Sửa Bộ luật Dân sự để nâng cao quyền con người

Sửa Bộ luật Dân sự để nâng cao quyền con người
TP - Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức tọa đàm xung quanh vấn đề sửa đổi Bộ luật Dân sự. Ông Dương Đăng Huệ (Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế, Bộ Tư pháp, thành viên Ban soạn thảo bộ luật) cho hay, việc sửa đổi đạo luật nhằm đáp ứng những đòi hỏi tất yếu của xã hội, nâng cao quyền con người…

Đơn cử như chế định về pháp nhân, theo ông Dương Đăng Huệ, nếu trước đây người đại diện cho pháp nhân chỉ được hiểu là một cá thể nào đó, nhưng hiện nay, với sự ra đời của hàng loạt tập đoàn, tổng công ty, người đại diện này không thể chỉ là một, mà có sự chia sẻ của nhiều người.

Liên quan đến câu chuyện sở hữu, ông Huệ cũng thẳng thắn, xưa nay, Việt Nam vẫn ghi nhận quyền sở hữu đối với khối tài sản nào đó, nhưng hiện nay, ngoài quyền sở hữu, còn có nhiều vật quyền khác chưa được ghi nhận.

Luật sư Trần Hữu Huỳnh - Chủ tịch Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam, giải thích, vật quyền chính là một khái niệm mới, hoàn thiện cho quyền sở hữu, như quyền địa dịch, quyền bề mặt… nó cho thấy được một góc độ khác của quyền sở hữu, nhằm phát huy hết mọi giá trị tài sản để đưa vào lưu thông trên thị trường.

Liên quan đến nội dung chính của dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi), ông Huệ cho hay, bộ luật sẽ có  777 Điều, trên cơ sở 4 định hướng, như việc phải xây dựng Bộ luật Dân sự trở thành hiến pháp của luật tư (Bộ luật Dân sự hiện hành chưa làm được), là nguồn pháp luật cơ bản cho hệ thống luật tư; phải trở thành công cụ, cơ chế pháp lý hữu hiệu để nhân dân bảo vệ quyền dân sự của mình.

Ông Huệ nêu: “Ở lần sửa đổi này, dù đã quá thời hiệu, nhưng khi người dân làm đơn ra tòa, tòa vẫn phải thụ lý và giải quyết”.

Thời gian lấy ý kiến nhân dân về dự thảo bộ luật nói trên sẽ kết thúc vào ngày 5/4/2015.

Post by Báo Tiền Phong.

MỚI - NÓNG