác A Nôr có cả một phố homestay với 7 cơ sở dịch vụ lưu trú đang hoạt động. Đa số chủ nhân của những homestay này từng là người nghèo, một thời kiếm sống bằng nghề rừng, làm ruộng.

Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND huyện A Lưới, nhờ triển khai hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững và thực hiện đồng bộ các giải pháp, tổng vốn đầu tư toàn xã hội của huyện A Lưới hiện đạt 1.279 tỷ đồng/năm; thu ngân sách hơn 26,9 tỷ đồng/năm. Nhiều xã vùng biên giới A Lưới đã có những khởi sắc về kinh tế xã hội khi tăng cường đào tạo việc làm, hỗ trợ nhà ở và các mô hình sinh kế giúp người dân vươn lên thoát nghèo.

MỚI - NÓNG
CLB Bóng đá Hà Nội, hoa hậu Đỗ Mỹ Linh cùng Tiền Phong thăm viếng gia đình nạn nhân tử vong tại cầu Phong Châu, Phú Thọ
CLB Bóng đá Hà Nội, hoa hậu Đỗ Mỹ Linh cùng Tiền Phong thăm viếng gia đình nạn nhân tử vong tại cầu Phong Châu, Phú Thọ
TPO - Chiều 19/9, đoàn thiện nguyện báo Tiền Phong cùng Hoa hậu Đỗ Mỹ Linh, BLĐ CLB Bóng đá Hà Nội, các cầu thủ đã trao số tiền ủng hộ 55 triệu đồng, hỗ trợ bà con bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 tại tỉnh Phú Thọ. Đoàn cũng đã đến thăm, chia sẻ với gia đình có 2 nạn nhân tử vong trong vụ sập cầu Phong Châu vừa qua.