Đề xuất trên được đưa ra tại hội thảo “Thực trạng về nước thải công nghiệp tại Việt Nam và các kỹ thuật giám sát nước thải bằng trạm phân tích di động” diễn ra mới đây.
Nước thải công nghiệp phía sau một cơ sở sản xuất tại huyện Yên Mỹ, Hưng Yên. Ảnh: Nguyễn Hoài
Theo PGS.TS Bùi Duy Cam, nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội, Chủ nhiệm dự án AKIZ, trạm phân tích di dộng thực chất là một phòng thí nghiệm được đặt trong một container có thể di chuyển linh hoạt. Phòng thí nghiệm này chứa đầy đủ các thiết bị hiện đại, có thể phân tích được các độc tố, tác nhân gây ô nhiễm thông qua việc phân tích chất độc hữu cơ, chất oxy hoà tan, phân tích độ axit, độ kiềm của nước thải công nghiệp. Đây là mô hình được áp dụng khá thành công tại Cộng hòa Liên bang Đức.
Theo công bố của Tổng cục Môi trường, Việt Nam có hơn 200 khu công nghiệp đang hoạt động, thải ra trên 600 nghìn mét khối nước thải một ngày đêm. Nước thải này chứa nhiều chất hữu cơ, hóa chất, kim loại nặng, dầu mỡ. Ngoài ra Việt Nam có hơn 600 cụm công nghiệp nhưng chỉ có 3% có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Nguồn nước thải này phần lớn chưa đạt chuẩn, gây ra ô nhiễm nghiêm trọng môi trường nước, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe người dân khu vực xung quanh.