Hơn 12 nghìn tỷ đồng để điều chỉnh lương hưu
Chất vấn Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ,TB&XH) tại Quốc hội chiều 10/11, đại biểu Lưu Thị Hương (Hà Giang) đặt vấn đề: Người nghỉ hưu trước năm 1995 đã cao tuổi và đang hưởng lương hưu thấp, chật vật, cuộc sống khó khăn hơn. Bộ giải quyết vấn đề này thế nào?
Bà Hương cũng nêu việc báo chí phản ánh hơn 20 nghìn người được phát nhầm tiền hỗ trợ ảnh hưởng do COVID-19: "Vậy bộ trưởng có nắm được vụ việc và xử lý như thế nào?"
Bộ trưởng Bộ LĐ, TB&XH Đào Ngọc Dung. Ảnh Nhật Minh |
Trả lời các câu hỏi trên, Bộ trưởng Dung cho biết, đang “rốt ráo” chuẩn bị và trong tháng 12 này, dự kiến Chính phủ sẽ quyết định việc điều chỉnh lương hưu với các nhóm đối tượng này.
Bộ cũng kiến nghị cho điều chỉnh sớm hơn, từ 1/1/2022 với mức điều chỉnh 7,4%. Tổng kinh phí để điều chỉnh lương hưu sẽ khoảng 12.000 tỷ đồng, trong đó bổ sung cho những người nghỉ hưu trước năm 1995 và những người có lương hưu chưa đạt 2,5 triệu đồng/tháng.
Về trường hợp thông tin phát nhầm chế độ hỗ trợ cho 22.900 người ở Bình Dương, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung “đính chính” rằng, con số nhầm không phải là 22.900 người. Ông Dung cho biết, sau khi có dư luận, ông đã điện thoại cho Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương và cử một Thứ trưởng của Bộ cùng đại diện Mặt trận Tổ quốc Trung ương vào làm việc.
Qua xác định chỉ khoảng 1.490 trường hợp nhận tiền hỗ trợ sai. “Đây là chính sách hỗ trợ người phải thuê trọ của tỉnh Bình Dương với mức 800.000 đồng/người. Chính Bình Dương đã phát hiện số lượng đăng ký lớn, đáng nghi ngờ và rà soát ra số lượng 22.900 hồ sơ trùng lặp, nhưng mới chỉ chi số tiền 1,6 tỷ đồng, đến nay đã hoàn trả đầy đủ", ông Dung thông tin.
Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung (Thái Bình) về việc hỗ trợ nghệ sỹ, trong đó có cả những người khá giả, Bộ trưởng Bộ LĐ, TB&XH cho biết, chính sách hỗ trợ là phù hợp. Tuy nhiên trong quá trình tổ chức thực hiện có một địa phương khi xét 33 trường hợp, có 3 trường có đời sống khá giả.
“Các em ấy là những người tài năng, có thu nhập tốt nên khi được nhận hỗ trợ thì dư luận không đồng tình. Nguyên nhân là khi xét duyệt đã bỏ quên yếu tố thứ 3 là “những người được nhận hỗ trợ phải có đời sống khó khăn””, ông Dung thông tin.
Hỗ trợ hơn 2.532 trẻ mồ côi do đại dịch
Theo đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương), đại dịch COVID-19 đã khiến một số lượng lớn trẻ em trở thành mồ côi, tạo áp lực lớn cho hệ thống bảo trợ xã hội. “Bộ trưởng có giải pháp gì để bảo đảm việc chăm sóc và nuôi dưỡng các trẻ em mồ côi?”, bà Nga nêu câu hỏi.
Trả lời, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, ở Việt Nam có 2.532 cháu bị mồ côi, trong đó có 81 cháu mồ côi cả cha lẫn mẹ. Thời gian qua, Bộ đã có nhiều chính sách để hỗ trợ, đặc biệt là tham mưu để ban hành Nghị định 20, trong đó quy định rõ về bảo trợ trẻ em, trong đó có trẻ em mồ côi. Mức hỗ trợ 1,8 triệu đồng/tháng là tương đối tốt.
Ngoài hỗ trợ của nhà nước, các tổ chức xã hội cũng đã chung tay hỗ trợ với nguồn lực tương đối. Trong đó, quỹ bảo trợ trẻ em tặng tiền mặt 5 triệu đồng cho các em, riêng trẻ em mồ côi cả cha và mẹ thì được hỗ trợ một sổ tiết kiệm 20 triệu đồng.
Bộ cũng đang vận động để tất cả các cháu có gia đình, sống với người thân. Trường hợp không có người thân thì sẽ vận động để có người đỡ đầu. Trường hợp không có thì mới đưa vào các trung tâm bảo trợ.
“Phương châm của chúng tôi là các cháu cần được sống với người thân. Hiện 81 cháu mồ côi cả cha lẫn mẹ hiện vẫn đang sống với người thân. Chúng tôi vận động các gia đình để cho các cháu sống với người thân là tốt nhất”, ông Dung nói.