Nhiều uẩn khúc tại dự án đường lâm nghiệp gần 20 tỷ đồng

Nhiều uẩn khúc tại dự án đường lâm nghiệp gần 20 tỷ đồng
TPO - Công trình gần 20 tỷ đồng từ vốn ngân sách nhưng nhà thầu thi công ẩu. Khi các cơ quan báo chí vào cuộc, nhà thầu tố cáo một số phóng viên cấu kết với cán bộ Ban quản lý dự án vòi hàng trăm triệu đồng của doanh nghiệp để “bao thầu”.

Thợ nước tự nhận Chỉ huy công trường

Tháng 1/2015, dự án “Xây dựng hệ thống đường phục vụ sản xuất lâm nghiệp phát triển rừng và bảo vệ, phòng cháy chữa cháy rừng, tỉnh Hà Tĩnh (giai đoạn 1)” được khởi công tại hai xã Cẩm Lạc (Cẩm Xuyên) và Hương Vĩnh (Hương Khê) với chiều dài hơn 10km. Tổng mức đầu tư của dự án này gần 18,36 tỷ đồng. 

Dự án do Ban quản lý dự án xây dựng cơ bản ngành NN&PT NT Hà Tĩnh (BQL dự án) thuộc Sở NN&PTNT Hà Tĩnh làm chủ đầu tư, nhà thầu là liên danh 2 công ty gồm: Cty Cổ phần Xây dựng Quốc Hưng (trụ sở tại thị trấn Nghèn, Can Lộc) và Cty Cổ phần Xây dựng và Thương mại Khải Hoàn (trụ sở tại thị xã Hồng Lĩnh). Đơn vị tư vấn giám sát là Cty Cổ phần Xây lắp và Xử lí nền móng Hà Tĩnh.

Nhiều uẩn khúc tại dự án đường lâm nghiệp gần 20 tỷ đồng ảnh 1
Nhiều uẩn khúc tại dự án đường lâm nghiệp gần 20 tỷ đồng ảnh 2

Nhiều hạng mục của công trình được cho là đơn vị thi công không đúng với thiết kế.

Người dân hai xã Cẩm Lạc và Hương Vĩnh nhiều lần phản ánh tới các cơ quan báo chí về việc làm cẩu thả của nhà thầu khi cho máy san đất để mở đường của dự án. Ngày 15/3, phóng viên Tiền Phong cùng nhiều phóng viên các cơ quan báo chí đã tới  những đoạn đường người dân tố cáo có sự gian dối và thi công cẩu thả. Cùng đi có ông Võ Kim Dự, Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Lạc.

Quan sát tại hiện trường, phóng viên thấy một công trình đang được thi công dang dở. Toàn bộ đất, đá được nhà thầu cho ủi, đắp thành đống ngay trên nền đường. Mặc dù đã được san ủi nhưng nền đường nhiều chỗ được đắp bằng đá và lổn nhổn rễ cây.

Con đường được mở hơn 1km nhưng không hề có bất kỳ một biển báo về an toàn lao động mặc dù khu vực này rất đông người dân ra vào rừng để vận chuyển cây tràm.

Khi phóng viên đề cập được làm việc với Chỉ huy công trường, tài xế máy xúc gọi đến một người. Người này tự giới thiệu Bùi Minh Thành, cán bộ của Cty Cổ phần Xây dựng Quốc Hưng, Chỉ huy công trường kiêm cán bộ kỹ thuật. Sau khi nghe những chất vấn của phóng viên về quy trình và chất lượng của công trình, vị cán bộ này hoảng hốt thừa nhận: “Em là thợ nước. Ở đây không có ai là cán bộ kỹ thuật và giám sát. Cán bộ kỹ thuật về nhà gần một tuần nay”.

Nhiều uẩn khúc tại dự án đường lâm nghiệp gần 20 tỷ đồng ảnh 3

Thợ nước Bùi Minh Thành tự nhận là Chỉ huy công trường, cán bộ kỹ thuật.

Để xác minh những nghi vấn cho rằng nhà thầu thi công không đúng như trong hồ sơ thiết kế của dự án, ngày 16/3, phóng viên đã trao đổi với ông Nguyễn Xuân Hành, Trưởng BQL dự án. Ông Hành cho biết, dự án được giao cho ông Nguyễn Khoa Thanh, Phó BQL dự án trực tiếp quản lý và giới thiệu với phóng viên sang làm việc với ông Thanh.

“Anh làm việc với các phóng viên báo chí và cung cấp các hồ sơ liên quan đến gói thầu. Nếu cần triệu tập các bên liên quan để làm việc cho rõ ràng”, ông Nguyễn Xuân Hành chỉ đạo ông Nguyễn Khoa Thanh.

Chiều cùng ngày, làm việc với phóng viên, ông Nguyễn Khoa Thanh từ chối cung cấp những hồ sơ liên quan đến gói thầu của dự án. “Tôi gọi điện cho Trưởng ban nhưng không được. Cá nhân tôi không có quyền cung cấp hồ sơ liên quan đến dự án này. Tôi sẽ liên lạc lại với phóng viên khi được Trưởng ban đồng ý”, ông Thanh nói.

Tại buổi làm việc, trước nhiều câu hỏi của phóng viên liên quan đến chất lượng công trình, ông Thanh chỉ đạo một số cán bộ kỹ thuật trả lời nhưng nhiều người bỏ ra ngoài hoặc lảng tránh “việc này em không trực tiếp”.

“Cảm ơn báo chí đã phát hiện những vi phạm tại công trường. Việc này, BQL sẽ triệu tập cuộc họp để làm rõ trách nhiệm của từng bên liên quan”, ông Nguyễn Khoa Thanh nói.

Sau nhiều lần liên lạc với ông Thanh để làm việc về việc cung cấp hồ sơ liên quan đến gói thầu, ông Thanh lại đề nghị phóng viên làm việc trực tiếp với Trưởng ban.

Nhiều uẩn khúc tại dự án đường lâm nghiệp gần 20 tỷ đồng ảnh 4 “Nếu báo nào viết, tôi sẽ làm việc với TBT báo đó”, ông Phan Bá Kiểng dọa PV.

Nhà thầu tố cán bộ BQL cấu kết với báo chí làm tiền

Ông Phan Bá Kiểng, Giám đốc Cty Cổ phần Xây dựng Quốc Hưng (một trong hai công ty liên danh nhà thầu công trình), khi trao đổi với nhiều phóng viên, đã tố cáo rằng có một số phóng viên báo chí cấu kết với một cán bộ kỹ thuật của Ban quản lý (BQL) dự án tên T. để  hù dọa lấy hàng trăm triệu đồng của doanh nghiệp với cam kết “bao thầu”. Ông Kiểng cũng nói rằng, hiện doanh nghiệp đang làm đơn tố cáo sự việc này đến các cơ quan chức năng.

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, ông Phan Bá Kiểng cho biết: “Việc tôi nói đó là việc của tôi. Tôi có chứng cứ để làm việc với các cơ quan chức năng để làm rõ việc này”.

Khi phóng viên Tiền Phong đề nghị nêu đích danh phóng viên nào cấu kết làm tiền doanh nghiệp, ông Kiểng lớn tiếng cáo buộc: “Chính các anh cấu kết với thằng T. để chơi tôi. Nếu không tôi đã không phải hạ giá gói thầu xuống 2 tỷ đồng”.

Theo điều tra của PV Tiền Phong, vị cán bộ kỹ thuật tên T. được ông Phan Bá Kiểng tố cáo hiện là cán bộ kỹ thuật phụ trách kỹ thuật của dự án. Vị cán bộ kỹ thuật tên T. thừa nhận có trao đổi với Giám đốc Cty Cổ phần và Xây dựng Quốc Hưng về số tiền "bao thầu" kể trên. “Việc trao đổi tiền nong giữa em và doanh nghiệp là có. Việc này em cùng với một người nữa ở BQL dự án đứng ra làm. Trong việc này em không được lợi lộc gì. Tuy nhiên, không có chuyện em với phóng viên báo chí trao đổi để làm tiền doanh nghiệp. Mong các anh bỏ qua mọi việc. Em giờ mất hết rồi…”, vị cán bộ T. nói.

Tiền Phong tiếp tục vụ việc…

Theo tìm hiểu của phóng viên Tiền Phong, dù dự án vừa được khởi công đầu tháng 1/2015. Tuy nhiên, cũng trong tháng 1/2015, BQL dự án đã thanh toán cho nhà thầu hơn 5 tỷ đồng. Nhiều nhà thầu cho rằng, dự án có thời hạn 9 tháng để thực hiện. Trong vòng hơn chục ngày không thể thực hiện được một khối lượng công trình tương ứng với gần 1/3 số tiền của công trình.

MỚI - NÓNG
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
TP - Thông tin từ Bộ Tài chính cho hay, đến nay có khoảng 40 địa phương gửi báo cáo thu chi tiền công đức. Theo đó, điểm nhấn là nhiều địa phương có số thu tiền công đức rất cao, lên tới 200-400 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, việc chi tiền công đức cũng đang cho thấy có khá nhiều bất cập khi mỗi nơi làm theo một kiểu. Trong khi có nơi xin giữ lại để tu bổ di tích, có chỗ nguồn thu lại được để dùng cho từ thiện.
Bà Rịa - Vũng Tàu căng mình ngăn lửa giữ rừng
Bà Rịa - Vũng Tàu căng mình ngăn lửa giữ rừng
Ảnh hưởng của El Nino khiến hơn 28.000 ha rừng ở Bà Rịa – Vũng Tàu đang ở cấp báo động cháy “cực kỳ nguy hiểm” (cấp 5). Người dân, cơ quan chức năng cũng như lực lượng bảo vệ rừng của tỉnh đang trong trạng thái cảnh giác cao, căng mình giữ rừng, không lơ là, chủ quan với lửa.