Dư một mùa xuân

Những người tình nguyện trực cầu Bessières ở thành phố Lausanne - Thụy Sĩ. Ảnh: Liên Trang
Những người tình nguyện trực cầu Bessières ở thành phố Lausanne - Thụy Sĩ. Ảnh: Liên Trang
TP - Cảm giác ngồi với gia đình riêng đón xuân bên này bỗng nhớ về gia đình nguồn cội của mình cũng đang vui xuân bên ấy thật đặc biệt. Cứ như thể mỗi năm dư dôi thêm một mùa xuân - thứ đặc ân cho người viễn xứ.

Gia đình kiểu Ý

Đại gia đình gốc Hoa ấy vẫn ngồi ăn khi chúng tôi vào. Lướt nhìn biết ngay đó là bữa cơm sum họp cuối năm, những món ăn không có trong thực đơn phục vụ khách. Nhìn gần hai chục người từ già đến trẻ nhỏ quây quanh cái bàn rộng, ăn uống xì xụp, cười đùa huyên náo chưa thèm phục vụ khách, tôi chợt chạnh lòng. Cũng là di dân nhưng họ có cả đại gia đình ở đây, ấm áp biết bao trong thời khắc cuối năm.

Thật không khác gia đình kiểu Việt là mấy. Còn tôi đang là thành viên trong gia đình nhà chồng - gia đình kiểu Âu loay hoay mãi mới thống nhất được ngày giờ đặt bữa tiệc cuối năm trong nhà hàng Hoa. Cả năm mới có một bữa ăn chung, người Bỉ gọi dịp sum họp này là gia đình kiểu Ý. Người Anh, Tây Âu và Bắc Âu thường hay cười nhiều thanh niên Ý hai mươi, ba mươi tuổi rồi vẫn hằng ngày về ăn cơm với mẹ. Phần còn lại của châu Âu chăm lắm một tuần hoặc cả tháng mới thăm bố mẹ, ông bà một lần. Cha mẹ già được con cháu đến thăm mừng như trúng số. Thế nên một công ty sổ xố ở châu Âu năm mới này chuyển lời bài hát We wish you a merry Christmas thành: Chúc bạn được cưỡi xe vespa/ Chúc bạn có nhà ở Toscana/ Và được mẹ phục vụ món pasta...

Mỗi cá nhân khi tách khỏi gia đình, trên hành trình tìm kiếm sự độc lập sẽ không tránh khỏi nhiều lúc thấy cô độc. Cảm giác này thường xuất hiện dịp cuối năm, lúc ta nhớ về gia đình nhất, thèm khát sự ấm áp tình cảm gia đình nhất. Ở thành phố Lausanne (Thuỵ Sĩ) có cây cầu Bessières nổi tiếng vì người ta hay tìm đến đây tự tử trong dịp Giáng sinh và Tết Tây. Thế là từ 23/12 đến 2/1 hàng năm thường có một nhóm tình nguyện chia làm ba kíp trực, mỗi kíp hai người túc trực 24/24 giờ ở cầu giữa giá lạnh và tuyết rơi để nghe tâm sự của kẻ cô đơn, và kịp thời ngăn ai đó muốn quyên sinh vì cuối năm bỗng mất việc, li hôn... Đơn giản mà mấy ai làm được: có thể cứu mạng người chỉ bằng cách dành ra vài phút trò chuyện cùng nhau, quan tâm chia sẻ nỗi buồn đau của người xa lạ.

Tôi vẩn vơ nghĩ nếu những người muốn tự tử ở Thuỵ Sĩ dịp cuối năm này đang sống tại Ý, chưa chắc họ mò ra cầu. Bởi Beppe Severgnini- tác giả cuốn “Đầu óc người Ý” đã định nghĩa gia đình Ý là một nhà băng với các khoản cho vay không lấy lãi thậm chí không có nghĩa vụ trả nợ. Gia đình Ý là một trung tâm môi giới việc làm, gia đình Ý là một thị trường nơi chẳng mua bán thứ gì nhưng có nhiều thứ để cho không. Gia đình Ý là một trạm xá để các đấng mày râu bị cảm cúm bò về nơi ẩn nấp...

Bản danh sách Tết

Khi tôi hỏi những bạn Bỉ rằng có biết người Bỉ bắt đầu tổ chức Ngày của hàng xóm vào năm 2003 (khởi xướng từ Paris), ai cũng ngạc nhiên “có ngày kiểu này à, để làm gì chứ?”. Lời kêu gọi của Geert Bourgeois- tân lãnh đạo vùng Flanders (Bỉ) có thể chưa đến tai họ “hãy tỏ ra ấm áp một chút vào những ngày cuối năm, chia sẻ thời gian cho người cô đơn, nghển cổ qua hàng rào trò chuyện dăm ba câu với hàng xóm cũng rất đáng quý”. Càng thêm tuổi chúng ta càng nhận thức rõ tầm quan trọng của tiếp xúc con người. Xu hướng sống cô độc, ẩn danh ở châu Âu rồi dẫn chúng ta đến đâu: Một ngày nào đó bỗng thấy mình bị loại trừ. Ừ, có thể lắm.

Những người bạn Bỉ của tôi không biết có Ngày hàng xóm, nhưng họ gật gù “Chắc chắn có nhiều cây cầu Bessières ở châu Âu chứ không chỉ Thụy Sĩ”. Nhờ Remarque và cuốn tiểu thuyết hay bậc nhất về người lưu vong là Bản du ca cuối cùng của loài người không còn đất sống, tôi biết có một bản danh sách khác bên cạnh Bản danh sách của Shindler  (phim nổi tiếng về thời phát xít Đức tàn sát người Do Thái). Đó là bản danh sách mà Kern- chàng trai Đức bị quê hương ruồng bỏ vì có cha người Do Thái được một kẻ lưu vong khác trao tặng. Địa chỉ những người gốc Do Thái ở châu Âu có thể gõ cửa xin trợ giúp trên hành trình lưu vong tìm đất sống. Khi không còn gia đình, không còn quê hương, chỉ tình người mới cứu rỗi, gắn kết và sưởi ấm lại những trái tim đã lạnh nhịp sống.

Tôi không phải người lưu vong nhưng một di dân thời nay cũng phần nào thấu hiểu cảm giác cô độc khi xa vắng gia đình gốc của mình trong thời điểm Tết cổ truyền đến- những ngày thường ở châu Âu. May mắn trên tay tôi lúc này cũng có một bản danh sách. Đó là danh sách những thứ cần mua cho bữa tiệc mấy gia đình gốc Việt ở Pháp và Bỉ tụ lại đón năm mới cùng nhau. Nấm hương, mộc nhĩ, miến dong, giá đỗ, su hào, bánh tráng, nước mắm... Đã nghe như không khí Tết quê nhà ùa về. Không phải một đại gia đình đúng nghĩa, nhưng món ăn ngày Tết gắn kết chúng tôi thành một đại gia đình “thời vụ” ngày Tết cổ truyền nơi xứ xa.

Ngoài cửa sổ mưa tuyết lại rơi êm êm. Trong chảo vỏ nem rán đã giòn óng mỡ. Những năm của thời bao cấp tôi từng trải qua luôn là chờ đến Tết mới được ăn nem rán. Đôi mắt người bạn nghèo ở quê hiện lên ám ảnh tôi trên những bọt mỡ sủi lăn tăn. Đứa bạn ấy đã nhìn chằm chằm vào chậu rửa bát của nhà tôi, ghen tị “sướng thật, ngày thường mà chậu rửa bát cũng nổi bọt mỡ, nhà mình phải đến Tết mới được nhờn tay như thế”. Lại ngồi bên này nhớ xuân xa xưa rồi. Lạ thật, tôi viết chuyện cũ để làm gì? Hemingway nói rồi đấy thôi. Khi nhấp ngụm cà phê trong quán xá Paris và đặt bút viết về Michigan, ông đã nghiệm ra rằng ngồi một nơi khác viết lại những gì đã xảy ra “là cách ta gieo trồng lại chính mình”.

MỚI - NÓNG
Mưa lớn gây ngập ở Hà Tĩnh
Mưa lớn gây ngập ở Hà Tĩnh
TPO - Mưa lớn kéo dài cùng nước từ thượng nguồn đổ về đã gây ngập úng, chia cắt giao thông một số khu vực ở Hà Tĩnh. Ngành chức năng địa phương đã xả tràn các hồ chứa để ứng phó mưa lũ có thể xảy ra.