Gặp gỡ trí thức tiêu biểu:

Đừng để công trình nghiên cứu nghiệm thu xong thì cất vô tủ

Bí thư Thành ủy TPHCM đặt hàng các nhà khoa học tham mưu giải quyết nạn ô nhiễm, ngập nước, kẹt xe...Ảnh: LT.
Bí thư Thành ủy TPHCM đặt hàng các nhà khoa học tham mưu giải quyết nạn ô nhiễm, ngập nước, kẹt xe...Ảnh: LT.
TP - NGND - GS-TS Nguyễn Ngọc Giao, Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học kỹ thuật TPHCM (KHKT) cho biết, nhiều công trình nghiên cứu nghiệm thu xong thì…cất vô tủ, thay vì ứng dụng vào sản xuất, phục vụ đời sống, dân sinh.

Ngày 18/4, gặp gỡ với hơn 300 trí thức tiêu biểu, Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải tiếp tục “đặt hàng” các nhà khoa học tìm giải pháp khắc phục những hạn chế yếu kém gây bức xúc cho người dân.

Từ nải chuối giao duyên…  

Theo GS TSKH Chu Phạm Ngọc Sơn, những năm tháng đầu sau giải phóng, lực lượng trí thức tại chỗ hòa nhịp vào cuộc sống mới không phải lúc nào cũng dễ dàng.

“Tôi nhớ mãi nải chuối chín mọng - nải chuối giao duyên mà chính đồng chí Sáu Dân (cố thủ tướng Võ Văn Kiệt) tự tay ra vườn chặt gửi lúc hơn 9 giờ đêm để chúng tôi ăn đỡ mệt khi biết chúng tôi còn làm việc tại phòng thí nghiệm trường đại học Tổng hợp” - GS TS KH Chu Phạm Ngọc Sơn nhớ lại.

“Cơ chế quản lý chưa khuyến khích các nhà khoa học trẻ”.

(TS Nguyễn Bá Hải, Chủ nhiệm CLB Robot sinh học trường Đại học Sư phạm kỹ thuật TPHCM)

Đáp lại sự quan tâm ấy, những năm 1976, 1977, các thầy cô giáo hai khoa hóa và địa chất trường Đại học Tổng hợp TPHCM cứ cuối tuần lại lặn lội xuyên rừng, vượt suối, băng sông bước theo dấu chân của các anh bộ đội quân khu 7 trong những cánh rừng rậm còn chưa gỡ kịp mìn để tìm nguồn khoáng sản cần cho sản xuất.

Nhờ đưa ứng dụng kết quả nghiên cứu vào sản xuất mà các trí thức ngày ấy đã góp phần giải quyết được tình trạng thiếu thốn nguyên vật liệu sản xuất trong điều kiện đất nước bị bao vây, cấm vận.

“Không có nền công nghiệp nào phát triển chỉ dựa trên nhập khẩu nước ngoài và cũng không có nền khoa học công nghệ nào của một đất nước phát triển tốt nếu không gắn chặt với sản xuất kinh doanh” - GS TSKH Chu Phạm Ngọc Sơn nói.

Không “đắp chiếu” công trình nghiên cứu

Theo NGND-GS-TS Nguyễn Ngọc Giao, nhiều đề tài, công trình nghiên cứu đã được ứng dụng phục vụ dân sinh, góp phần xây dựng và phát triển TPHCM. Đơn cử như các nhà khoa học thuộc Liên hiệp hội KHKT đã tư vấn, phản biện dự án kênh Tân Hóa và dự án cổ phần hoá bệnh viện Bình Dân. Lãnh đạo TPHCM đã ủng hộ các nhà khoa học và kết quả là bệnh viện Bình Dân không bị cổ phần hoá, dự án cải tạo nâng cấp kênh Tân Hoá được khánh thành đúng vào dịp cả nước kỷ niệm 40 năm ngày thống nhất đất nước. Lãnh đạo TPHCM đã lắng nghe và đề xuất trung ương cho áp dụng cơ chế đặt hàng để các nhà khoa học chuyên tâm nghiên cứu, thay vì loay hoay tìm từng hóa đơn đỏ để quyết toán.

Tuy nhiên, ông Giao cũng thừa nhận nhiều nhà khoa học còn có “thói quen hàn lâm”, công trình nghiên cứu nghiệm thu xong thì cất vô tủ, trong khi các doanh nghiệp trong nước chỉ quan tâm đến việc nhập khẩu từ nước ngoài cho chắc ăn, thay vì “đặt hàng” các nhà khoa học trong nước.

Theo GS TSKH Chu Phạm Ngọc Sơn, cần thể chế hóa sự liên kết chặt chẽ giữa giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ và sản xuất kinh doanh. Đến nay mối liên hệ này vẫn còn rất lỏng lẻo.

TS Nguyễn Bá Hải, Chủ nhiệm CLB Robot sinh học trường Đại học Sư phạm kỹ thuật TPHCM nói, chủ động tìm đối tác đặt hàng nghiên cứu là một biện pháp nhưng gắn kết “ba nhà”: Nhà nước, nhà khoa học và doanh nghiệp mới thực sự là giải pháp chiến lược.

Ông Lê Thanh Hải cho biết TPHCM còn nhiều hạn chế yếu kém và luôn mong muốn các nhà khoa học nghiên cứu, đề xuất các giải pháp hiệu quả hơn giải quyết các vấn đề gây bức xúc trong xã hội như thủ tục hành chính, ô nhiễm, ngập nước, ùn tắc, tai nạn giao thông, vệ sinh an toàn thực phẩm,… 

MỚI - NÓNG