Dừng xây cao ốc dành đất cho trường học

Dừng xây cao ốc dành đất cho trường học
TP - Thiếu quỹ đất xây dựng các trường mầm non nội thành, mới đây một số quận kiến nghị TP Hà Nội dừng việc chuyển đổi tại một số dự án mà chủ đầu tư đề nghị xây nhà cao tầng để dành đất xây trường học.

> Quyết tâm nâng cao chất lượng giáo dục

Ngồi vật vã ngoài cổng trường mầm non để nộp đơn xin học - Ảnh: Hồng Vĩnh
Ngồi vật vã ngoài cổng trường mầm non để nộp đơn xin học.
Ảnh: Hồng Vĩnh.
 

Cao ốc phình ra, trường học teo tóp

Quận Đống Đa là một trong bốn quận tập trung nhiều nhất các dự án nhà cao tầng. Hiện trên địa bàn quận, hàng chục dự án nhà ở cao tầng để bán, cao ốc văn phòng cho thuê đang trong giai đoạn chờ phê duyệt, hoàn thành thủ tục pháp lý để triển khai thực hiện. Thế nhưng, trong số 6 phường ở khu vực nội thành hiện không có trường mầm non thì Đống Đa có đến 4 phường.

Lãnh đạo quận Đống Đa lý giải do lịch sử để lại, quỹ đất hạn hẹp. Còn các cơ sở sản xuất, nhà máy di chuyển khỏi nội đô hầu hết đều trở thành các dự án nhà ở cao tầng.

“Hiện quận còn 4/21 phường chưa có trường mầm non. Quy định của Luật Giáo dục mỗi xã, phường, thị trấn, khu đô thị (có từ 8.000-10.000 dân) có ít nhất một trường mầm non, một trường tiểu học. Nhưng trước đây, theo chủ trương của Nhà nước không dùng tiền ngân sách đầu tư cho trường mầm non mà chỉ thực hiện theo phương thức xã hội hóa. Vì vậy khi có Luật Giáo dục thì trên địa bàn 4 phường này không còn quỹ đất để xây dựng trường mầm non nữa”-Ông Trần Đức Học, Chủ tịch quận Đống Đa nói.

Không chỉ nhiều phường “trắng” trường mầm non, tình trạng học chung, học ghép, thậm chí học sinh phải đi học nhờ đang diễn ra ở một số quận nội thành. Nhiều nơi đang trở thành các điểm nóng cho cha mẹ học sinh khi muốn đăng ký cho con vào trường công lập.

Đơn cử, trên địa bàn phường Nam Đồng (quận Đống Đa), trung bình mỗi năm có hơn 1.600 cháu tham gia bậc học mầm non. Thế nhưng, cả phường chỉ có một trường mầm non công lập với sức chứa tối đa 286 học sinh. Nhưng điều mà người dân ở đây bức xúc nhất, trong khi con em họ vẫn phải học trong ngôi trường đang xuống cấp, thiếu thốn thì ngay trên địa bàn phường lại có trường mẫu giáo xây 20 năm nay vẫn chưa xong.

Dừng cao ốc dành đất cho trường học

Theo ông Trần Đức Học, UBND quận Đống Đa đã rà soát và kiến nghị TP Hà Nội thu hồi một số cơ sở sản xuất trên địa bàn. Đặc biệt quận Đống Đa kiến nghị dừng cho phép chuyển đổi xây dựng các khu nhà cao tầng để bán tại một dự án.

“Đối với 4 phường hiện chưa có trường mầm non nhưng hết quỹ đất, chúng tôi đã có phương án để xử lý. Cụ thể, tại phường Láng Thượng, hiện đã xin được 1.500m2 đất của một hợp tác xã để xây dựng trường mầm non. Tại phường Phương Mai, quận kiến nghị thu hồi 3.000m2 đất của một Cty thuộc Bộ Y tế để xây trường. Đây là khu đất mà chủ đầu tư hiện đang muốn chuyển đổi thành khu nhà ở cao tầng nhưng khi xin ý kiến thì quận không đồng ý.

Theo thống kê của Sở GD&ĐT, trong 25 khu đô thị, khu nhà ở, khu tái định cư mới trên địa bàn TP còn thiếu gần 60 trường công lập từ cấp mầm non đến THCS. Trong đó, có đến 8 khu đô thị mới hiện đã có dân đến ở nhưng vẫn “trắng” trường học cả 3 bậc mầm non, tiểu học, THCS.

Đối với phường Ngã Tư Sở, dự kiến thu hồi 3.000m2 đất của Cty Mây tre đan để xây trường học. Còn phường Trung Liệt không còn đất nhưng quận đã quyết định đầu tư xây dựng trường mầm non ở phường Thái Thịnh kề cận, để phục vụ con em hai phường này”-Ông Học cho biết.

Về trường mầm non ở phường Nam Đồng xây gần 20 năm nay chưa xong, theo lãnh đạo quận Đống Đa, mới đây Bộ Quốc phòng đã đồng ý giao cho quận ngôi trường bỏ hoang nói trên. Thay vào đó, quận sẽ bàn giao toàn bộ diện tích đất trường mầm non Sao Mai cho Bộ Quốc phòng làm nhà ở cho cán bộ, chiến sỹ của Bộ Quốc phòng. Sau khi Bộ Quốc phòng bàn giao, quận sẽ bắt tay ngay vào việc lập dự án xây dựng trường để sớm đưa vào sử dụng.

Ngoài ra, một trong những giải pháp mà quận này đưa ra để khắc phục trước tình trạng quỹ đất quá hạn hẹp là thiết kế nhà cao tầng đối với các trường mầm non. “Đối với khu đất 1.500m2 để xây trường mầm non ở phường Láng Thượng, do diện tích đất hẹp, nên trường sẽ phải xây cao tầng.

Hiện tại, ngành đã mạnh dạn xây dựng thiết kế 4 tầng để đưa toàn bộ phòng hiệu bộ lên tầng cao nhất và bố trí các lớp học của trẻ từ tầng 2 trở xuống để đảm bảo đủ phòng học cho các em đến trường”- một cán bộ Phòng GD&ĐT quận Đống Đa nói.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG