Luật Tố tụng hành chính (sửa đổi):

Đừng để 'con kiến kiện củ khoai'

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước phát biểu ý kiến. Ảnh: An Đăng.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước phát biểu ý kiến. Ảnh: An Đăng.
TP - Ngày 12/3, thảo luận dự án Luật Tố tụng hành chính (sửa đổi) tại Phiên họp thứ 36 Ủy ban Thường vụ Quốc hội, một số đại biểu đề nghị, cần quy định rõ hiệu lực bản án hành chính, tránh tuyên rồi tuyên lại, sửa chữa nhiều lần, đẩy người dân lâm vào cảnh “con kiến kiện củ khoai”.

Về thẩm quyền xét xử vụ việc hành chính, đại biểu đề nghị thống nhất quy định thẩm quyền xét xử các vụ khiếu kiện quyết định, hành vi hành chính của UBND cấp huyện, cấp tỉnh phải do TAND trên một cấp giải quyết, nhằm đem lại khách quan trong xét xử.

Có tình trạng nể nang?

Để nâng cao chất lượng xét xử, giải quyết các vụ việc hành chính, TAND Tối cao đề xuất dự thảo Luật quy định giao TAND cấp tỉnh giải quyết theo trình tự sơ thẩm khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của UBND cấp huyện, Chủ tịch UBND cấp huyện. Đồng tình quan điểm này, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Doãn Khánh nhấn mạnh, trong tình hình hiện nay để “huyện xét xử huyện” sẽ không khả thi. Vì vậy nên quy định như dự thảo, thẩm quyền xét xử của tòa án phải trên một cấp. Cùng đó, để bảo đảm tính thống nhất, đối với việc khởi kiện cơ quan hành chính cấp tỉnh cũng phải giao TAND cấp cao hơn giải quyết. Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước phân tích, thiết chế của Việt Nam có cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp và đều đặt dưới sự lãnh đạo toàn diện của Đảng.

“Cơ quan xét xử phải trên một cấp hành chính đối với cơ quan ban hành quyết định, hành vi hành chính bị kiện, nhằm tránh bị ràng buộc, nể nang và bảo đảm tính khách quan trong quá trình giải quyết”. 

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước

Thẩm tra dự án Luật, đa số thành viên Ủy ban Tư pháp không tán thành quy định mở rộng thẩm quyền cho TAND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xét xử sơ thẩm các khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của UBND cấp huyện, Chủ tịch UBND cấp huyện như dự thảo. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cho biết, quy định như dự thảo không phù hợp với yêu cầu cải cách tư pháp về mở rộng thẩm quyền cho TAND cấp huyện; đồng thời không đề cao được vai trò, bản lĩnh của đội ngũ thẩm phán TAND cấp huyện trong giải quyết sơ thẩm vụ án hành chính. “Chỉ nên quy định trong trường hợp cần thiết, tòa án cấp tỉnh có thể lấy lên để giải quyết vụ việc khiếu kiện thuộc thẩm quyền của cấp huyện”, ông Hiện nêu.

Khác nào “kiện củ khoai”

Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Đức Hiền đề nghị quy định rõ quyền, nghĩa vụ của người dân khi khởi kiện vụ án hành chính. Mặt khác, tạo điều kiện thuận lợi để người dân có thể khởi kiện các vụ án hành chính tại tòa án; khắc phục tình trạng pháp luật có nhưng người dân rất ít đưa vụ án hành chính ra tòa, trong khi khiếu nại tồn đọng ngày càng tăng. Cũng theo ông Hiền, vấn đề được cử tri quan tâm là hiệu lực của các bản án. Đây cũng là nguyên nhân khiến người dân ít khởi kiện ra tòa mà tập trung khiếu kiện, gây áp lực đối với các cơ quan hành chính. Phải quy định thật rõ, bảo đảm bản án hành chính tuyên rồi phải có hiệu lực pháp luật, được thi hành nghiêm minh. Tránh tình trạng bản án sửa đi sửa lại nhiều lần, quyết định khác nhau, khiến người dân phải khởi kiện lòng vòng. Kiện mãi như thế khác nào “kiện củ khoai”, làm giảm lòng tin của người dân đối với cơ quan công quyền.

Chánh án TAND Tối cao Trương Hòa Bình thừa nhận, có thực tế việc thi hành bản án hiện nay hiệu quả không cao. Vì thế, tại dự thảo, TAND Tối cao đề nghị, giao tòa án thẩm quyền ra quyết định thi hành bản án hành chính, tương tự như việc ra quyết định thi hành án hình sự; có trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc thi hành án. Phần dân sự trong bản án hành chính sẽ thực hiện theo quy định của pháp luật thi hành án dân sự. Ngoài ra, có cơ chế công khai với báo chí và đưa ra HĐND giám sát, theo dõi kết quả thi hành bản án.

Người đứng đầu phải tham gia tố tụng

Một số ý kiến cho hay, thực tiễn không ít trường hợp người có quyết định hành chính, hành vi hành chính bị khởi kiện không chịu tham gia tố tụng mà ủy quyền cho người khác. Người được ủy quyền nhưng lại không có thẩm quyền giải quyết vụ việc bị khiếu kiện, gây khó khăn cho quá trình giải quyết, khắc phục hậu quả. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện, nhiều ý kiến đề nghị quy định theo hướng người được ủy quyền phải tham gia vào quá trình giải quyết toàn bộ vụ án, thực hiện đầy đủ các quyền, nghĩa vụ của người bị kiện theo quy định. Có ý kiến đề nghị, để bản án hành chính được thi hành nghiêm minh, người đứng đầu cơ quan, tổ chức bị kiện phải trực tiếp tham gia tố tụng, không được ủy quyền cho người khác. Lý do là chỉ người đứng đầu mới có quyền thay đổi, hủy bỏ quyết định hành chính, hành vi hành chính trái pháp luật do mình đã gây ra.

Chốt lại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh: Trước đây, chúng ta không cho “dân kiện quan”, bây giờ dân có quyền kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của cán bộ, cơ quan nhà nước. Đây là một bước tiến rất lớn. Dự thảo luật cần tạo điều kiện để người dân thực hiện những quyền đó theo quy định của Hiến pháp.

Bộ Luật tố tụng dân sự (sửa đổi):

Tôn trọng nguyên tắc tranh tụng

Chiều 12/3, phát biểu tại phiên họp UBTVQH cho ý kiến về dự án Bộ luật Tố tụng dân sự (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý kiến nghị: Luật cần khắc phục tình trạng tồn đọng án, xét xử nhiều lần, lòng vòng không có kết quả, không có hồi kết. Theo ông, phải đảm bảo nguyên tắc tranh tụng tại tòa nhưng dự thảo quy định chưa rõ. “Tôi chỉ thấy quy định tranh tụng tại cấp sơ thẩm, còn phúc thẩm không dùng khái niệm này - mà chỉ nói là “cung cấp thông tin”, “giải thích”, “hỏi và đáp”. Những giai đoạn khác như tái thẩm, giám đốc thẩm thì sao?  - tôi đọc thì thấy là không có tranh tụng. Tại sao những giai đoạn này không thể hiện rõ tranh tụng. Quy định như vậy có phù hợp Hiến pháp, có đảm bảo nguyên tắc tranh tụng trong xét xử hay không?”, ông Lý băn khoăn. Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai lưu ý, thủ tục tố tụng phải khả thi, tránh để vụ án kéo dài, gây phiên hà cho dân. “Tôi thấy cần quy định tòa án không được từ chối giải quyết vụ việc dân sự vì không có quy định pháp luật. Không có quy định là lỗi của nhà nước chứ không phải lỗi của dân, từ chối dân thì mình tròn trách nhiệm với dân chưa?”, bà Mai phân tích.

Chánh án TAND Tối cao Trương Hòa Bình cho biết, cơ quan soạn thảo sẽ nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ theo hướng khẳng định nguyên tắc tranh tụng tại tòa; giai đoạn giám đốc thẩm cũng có tranh tụng, hoặc là phải xem xét lại quá trình tranh tụng trước đó để làm căn cứ giải quyết vụ án.      

Hồng Phúc

MỚI - NÓNG
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.