Dừng hoạt động, chờ nâng cấp
Có mặt tại bến tàu du lịch sông Hồng tại khu vực Chương Dương Độ mới thấy được sự nhếch nhác, đìu hiu. Khu nhà chờ khách hoen gỉ nằm trơ trên bãi bồi không một bóng người. Nước sông cạn, nhiều nơi cỏ dại mọc um tùm. Con tàu chở khách được neo ở cầu cảng xuống cấp xập xệ, “mắc cạn” ở ngay cầu cảng. Liên hệ với phòng bán vé của đơn vị tổ chức tour, nhân viên ở đây cho biết, các tour trên sông Hồng đã dừng hoạt động để chờ nâng cấp tàu.
Tuyến du lịch sông Hồng do Cty CP Thăng Long GTC đầu tư và khai thác. Đội tàu có 3 chiếc, hoạt động từ năm 2002 đến nay vẫn giữ nguyên số lượng. Giá vé trung bình mỗi lượt khách trên tàu cho hành trình một ngày từ sáng đến chiều là 450.000 đồng/khách. Ông Nguyễn Thiên Ngọ, đại diện Cty Phương Nam Sun Travel, nhận định: Cảnh quan hai bên bờ sông chưa thực sự đẹp mắt, rác trôi dạt ở khắp nơi khiến du khách nước ngoài rất ít khi chọn tour du lịch sông Hồng làm điểm đến trong hành trình.
Theo ông Lưu Đức Kế, Giám đốc Cty Lữ hành Hanoitourist, đây là một trong những tour có nhiều nét đặc sắc, văn hóa làng nghề truyền thống như: làng gốm Bát Tràng, làng tranh Đông Hồ; các đền chùa: đền Dầm, đền Đại Lộ, đền Chử Đồng Tử… Tuy nhiên, tour không khiến các đơn vị lữ hành mặn mà bởi thiếu sự đầu tư đồng bộ. Tàu là loại hoán cải, rất ồn và thiếu an toàn. Bên cạnh đó, các biển chỉ dẫn không đảm bảo, xà lan, tàu chở cát hoạt động bát nháo cũng khiến du khách lo ngại.
Ông Phạm Chi Linh, Phó Chủ tịch UBND phường Chương Dương, cho biết, bến Chương Dương Độ đã dừng hoạt động mấy tháng nay do mực nước sông Hồng thấp, tàu không cập bến đón khách được. “Đây là điểm du lịch rất gần trung tâm thành phố, đáng lẽ cần có phương án cải tạo thu hút du lịch. Nhưng nay lại bỏ hoang rất lãng phí”, ông Linh nói.
Thiếu sự quan tâm đầu tư
Đại diện Sở GTVT Hà Nội cho biết, thực tế giấy phép khai thác bến tàu của Cty CP Thăng Long GTC hết hạn từ năm 2014. Không chỉ các tàu du lịch của Hà Nội, mà ngay cả những tàu du lịch của các địa phương khác đưa khách đến Hà Nội cũng không tìm được bến đỗ. Vị này khẳng định: Các thành phố như Đà Nẵng, TPHCM… đều phát triển đường thủy hơn hẳn Hà Nội. Vấn đề của Hà Nội là đang thiếu cảng, bến khách.
Ông Nguyễn Chí Thành, Giám đốc Xí nghiệp Đầu tư và Phát triển du lịch sông Hồng (Cty CP Thăng Long GTC), lý giải: Bến Chương Dương Độ vài năm gần đây đã bị bồi lấp cạn nên không được cấp phép nữa. Do đó, đơn vị đành chấp nhận “chạy chui” tại vùng nước trước chùa Bồ Đề (quận Long Biên). Đơn vị cũng đành chấp nhận chịu phạt, bởi dọc đoạn sông Hồng, sông Đuống qua Hà Nội chưa có bến cảng, bến thủy hành khách nào. Nếu dừng theo đúng phép thì tàu đắp chiếu, cán bộ nhân viên Cty cũng mất việc.
“Chúng tôi đang lên phương án xây dựng cầu cảng nối dài tại bến Chương Dương, đề nghị Sở GTVT cấp phép. Dự kiến tour sớm nhất sẽ khởi động vào đầu năm 2017”, ông Nguyễn Chí Thành nói.
Trao đổi với PV Tiền Phong, đại diện Sở Du lịch Hà Nội cho biết, thành phố đang tập trung xây dựng các sản phẩm du lịch mới để tạo sức hấp dẫn cho du khách trong và ngoài nước. Ngành du lịch Hà Nội đang kêu gọi nhà đầu tư chiến lược tham gia phát triển những điểm du lịch đặc trưng: Hồ Tây, sông Hồng, hai bên sông Hồng và một số khu vực tại huyện Đông Anh.
Thành phố cũng đang nghiên cứu triển khai Quy hoạch về phát triển tài nguyên du lịch ven sông Hồng. Đây sẽ là đồ án hướng tuyến cải tạo tổng thể, xây dựng mới khu dân cư hiện có, đồng bộ hạ tầng; từng bước hoàn thiện quy hoạch đô thị bên sông... Từ đó, phát triển du lịch sinh thái tại các bãi nổi, du lịch bên sông và quảng bá du lịch sông Hồng.
Tour du lịch sông Hồng hoạt động từ năm 2002, có 3 tàu chở khách. Trung bình mỗi năm tàu thu hút khoảng hơn 200 ngàn lượt khách, trong đó du khách nước ngoài chỉ chiếm 20%. Đại diện lãnh đạo một công ty lữ hành lớn tại Hà Nội cho biết, rất khó để giữ chân du khách khi đến Hà Nội. Nguyên nhân là cả chục năm nay không có sản phẩm du lịch mới, sản phẩm hiện có chủ yếu là các tour tham quan di tích lịch sử, đình chùa vốn đã quá quen thuộc.