Đừng để mất bò...

Đừng để mất bò...
TP - Đoạn video clip của TS Lê Anh Tuấn (Trường Đại học Cần Thơ) về cảnh các con đập trên thế giới bị vỡ, trong đó có cả đập Trung Quốc, được đánh giá gây ấn tượng nhất tại hội thảo về phát triển thủy điện bền vững ở Quảng Nam hôm 7-5.

> Hơi sức đâu mà lo cho dân?
> Công nghệ nửa vời vì ham giá rẻ?

Nhưng ấn tượng hơn cả có lẽ là các vấn đề đằng sau kiến nghị của ông.

Thứ nhất, “tất cả hiện tượng bất thường xảy ra ở tất cả bộ phận của hệ thống nhà máy thủy điện phải được đánh giá và giải quyết nghiêm túc”.

Thứ hai, “phải có kịch bản vỡ đập và diễn tập các phản ứng sự cố vỡ đập”.

Và, thứ ba, “các đập thủy điện lớn phải có cống xả khẩn cấp”.

Cả ba kiến nghị ấy thực chất đã điểm trúng huyệt ba tồn tại lớn nhất ở Sông Tranh 2 và không chỉ ở công trình thủy điện lớn này.

Các nhà khoa học sau hội thảo cho biết không thấy bất cứ ai phản đối, từ lãnh đạo cao nhất của chính quyền tỉnh Quảng Nam, đại diện ban quản lý dự án thủy điện, đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam, đến các đại biểu quốc hội một số tỉnh miền Trung.

Phát triển thủy điện đang diễn ra ồ ạt ở Quảng Nam. Hiếm khi nào lãnh đạo tỉnh nhà bộc lộ công khai nỗi lo ngại về thủy điện như vừa rồi.

Không phủ nhận đóng góp tích cực của thủy điện cho phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, tuy nhiên, là những công trình can thiệp lớn đến các dòng sông, các dự án thủy điện đã và đang có những tác động tiêu cực lớn đến môi trường-sinh thái của các lưu vực sông, đến sinh kế của cư dân, an toàn cộng đồng, an ninh nước và an ninh lương thực.

Bài học thấm thía nhất mà lãnh đạo Quảng Nam nhận thấy có lẽ là kế hoạch phát triển thủy điện cần được các cấp ra quyết định xem xét lại một cách thận trọng, hạn chế sự phát triển thủy điện tràn lan nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực cho môi trường, sinh thái của các dòng sông, văn hóa và sinh kế các cộng đồng ven sông hôm nay và mai sau.

Đã đến lúc phải thuộc bài học chia sẻ lợi ích một cách công bằng giữa nhà đầu tư-cộng đồng suốt quá trình vận hành công trình; khi thiết kế và thi công công trình thủy điện, phải xét đến yếu tố biến đổi khí hậu, duy trì và phục hồi rừng đầu nguồn; phải có kịch bản liên quan đến các sự cố đập (vỡ đập) và các phương án phòng, tránh và giảm nhẹ thiệt hại cho cộng đồng liên quan trong phạm vi ảnh hưởng của đập.

Đặc biệt, thông tin về phát triển thủy điện, về an toàn đập và các vấn đề liên quan cần minh bạch-công khai đối với tất cả các bên liên quan.

Luật Nhân đạo Quốc tế xác định đập nước là công trình chứa đựng các tác lực nguy hiểm do những tác động nghiêm trọng khi có sự cố.

Sự cố đập ít xảy ra so với các sự cố do thiên tai hay nhân tai nhưng, một khi xảy ra, đập nước sẽ gây nhiều nguy cơ phá hoại tài sản và hủy diệt nhiều nhân mạng. Đừng để mất bò mới lo làm chuồng.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG