Kể từ khi xảy ra sự cố ngã quỵ vì viêm phổi hồi tháng 9/2016, đến nay, bà Hillary Clinton mới phải đối mặt với một vụ bê bối có được cho là có khả năng đảo lộn cuộc chạy đua vào Nhà trắng, đó là bê bối sử dụng email cá nhân vào việc công từ hồi còn là Ngoại trưởng Mỹ.
Hôm 28/10, Giám đốc Cục điều tra Liên bang Mỹ FBI James Comey đã tuyên bố mở lại cuộc điều tra bê bối email của bà Hillary vì phát hiện thêm hàng chục ngàn email mới. Tuyên bố này của ông Comey đã khiến chiến dịch tranh cử của bà Hillary chao đảo. Và ngay lập tức, giới truyền thông đưa tin: khoảng cách giữa cựu Ngoại trưởng Mỹ và Donal Trump được rút ngắn, ông Trump bám sát bà Hillary, thậm chí có lúc còn hơn bà Hillary vài điểm.
Tuy nhiên, theo tờ The New Yorker, “sẽ là rất sai lầm nếu quá coi trọng kết quả khảo sát của một tờ báo nào đó về số điểm ủng hộ của bà Hillary và ông Trump”. Bởi mỗi tờ báo sẽ chỉ khảo sát được một số lượng nhỏ cử tri, và lượt vote của số cử tri ấy không thể đại diện cho toàn bộ cục diện cuộc tranh cử.
Điều mà cử tri muốn biết lúc này là liệu những con số ấy có thực sự ảnh hưởng đến kết quả cuộc bầu cử hay không?, và liệu bê bối email có thực sự khiến bà Hillary Clinton mất cơ hội trở thành Tổng thống?
Trong khi các tờ báo thường khảo sát độc giả bằng câu hỏi: bạn ủng hộ Donald Trump hay Hillary Clinton, thì tờ ABC News và Washington Post lại đặt ra cho độc giả một câu hỏi khảo sát khác: Bê bối email của bà Hillary Clinton có ảnh hưởng đến lá phiếu của bạn không?
Kết quả là: 2% số người được hỏi cho biết họ càng thêm chắc chắn khi bầu cho bà Hillary, 64% cho biết họ sẽ không thay đổi quyết định bầu cho bà Hillary, và 34% còn lại cho biết họ sẽ cân nhắc lại việc bầu cho bà Hillary.
Ngoài khảo sát trên, ABC News/Washington Post còn tiến hành thêm một số khảo sát khác và đều thể hiện kết quả khả quan cho bà Hillary Clinton. Ví dụ, khi hỏi: hãy chọn ứng viên có phẩm chất đạo đức tốt, 46% người được hỏi đã chọn bà Hillary, 38% chọn ông Trump. Khi hỏi: ai là người đủ điều kiện để làm Tổng thống, kết quả khảo sát cho thấy các cử tri vẫn coi nặng các bê bối của ông Trump hơn bà Hillary.
Từ việc phân tích các con số nói trên, tờ New Yorker đã đưa ra kết luận: để bắt kịp và đánh bại bà Hillary Clinton, ông Trump sẽ phải thoát ra chiếc hộp mà ông đã bị mắc kẹt trong một thời gian dài. Đây là một việc vô cùng khó. Ông Trump buộc phải giành được sự ủng hộ của các bang Florida, North Carolina và Ohio.
Trong khi đó, kết quả các cuộc thăm dò gần đây cho thấy ông và nữ ứng viên đối thủ gần như hòa điểm ở bang Florida và Ohio. Còn ở bang North Carolina, bà Hillary đang dẫn trước. Hầu hết các nhà phân tích đều cho rằng bang Pennsylvania là một “át chủ bài” của Trump nhưng trên thực tế, bà Hillary vẫn dẫn trước ở bang này.
Sam Wang – thành viên hội đồng bầu cử Princeton cho biết: “Có một điều gần như chắc chắn là câu chuyện email của bà Hillary sẽ không ảnh hưởng đáng kể đến vị thế dẫn trước của bà. Chỉ là báo chí cần một hướng khai thác mới nên mới làm vấn đề trở nên trầm trọng, trong khi tình hình thực tế không thay đổi nhiều lắm.”
Về phần Trump, ở những ngày cuối cùng của cuộc chạy đua, ông tích cực tận dụng sự tham gia của người thân trong những buổi vận động ở các bang khác nhau. Con trai Donald Jr. vận động ở bang Colorado và Nevada, con gái Ivanka ở bang Michigan và New Hampshire, con trai Eric ở bang Wisconsin và vợ của con trang - Lara - ở bang Ohio. Những nhân vật này liên tục đưa ra những lời bảo vệ Trump và bảo vệ các quan điểm của ông.
Bản thân Trump trong các bài phát biểu vẫn không ngớt lời công kích bê bối email của bà Hillary, và nói rằng bà không đủ tiêu chuẩn để tranh cử. Dường như, bê bối email của bà Hillary là sợi dây duy nhất mà ông Trump và chiến dịch của mình có thể neo vào để hi vọng lật ngược tình thế và chiến thắng trong cuộc bầu cử.