Đức kêu gọi họp khẩn NATO về xung đột quân sự Thổ Nhĩ Kỳ-Kurd

Vỏ đạn rỗng của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ được nhìn thấy ở Hatay, tỉnh biên giới với Syria. Ảnh: Reuters
Vỏ đạn rỗng của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ được nhìn thấy ở Hatay, tỉnh biên giới với Syria. Ảnh: Reuters
TPO - Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel đã yêu cầu Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) triệu tập cuộc họp khẩn cấp về vấn đề xung đột quân sự Thổ Nhĩ Kỳ-Kurd tại biên giới phía bắc Syria.

“Tôi đã yêu cầu Tổng thư ký của NATO Jens Stoltenberg thảo luận về tình hình tại Syria, đặc biệt là ở phía bắc đất nước này trong NATO”, ông Gabriel cho biết trong một tuyên bố của Bộ Ngoại giao Đức trong bối cảnh xung đột Thổ Nhĩ Kỳ-Kurd leo thang.

Ông Gabriel nhấn mạnh, Berlin và Paris kêu gọi hai bên trong xung đột “ngăn chặn sự leo thang tiếp theo của các hành động thù địch trong khu vực”, nhằm tạo điều kiện cho viện trợ nhân đạo và bảo vệ người dân.

Theo nhà ngoại giao hàng đầu nước Đức, các cơ hội cho đàm phán chính trị về hòa bình và ổn định ở Syria vẫn còn tồn tại, để thúc đẩy điều đó, NATO không nên bỏ qua các hoạt động quân sự trên lãnh thổ quốc gia Trung Đông bị chiến tranh tàn phá.

Trước đó, hôm 21/1, Ngoại trưởng Đức chỉ trích hành động của Ankara ở Afrin, tây bắc Syria, bằng tuyên bố rằng, Damascus không cần một cuộc đối đầu quân sự khác trên lãnh thổ của họ sau khi Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng vừa bị đánh bại.

Ông cũng cảnh báo, một cuộc xung đột giữa Thổ Nhĩ Kỳ và người Kurd tiềm ẩn những rủi ro không thể lường trước được. Dù vậy, ông Gabriel cũng ca ngợi những nỗ lực của cả Thổ Nhĩ Kỳ và người Kurd trong cuộc chiến chống khủng bố IS, và kêu gọi tất cả các bên tập trung vào tiến trình hòa bình và đàm phán chính trị tại Syria.

Ngoài ra, ông Gabriel tiết lộ, Đức có kế hoạch trì hoãn việc xuất khẩu vũ khí sang Thổ Nhĩ Kỳ nếu nước này còn tiếp tục kích động vũ trang ở miền bắc Syria.

“Chính phủ liên bang nhận thức rõ ràng rằng, chúng tôi không nên cung cấp vũ khí cho các điểm nóng căng thẳng và sẽ không làm điều đó”, trích tuyên bố của ông Gabriel.

Căng thẳng giữa hai đồng minh

Đây không phải là lần đầu tiên Berlin quyết định ngừng cung cấp vũ khí cho Ankara, vì mối quan hệ giữa hai đồng minh NATO đã căng thẳng từ năm 2016. Vào tháng 9/2017, Đức giữ lại một yêu cầu xuất khẩu vũ khí “lớn” từ Thổ Nhĩ Kỳ. Theo một bức thư của Bộ Kinh tế Đức trước đó một tháng, do tờ Sueddeutsche Zeitung trích dẫn, tổng cộng 11 đơn xin cung cấp vũ khí cho Thổ Nhĩ Kỳ đã không được Đức chấp thuận.

Thủ tướng Đức Angela Merkel sau đó tuyên bố, Berlin vẫn có thể xem xét lại quyết định đưa ra, và sẽ xem xét riêng từng hợp đồng cụ thể. Bà cũng nhấn mạnh, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn là đồng minh của Đức, và hai nước “chiến đấu cùng nhau” chống chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo cực đoan.

Căng thẳng hai nước liên quan đến cuộc đảo chính thất bại ở Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng 7/2016, kéo theo một cuộc đàn áp quần chúng “quy mô khủng khiếp” đối với những người chống đối, cũng như dân thường bị cáo buộc đồng tình với chủ nghĩa ly khai của người Kurd và nhà chính trị lưu vong Fethullah Gulen, bị tố đứng sau vụ đảo chính bất thành.

Cuộc đàn áp bị châu Âu, đặc biệt là Đức, chỉ trích nặng nề. Berlin liên tục cáo buộc Ankara vi phạm nhân quyền, và yêu cầu thả những công dân Đức bị giam giữ vì cáo buộc tham gia gây rối an ninh quốc gia. Được biết, Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt 2 nhà báo người Đức, một trong số họ có quốc tịch kép, với cáo buộc làm gián điệp.

Cải cách hiến pháp của Thổ Nhĩ Kỳ, trao quyền lực mới cho Tổng thống Recep Tayyip Erdogan, cũng là một nguyên nhân khác cho mâu thuẫn trong mối quan hệ song phương với Đức.

Trước khi diễn ra trưng cầu dân ý cho cải cách, Đức, cùng một số nước khác ở châu Âu, đã cấm một số cuộc biểu tình ủng hộ Erdogan, và các sự kiện liên quan tới các bài diễn văn của quan chức cấp cao Ankara đến cộng đồng người Thổ Nhĩ Kỳ sống tại Liên minh châu Âu (EU). Động thái này khiến Ankara kịch liên lên án các nhà lãnh đạo của Đức.

Mối quan hệ giữa Berlin và Ankara ảm đạm đến mức Đức ra lệnh rút quân và máy bay quân sự khỏi Căn cứ Không quân quân Incirlik của Thổ Nhĩ Kỳ.

Có vẻ như, Thổ Nhĩ Kỳ dần xa rời các mối quan hệ với các đồng minh NATO, đặc biệt là Mỹ và Đức, khi tiến hành các hoạt động quân sự chống người Kurd tại biên giới phía bắc Syria.

Theo Theo RT
MỚI - NÓNG