Dư vị món liên hoan phim

Huy Khánh pha trò trong lễ bế mạc. Ảnh: Hoàng Tuấn
Huy Khánh pha trò trong lễ bế mạc. Ảnh: Hoàng Tuấn
TP - 1. Người nhà tôi hàng ngày say sưa bật kênh phim Việt, ở đó có anh Huy Khánh và chị Ngọc Diệp ngồi dẫn dắt các bộ phim. Tôi thử nghe họ nói gì? Không có gì cả. Quanh đi quẩn lại gay cấn, éo le, khán giả nhớ đón xem nha! Thế mà cứ dẫn rền, hết ngày này ngày khác.

> Chưa thỏa mãn về lễ bế mạc, 'Vũ điệu đam mê' và những điều khác
> Thù lao làm phim Bông sen bạc hai triệu đồng mỗi tháng

Huy Khánh pha trò trong lễ bế mạc. Ảnh: Hoàng Tuấn
Huy Khánh pha trò trong lễ bế mạc. Ảnh: Hoàng Tuấn.
 

Cái tiểu phẩm mà Lê Khanh và Như Quỳnh với vai trò MC- giới thiệu là “tiết mục đặc biệt” trong lễ bế mạc LHP 17, nó cho thấy đúng một Huy Khánh trên kênh phim Việt, nghĩa là khiến khán giả muốn mếu! Về Hồng Ánh, đáng tiếc cho chị can dự vào những trò mua vui cũng không nổi cho thiên hạ.

Cũng tò mò mà tôi thỉnh thoảng ngó, thấy kênh phim Việt đó đang chiếu bộ phim dài tập tên là Phía cuối cầu vồng. Hàng tuần giời, cứ mở ti vi là thấy một cô lăm lăm con dao “tao phải giết mày”, còn nhân vật bị dọa xin tí tiết cứ ơi hời “Bảo Trang ơi, đừng làm thế”. Tôi lại nhớ Lê Khánh và ba tình địch trong Cô dâu đại chiến, cũng chỉ biết giơ hung khí và thốt lời đe dọa nhân vật chính (cũng là dọa khán giả, chứ còn gì nữa). Còn nhân vật nam do Huy Khánh thủ diễn thì monotone một khuôn mặt méo xẹo từ đầu đến cuối phim (có nhà báo đề cử anh là nam chính xuất sắc kỳ này).

Kết cục, Lê Khánh là đồng Nữ diễn viên phụ xuất sắc! Việc Cô dâu đại chiến nằm trong đề cử Bông sen Vàng cũng kỳ khu không kém, cũng như Nguyễn Đức Việt được đề cử đạo diễn, còn Vũ điệu đam mê của anh đoạt giải Bạc.

Trong Đối mặt cũng như đa số phim truyền hình mà diễn viên ăn vận hào nhoáng khác, các nhân vật luôn gọi tên nhau, đầy đủ, kêu như mõ: “Tao đã bảo mày không được yêu anh Nam Phong của tao cơ mà, Bảo Trang!” Rồi thì Phương Linh, Phương Nga… réo suốt. Không hiểu trong đời thật, các nghệ sĩ nói năng hành xử có giống ở lễ tân thế: Minh Hằng ơi hãy rửa bát hộ Hoàng Anh (?)

Tôi tin rằng khi Olive, chuyên ngồi khểnh nhai bắp rang bơ dẫn kênh CINEMAX, nói xưng xưng kiểu: “Người ta sắp sửa làm Xác ướp Ai cập 4, làm như phần 3 chưa đủ dở vậy”, “Nên xem phim đó chỉ vì có Nicole Kidman nude” thì người bị chê chẳng nỡ giận, còn xem nghệ sĩ nhà ta ve vuốt nhau và phim của nhau, dễ nổi trận lôi đình.

2. Đạo diễn Phạm Việt Thanh tuyên bố “lễ bế mạc sẽ rất ngắn gọn”. Hơn 2 tiếng đồng hồ thì không ngắn, và dài ngắn không quan trọng bằng sạn ít hay nhiều.

Một clip vài chục giây, được phát đi phát lại cho tất cả các đề cử, mà lẽ ra phải khác nhau. Khổ cho Hot boy nổi loạn chiếm rất nhiều đề cử, cứ đến phim này là vẫn hình ảnh đó và câu thoại đó Ai người ta chấp nhận (đồng tính) khiến khán giả phát sốt. Người không có tên trong đề cử thì lại xướng danh chiến thắng; cùng hạng mục đề cử nhưng có phim được thuyết minh có phim không. Đề cử diễn viên cho Mùi cỏ cháy ghi: 4 bộ đội!

Khán giả Kim Anh (Kim Mã, Hà Nội) phát biểu: “Lễ bế mạc cứ khô không khốc và cứng đơ đơ, sai thì vô kể. Hà Hoài Thu hát bài trong phim truyện, thì màn hình hiện ra hình ảnh phim hoạt hình. Nhìn thấy nghệ sĩ gạo cội thì mừng, nhưng thấy họ giương mãi mục kỉnh không đọc được, lại cám cảnh.

Nghệ sĩ của ta không quen lễ nghi, lên trao nhận giải người thì bắt tay rồi trao hoa người không, người đứng bơ vơ trên sân khấu người xuống ngay phải gọi giật lại, thành lộn xộn. MC lẽ ra biết ai hoạt khẩu thì hẵng vật nài phát biểu. Có vẻ chỉ một câu cảm ơn cho có duyên mà khó quá. Cứ thế này có khi lần sau nên thôi, hoặc thôi truyền hình trực tiếp”.

Ít vinh danh chân dài nghiệp dư, ít hot boy hot girl “nổi loạn”, LHP lần này nhằm tôn vinh thế hệ điện ảnh cựu trào. Đã 4 thập kỷ LHP, với nhiều diễn viên khóa 1 cũng như nghệ sĩ khác, đây có thể là kỳ LHP cuối cùng của họ. Nỗ lực này của Bộ Văn hóa là đáng ghi nhận.

Khán giả như tôi thầm mong: nghệ sĩ là phải khác người, nghệ sĩ tuổi 9 chục như Kirk Douglas có thể hiện ra như một gã trai lơ đáng yêu trong lễ trao giải Oscar thì nghệ sĩ của mình cũng phải ngon gần bằng chứ. Nhưng với nhiều người, đã già là già đều.

3. Báo nọ dẫn lời trưởng BGK phim truyện nhựa: “Trước khi xem phim (Vũ điệu đam mê), có thành viên giám khảo không thiện cảm, nhưng xem xong cả 9 thành viên đều thấy rất được. Chúng tôi không xem phim bằng cảm tính”. Nhưng giám khảo Đinh Anh Dũng lại nói anh bất ngờ về một số kết quả, và thừa nhận có chuyện phát biểu một đằng chấm một nẻo của các vị gọi là giám khảo ở các kỳ liên hoan, cánh diều.

Các giải cá nhân cho Quách Ngọc Ngoan, Mỹ Hạnh, Lê Khánh đều gây sửng sốt. Một nhà báo điện ảnh phát biểu: “Không hiểu được. Hay vì là giải cá nhân nên nó nhất định phải mang dấu ấn cá nhân- yêu ghét riêng của từng vị, bất chấp”. Với Quách Ngọc Ngoan, hình như anh được chấm vai trong Khát vọng Thăng Long thì đúng hơn. Vai Tố Như trong Long thành cầm giả ca không ấn tượng đến nỗi đoạt giải.

Năm nay cơ số phim truyện tham dự lớn, không ít phim được báo chí liệt vào dòng thảm họa. Cuối cùng, như đã thấy, vẫn có thảm họa ở kết quả. Xét ra, kỳ LHP nào chả có chuyện, đỉnh điểm là Hà Nội Hà Nội đoạt Bông sen Vàng, vượt Mùa len trâu ở LHP Nam Định.

Những kỳ gần đây thì kết quả LHP ở Vinh là đỡ hơn cả: Bông sen Vàng cho Đời cát, Mùa ổi và các giải cá nhân cho Nguyễn Thanh Vân (đạo diễn), Nguyễn Quang Lập (biên kịch), Bùi Bài Bình (nam chính), Hồng Ánh (nữ chính), Lan Hà và Vũ Phương Thanh (nữ phụ).

Về một số kết quả lạ lùng lần này, có người trong nghề lại nói lạc quan: “Thôi thì lần nào chẳng có độ chênh giữa giám khảo với nhau, giữa giám khảo với báo chí- khán giả. Lần này ít ra lại cho thấy BGK được tôn trọng, không bị chỉ đạo gì cả. Còn hơn là Cánh Diều hồi nào, ông Trưởng BGK không hiểu nghe ai mà tự ý chữa giải (Áo lụa Hà Đông vọt lên đoạt Cánh diều Vàng)". Phải chăng chuyện làng điện ảnh là thế- kịch tính, khó đoán, mâu thuẫn thị hiếu, nói chung rất “Chơi vơi”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG