'Đụng' vào dự án 14 triệu đô, nhà tài trợ có thể rút vốn

Văn bản cảnh báo nhà tài trợ sẽ rút vốn của ông Lê Văn Phúc, Giám đốc Sở Kế hoạch đầu tư Quảng Bình
Văn bản cảnh báo nhà tài trợ sẽ rút vốn của ông Lê Văn Phúc, Giám đốc Sở Kế hoạch đầu tư Quảng Bình
TP - Liên quan Dự án điện lưới chồng lên Dự án điện pin mặt trời gây lãng phí 14 triệu USD, các ban ngành tỉnh Quảng Bình đề xuất nhiều phương án “chữa cháy”. Tuy nhiên, Sở KH&ĐT tỉnh này cảnh báo, nhà tài trợ sẽ rút vốn nếu “đụng” vào Dự án pin mặt trời.

Như Tiền Phong đã thông tin, Quyết định 2908, ngày 16/10/2014, về việc phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng công trình cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia tỉnh Quảng Bình của Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Nguyễn Hữu Hoài đã chồng lên Dự án cung cấp điện bằng năng lượng mặt trời từ vốn vay của Chính phủ Hàn Quốc.

Mặc dù biết rõ 14 triệu USD vay của Chính phủ Hàn Quốc sẽ bị lãng phí, nhưng các ban ngành của Quảng Bình liên tục tham mưu nhằm hợp thức hóa cho hai dự án chồng nhau như: Tháo dỡ pin mặt trời cất vào kho, hay đấu nối điện pin mặt trời với điện lưới, dời thời gian thi công Dự án pin mặt trời, chuyển Dự án pin mặt trời...

Ngày 3/12/2014, Giám đốc Sở KH&ĐT Quảng Bình Lê Văn Phúc đã có công văn số 1848 báo cáo UBND tỉnh Quảng Bình liên quan đến các đề xuất của Sở Công Thương nhằm giãn tiến độ Dự án pin mặt trời, hoặc chuyển Dự án pin mặt trời để thi công Dự án điện lưới. 

Trong văn bản này, Sở KH&ĐT Quảng Bình khẳng định: Về việc điều chỉnh thời gian thực hiện Dự án pin mặt trời: “...Theo tiến độ, năm 2015 dự án sẽ triển khai thi công và lắp đặt trên 10 xã thuộc phạm vi dự án.

Vì vậy việc dời thời gian thi công hai xã Tân Trạch, Thượng Trạch, huyện Bố Trạch vào cuối năm 2015 như đề xuất của Sở Công Thương sẽ không khả thi, do địa bàn hai xã Tân Trạch, Thượng Trạch giao thông khó khăn, chỉ có thể triển khai thi công trong mùa khô năm 2015. Mặt khác, việc điều chỉnh thời gian thi công sẽ không đảm bảo tiến độ của nhà tài trợ”.

Về việc điều chỉnh phạm vi dự án pin mặt trời: “Phạm vi thực hiện liên quan đến quy mô, mục tiêu của dự án đã được cam kết tại hiệp định và quyết định phê duyệt của UBND tỉnh: “Cung cấp điện ổn định và tin cậy cho 1.294 hộ gia đình thuộc 64 thôn bản và 78 cơ quan, đơn vị dịch vụ công như: UBND xã, trạm Biên phòng, trường học, trạm xá trạm Kiểm lâm... cùng các thiết chế văn hóa trong vùng núi rẻo cao dọc trên 170km biên giới Việt - Lào”.

Do đó, đề xuất của Sở Công Thương về chuyển hai xã Tân, Thượng Trạch, huyện Bố Trạch để đầu tư bằng Dự án cấp điện nông thôn từ điện lưới quốc gia sẽ làm thay đổi quy mô và mục tiêu ban đầu của dự án đã được nhà tài trợ thông qua, do khối lượng thực hiện của hai xã Tân Trạch, Thượng Trạch chiếm gần 50% tổng khối lượng của toàn bộ dự án cấp điện bằng năng lượng mặt trời cho địa phương điện lưới quốc gia không thể đến được. Việc điều chỉnh này sẽ phải điều chỉnh lại hiệp định vay. Dự án đầu tư được phê duyệt. Nhà tài trợ sẽ không đồng tình dẫn đến dự án dừng lại và nhà tài trợ sẽ rút vốn”.

Theo thông tin mới nhất của Tiền Phong, đại diện của đơn vị tài trợ vốn là Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc tại Hà Nội đã có báo cáo về Hàn Quốc liên quan các nội dung báo Tiền Phong đăng tải. Sau khi nhận thông tin báo cáo từ Hà Nội, phía Hàn Quốc sẽ có phản ứng chính thức liên quan đến Dự án pin mặt trời mà họ tài trợ.

Bộ Công Thương sẽ cho kiểm tra 

Trả lời Tiền Phong xung quanh việc dự án điện năng lượng mặt trời trị giá 14 triệu USD có nguy cơ thành phế liệu, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho biết, hiện chưa thể trả lời cụ thể vấn đề do mới quay trở lại tiếp nhận nhiệm vụ phụ trách và chỉ đạo ngành điện được vài ngày.

Theo Thứ trưởng Vượng. Việc dự án điện mặt trời chưa hoàn thành trong khi dự án điện lưới được phê duyệt chồng lên làm mất hiệu quả của dự án cần phải được xem xét. Nếu là dự án do UBND tỉnh Quảng Bình phê duyệt, tỉnh này sẽ phải chịu trách nhiệm về hiệu quả.

“Hiện, tôi chưa nắm được thông tin cụ thể về dự án. Tôi sẽ cho kiểm tra xem thế nào”, Thứ trưởng Vượng nói. 

Phạm Tuyên

MỚI - NÓNG