Đưa 'cụ Rùa' lên Tháp Rùa chữa trị

Đưa 'cụ Rùa' lên Tháp Rùa chữa trị
TP - Cuối cùng, cụ Rùa được quyết đưa lên bờ chữa trị. Nơi dưỡng thương cho cụ là vị trí chân Tháp Rùa, ông Lê Xuân Rao, Giám đốc Sở Khoa học & Công nghệ Hà Nội, cho biết sau khi kết thúc cuộc họp Ban chỉ đạo khẩn cấp cứu cụ Rùa tại UBND TP Hà Nội sáng 25-2.

> Đưa cụ Rùa lên bờ để chữa bệnh

Đưa 'cụ Rùa' lên Tháp Rùa chữa trị ảnh 1

Vị trí đưa cụ Rùa lên là Tháp Rùa, thay vì ao nổi như đã bàn lần trước. Tại phần hồ, thiết kế thêm bể thông minh để bơm nước vào và đưa nước ra để có thể tiếp cận trực tiếp cụ Rùa.

Đưa cụ lên Tháp Rùa chữa bệnh là phương án tốt, nên thực hiện, nhưng cần chú ý đến thức ăn cho cụ, không cẩn thận, có thể làm ô nhiễm nước, gây vết thương của cụ nặng hơn. - TS Nguyễn Văn Sáng, nguyên cán bộ Viện Sinh thái Tài nguyên Sinh vật.

Việc đưa lên chân tháp là một phương án hợp lý. Tuy nhiên, chúng ta cũng chưa có nhiều sự hiểu biết về cụ Rùa như cụ hung dữ hay hiền. Vì thế, cần phải thận trọng trong việc đưa cụ lên chân tháp, tránh để cụ bị thương nặng hơn - GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh, Chủ tịch Hội Động vật học Việt Nam.

Có cách bắt rùa và đưa lên mặt nước thật nhanh. Một là, cải tạo xung quanh chân Tháp Rùa với hy vọng rùa bò lên một cách tự nhiên, khi đó sẽ bắt. Hai là, dùng hệ thống lưới giăng để bẫy. Lưới sẽ được đặt chìm ở những nơi cụ thường xuyên nổi lên như khu vực nhà hàng Thủy Tạ, phía Hàng Khay…

Ông Rao nhận định, cách thứ hai chủ động hơn. Ban chỉ đạo sẽ xem xét giải pháp này cùng các đơn vị khác. Sẽ sử dụng thiết bị định vị, rùa nổi ở đâu thì bắt và dẫn vào nơi cứu thương. Tuy nhiên, do cụ Rùa đang bệnh nặng nên đặc biệt lưu ý không gây sốc, không gây cọ xát nhiều” - ông Rao nói.

Tuy đã quyết phương án là chữa cho cụ Rùa ngay từ 25-2, nhưng cụ thể việc bôi thuốc cho cụ phải đợi khi nào đưa cụ Rùa lên mới làm được. “Để đưa rùa lên được thì ngay từ hôm nay phải làm rồi” - Ông Rao khẳng định sau cuộc họp ngày 25-2. Tuy nhiên ngày nào đưa được cụ lên thì ông không dám chắc. Việc chữa trị cho cụ Rùa là phần quan trọng nhất.

Đưa cụ Rùa lên Tháp Rùa chữa trị
Đưa cụ Rùa lên Tháp Rùa chữa trị.

Đội ngũ bác sỹ thú y đã có sẵn các như phương án chữa nấm, diệt virus… Tùy tình hình thực tế, phương án cụ thể sẽ được áp dụng. Việc cải tạo môi trường hồ Gươm cũng sẽ được tiến hành ngay, nhưng cũng phải theo lộ trình.

Cải tiến bể thông minh

Phương án đưa cụ Rùa lên cạn để chữa trị đã được quyết, nhưng phần bể thông minh làm nơi dưỡng thương cho cụ trước khi đưa trở lại hồ vẫn phải bàn bạc thêm. Theo thông tin từ Ban chỉ đạo, chắc chắn bể này sẽ được lắp đặt tại hồ, nhưng lắp đặt thế nào, thiết kế ra sao, cần tính toán thêm.

Cụ Rùa lại nổi

Khoảng 10h sáng 25-2, khi cuộc họp của Ban chỉ đạo khẩn cấp cứu chữa cụ Rùa tại UBND TP Hà Nội kết thúc, cụ Rùa nổi ở mé hồ gần đường Đinh Tiên Hoàng, đối diện tượng đài Lý Thái Tổ, gần trụ sở UBND TP Hà Nội.

Trước đây, nhiều người cho rằng, cụ nổi lên ứng với các sự kiện quan trọng của đất nước. Tuy nhiên, hiện nay do cụ nổi quá nhiều, người ta lại nghĩ đến vấn đề môi trường bị ô nhiễm.

Vào ngày 15-2, khi Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội tổ chức cuộc họp bàn đầu tiên về cứu chữa cho cụ Rùa, cụ đã nổi ngay sau cuộc họp. Trong ngày 16-2, 22-2 và 23-2, cụ Rùa nổi với nhiều vết thương trên người.

Trước đó, bể bơi thông minh đặt chìm của TS Nguyễn Viết Vĩnh và bể đặt nổi của kỹ sư Nguyễn Văn Thịnh là hai giải pháp gây chú ý.

Ở gói giải pháp của TS Vĩnh, sẽ dùng bể bơi bằng nhựa thổi phồng, đưa xuống hồ, sau đó bơm nước hồ vào qua máy bơm nano. Nước trong bể nhờ vậy được cân bằng, chất lượng hơn. Bể được đặt chìm trong lòng hồ. Tuy nhiên, giải pháp vướng phải trở ngại là cụ Rùa móng vuốt sắc nhọn, có thể làm rách thành bể, hỏng bể bơi.

Giải pháp của kỹ sư Nguyễn Văn Thịnh là dùng lưới tự động để bắt rùa, sau đó lai dắt vào bể đặt nổi trên mặt nước như bè nuôi cá.

Bể này gồm hai phần: một phần nằm trên mặt nước để chữa thương cho cụ Rùa, nối với phần thứ (bể nước) bằng một đường đi. Nước trong bể chính là nước hồ được thẩm thấu vào bể qua một màng lọc nhằm loại bỏ cặn bẩn. Lưới bắt rùa nằm ngay dưới lòng bể. Muốn nâng cụ Rùa lên có thể dùng thiết bị các góc lưới rồi nâng dần lên phần bè nổi…

Phương pháp này mới chỉ ở mức mô hình. Trước đó, anh Thịnh dự định dùng các túi bóng khí thiết kế ở mép lưới để nâng cụ Rùa lên. Tuy nhiên, sau đó, anh bỏ chi tiết này vì lo ngại móng vuốt cụ Rùa sẽ làm vỡ túi khí. Anh Thịnh cùng các cán bộ Sở Khoa học & Công nghệ vẫn đang tiếp tục nghiên cứu cải tiến để đưa ra một thiết bị phù hợp nhất.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo yêu cầu việc tiếp cận, đưa dẫn, lưu giữ, chữa trị cho cụ Rùa phải đảm bảo tuyệt đối an toàn. Ban Chỉ đạo lập ngay Hội đồng chữa trị Rùa Hồ Gươm do Giám đốc Sở Y tế là Chủ tịch, cần thiết có thể mời chuyên gia quốc tế có kinh nghiệm để trực tiếp khám, chữa trị, chăm sóc.

Từ ngày 26-2, Ban Chỉ đạo và bộ phận chuyên môn tập trung lực lượng ứng trực 24/24h. Cùng với chữa trị cho Rùa Hồ Gươm, cần tổ chức bắt và xử lý rùa tai đỏ; vớt rác, váng rêu trên mặt hồ, thu dọn chướng ngại vật...

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG