Đại biểu Bùi Thị An (Hà Nội):

Đừng vào Quốc hội để lấy “mác” đại biểu

Đừng vào Quốc hội để lấy “mác” đại biểu
TP - Qua vụ việc ĐBQH Châu Thị Thu Nga (TP Hà Nội) bị bắt giam, ĐB Đặng Thị Hoàng Yến (Long An) bị bãi nhiệm, tôi nghĩ cần đặt ra vấn đề trách nhiệm của đơn vị giới thiệu, hiệp thương danh sách đại biểu để rút kinh nghiệm.

Vì để những ứng viên không đủ chất lượng, có những vấn đề về phẩm chất, năng lực ứng cử, cuối cùng hậu quả xảy ra phải bãi nhiệm như vậy sẽ làm mất uy tín của người giới thiệu. 

Nhưng quan trọng hơn, những vụ việc đó sẽ làm giảm uy tín của ĐBQH với dân. Cho nên, tôi đề nghị, cần làm rõ trách nhiệm của người giới thiệu, người giới thiệu phải chịu trách nhiệm đến cùng về ứng viên của mình.

Trong thực tiễn, danh sách ứng viên bao gồm cả người ứng cử và người tự ứng cử. Song cử tri thường không thể có đủ thông tin về cá nhân các ứng viên, nhất là người tự ứng cử (như ĐB Châu Thị Thu Nga).

Vì thế, cơ quan giới thiệu, Ủy ban bầu cử phải cung cấp đủ thông tin để người dân nắm được. Những thông tin của đại biểu là doanh nhân cần làm rõ như số thuế nộp cho nhà nước, những đóng góp thực tế cho xã hội, cho nền kinh tế, kể cả thu nhập và tài sản. Những cái đó nên công khai.

Mặt khác, theo tôi, tiêu chuẩn đại biểu phải định lượng rõ, tránh chung chung, nặng về thành phần, cơ cấu mà xem nhẹ chất lượng. Đừng để hiện tượng vào QH để lấy thương hiệu, để nổi tiếng thì sẽ không ổn. Anh phải vì sự phát triển của xã hội, vì dân. Cho nên ĐB ngay từ khi ứng cử, ngoài việc sàng lọc của cơ quan chức năng, tôi cho rằng các ứng viên phải có một chương trình hành động cụ thể.

MỚI - NÓNG