Một tên lửa Trident II D5 được phóng từ tàu ngầm lớp Ohio trên vùng biển ngoài khơi California năm 2018. (Ảnh: US Navy) |
Kế hoạch của Mỹ về việc đưa một tàu ngầm mang vũ khí hạt nhân đến Hàn Quốc lần đầu tiên kể từ năm 1981 trở thành tiêu điểm chú ý trong “Tuyên bố Washington” về các biện pháp nhằm buộc Triều Tiên phải “nghĩ đi nghĩ lại” khi định tấn công hạt nhân quốc gia láng giềng phía Nam.
Việc điều tàu ngầm hạt nhân được cho là mang ý nghĩa biểu tượng lớn, nhưng các chuyên gia hoài nghi về ý nghĩa quân sự. Một số cho rằng việc điều tàu ngầm mang vũ khí hạt nhân đến bán đảo Triều Tiên không thực sự quan trọng, vì những tàu ngầm như vậy đủ khả năng tấn công Triều Tiên từ khoảng cách hàng ngàn dặm. Một số ý kiến khác cho rằng việc điều tàu ngầm công khai đến cảng của nước ngoài sẽ làm giảm hiệu quả của phương tiện được thiết kế để tàng hình.
Hải quân Mỹ có 14 tàu ngầm tên lửa đạn đạo hạt nhân lớp Ohio, trong đó tám tàu đậu ở bang Washington và sáu tàu ở Georgia.
Những con tàu dài 170m có lượng choán nước 18.000 tấn khi lặn và mỗi chiếc hoạt động dựa vào một lò phản ứng hạt nhân.
Hải quân Mỹ cho biết, một tàu ngầm lớp Ohio được thiết kế để hoạt động trung bình 77 ngày dưới biển, và 35 ngày bảo dưỡng tại cảng. Loại tàu này đều có 2 nhóm thuỷ thủ đoàn, gọi là nhóm “xanh” và nhóm “vàng”, được luân chuyển định kỳ để 155 thành viên của mỗi nhóm được nghỉ ngơi và huấn luyện.
Mỗi tàu ngầm lớp Ohio có thể mang tối đa 20 tên lửa đạn đạo Trident II. Tên lửa này có tầm bắn 7.400km, nghĩa là có thể vươn tới Triều Tiên từ rất nhiều vị trí trên Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương và Bắc Băng Dương.
“Về quân sự, những tàu ngầm này không cần đến gần Triều Tiên mới có thể bắn trúng mục tiêu”, Blake Herzinger, một nhà nghiên cứu tại Trung tâm nghiên cứu Mỹ, cho biết. Mỗi tên lửa Triden có thể mang nhiều đầu đạn để hướng về nhiều mục tiêu khác nhau.
Sáng kiến Đe doạ hạt nhân tại Trung tâm nghiên cứu chống phổ biến vũ khí hạt nhân James Martin ước tính, mỗi tên lửa Trident có thể mang 4 đầu đạn hạt nhân, nghĩa là mỗi tàu ngầm tên lửa hạt nhân của Mỹ có thể mang 80 đầu đạn hạt nhân.
Theo đánh giá của giới chuyên gia, chỉ cần một tàu ngầm được trang bị tên lửa Trident có thể phá huỷ toàn bộ Triều Tiên.
Các nhà phân tích cho rằng sự hiện diện của một tàu ngầm tên lửa đạn đạo của Hải quân Mỹ ở cảng Hàn Quốc chỉ đơn thuần mang ý nghĩa biểu tượng, vì thực tế là sẽ giảm giá trị quân sự của con tàu.
“Về chiến thuật, Mỹ và Hàn Quốc đang làm suy giảm tính năng mạnh nhất của tàu ngầm: khả năng tàng hình”, Carl Schuster, cựu đô đốc Hải quân Mỹ và cũng là cựu chỉ huy chiến dịch của Trung tâm tình báo phối hợp thuộc Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương ở Hawaii, đánh giá.
Một trong những chìa khoá tạo nên năng lực răn đe là tính bất thường.
“Răn đe hạt nhân được tạo nên khi kẻ thù không biết về sự tồn tại và quy mô vũ khí hạt nhân, họ không biết chính xác mức độ và vị trí của vũ khí hoặc thời điểm sẽ được triển khai”, Trung tá Hải quân Mỹ Daniel Post viết trên tạp chí Proceedings của Viện Hải quân Mỹ hồi tháng 1.
Một tàu ngầm tên lửa đạn đạo Mỹ lặn sâu xuống hàng trăm mét dưới mặt biển, trong khi vẫn có khả năng tấn công Triều Tiên từ khoảng cách hàng ngàn dặm, vì thế Bình Nhưỡng gần như không thể phát hiện.
Một khi đến Hàn Quốc, con tàu sẽ dễ bị phát hiện hơn, vì thế sẽ mang lại lợi thế cho Triều Tiên, ông Schuster cho biết.