Mỗi lần những hiệp sĩ đường phố Sài Gòn bị thương hay bỏ mạng dưới hung khí tàn bạo của kẻ cướp, cùng với nỗi xót xa, là một lần xã hội lại dằn vặt dữ dội. Dằn vặt với những câu hỏi tưởng chừng cũ mèm giữa lương tâm công dân và trách nhiệm công quyền. Giữa lòng tốt, sự chọn lựa và nỗi sợ hãi, phó mặc. Kèm theo đó là những cuộc tranh cãi gay gắt giữa đúng và sai, nên và không...
Để rồi lặp lại hàng loạt những câu hỏi nhức nhối. Rằng công an ở đâu? Công quyền ăn lương nhà nước ở đâu trong lúc đó? Những hiệp sĩ ấy có “háo danh”, có “dại dột” không? Tại sao không đâu có hiệp sĩ, mà chỉ có ở đất Sài Gòn và vài tỉnh phía Nam?... Tôi không hạ thấp các nơi khác, nhưng sự thật là vậy.
Để rồi lại lắng xuống. Để rồi ngày mai, ngày kia lại có thêm những hiệp sĩ khác đổ máu giữa đường phố. Lại ồn ào. Lại “quên lãng”.
Những người đàn ông được xã hội gọi là “hiệp sĩ” ấy suốt đêm ngày mưu sinh chật vật trên đường phố. Làm xe ôm, kéo ba gác, sửa điện, sửa ống nước,… Nhưng những lúc đối diện với hiểm nguy để hành hiệp, họ không phải chiến đấu với cái cối xay gió, mà với những kẻ sát nhân máu lạnh trang bị hung khí, vũ khí điên cuồng chống trả.
Sau những bó hoa, phần thưởng nho nhỏ, ít bài báo ca ngợi hiệp sĩ sau những chiến công, là gì? Và đã có mấy người thực sự hiểu được tâm trạng của họ? Họ không sợ chết à? Họ cần những “vinh danh” ấy sao? Đã mấy người biết vì sao họ không thể nào nhắm mắt ngó lơ trước cảnh những dân lành bị cướp bóc, trấn lột, hành hạ giữa chốn đô hội đông người? Ai bảo họ không dằn vặt dữ dội, giữa nhu cầu bảo toàn mạng sống, xương thịt chính mình, với an nguy của những đồng bào đang bị bức hại. Để chọn lựa cho mình một quyết định xả thân.
Tôi chợt hiểu, sau mỗi “chiến công” được vài cơ quan, đoàn thể tung hô, thì với mỗi hiệp sĩ, phần thưởng quý giá nhất, đó là sự thanh thản. Bởi không bị lương tâm giày vò, ám ảnh. Bởi chỉ đơn giản họ nghĩ rằng “mình đã làm đúng!”. Khí khái của một vùng đất khiến họ không thể khác.
Đừng khóc cho hiệp sĩ. Bởi họ KHÁC chúng ta. Bởi đó là điều mà những người đàn ông ấy đã lựa chọn một cách quả cảm.
Giọt nước mắt tiếc thương rồi sẽ qua mau. Nếu khóc, hãy khóc cho chính chúng ta.
Rằng, chúng ta đã làm gì để một thành phố lớn nhất nước ra như vậy?
Chúng ta đã làm gì, để lúc dân gặp nguy nan, không ít khi người công quyền phường này chỉ sang phường nọ?
Chúng ta đã làm gì để những người đàn ông tay không tấc sắt, sống đời mưu sinh lam lũ vẫn ngày ngày bảo vệ mạng sống và tài sản cho chúng ta?
Chúng ta đã làm gì để những hiệp sĩ ấy như “bầy sói” ngoan cường mà đơn độc?
Chúng ta đã làm gì…?!!
Đừng khóc cho hiệp sĩ. Hãy khóc cho chính chúng ta.