Du học sinh Việt tại sự kiện hóa học lớn nhất Mỹ

Hội chợ thiết bị hóa học bên lề hội thảo ACS. Ảnh : Vương Linh
Hội chợ thiết bị hóa học bên lề hội thảo ACS. Ảnh : Vương Linh
TP - Lê Nguyễn Vương Linh (SN 1995), cựu học sinh trường Hà Nội - Amsterdam, là người giành học bổng toàn phần 62.000 USD/năm của trường ĐH Colgate (New York, Mỹ). Mới là sinh viên năm thứ hai, Linh đã vinh dự cùng nhóm nghiên cứu của mình đại diện cho ĐH Colgate tham dự Hội thảo toàn quốc lần thứ 251 của Hiệp hội Hóa học Mỹ (American Chemical Society - ACS) vào tháng 3. 

Dưới đây là bài viết của Lê Nguyễn Vương Linh vừa gửi về cho Tiền Phong.

Hội thảo toàn quốc lần thứ 251 của ACS (thành lập năm 1876) diễn ra tại thành phố San Diego từ 13-17/3/2016 với sự tham dự của nhiều chuyên gia uy tín trên khắp thế giới. Với chủ đề “Máy tính trong Hóa học”, hội thảo đã mang đến nhiều công trình nghiên cứu đáng chú ý về tính ứng dụng cao của các phần mềm trong hóa học. Đoàn chúng tôi bao gồm 3 sinh viên và 4 giáo sư đại diện đại học Colgate (bang New York, Mỹ) tham gia hội thảo lần này. Hội thảo lần này có hơn 16.000 người tham dự, công bố 12.530 công trình nghiên cứu trong 32 lĩnh vực của ACS.

Tôi vinh dự được đại diện nhóm nghiên cứu của giáo sư Anthony Chianese thuộc Đại học Colgate dự hội thảo lần này, cùng 2 sinh viên khác của trường. Đến với hội thảo, chúng tôi hồi hộp và cũng rất lo lắng vì đây là lần đầu tiên tham dự một sự kiện tầm cỡ lớn như ACS. Đặc biệt, trong khi đa phần sinh viên tham gia hội thảo là nghiên cứu sinh cao học hay sinh viên năm 3 hoặc 4, tôi mới chỉ học năm thứ 2 đại học nên trải nghiệm này càng thêm phần mới mẻ đối với tôi.

Chúng tôi đến với hội thảo ACS không chỉ với mục đích học hỏi mà còn để chia sẻ nghiên cứu của nhóm với học giả toàn quốc cũng như quốc tế. Cả ba sinh viên trường Colgate đều tham dự buổi thuyết trình poster tại hội thảo để chia sẻ nghiên cứu của mình. Tôi cùng các bạn trình bày về đề tài “Chất xúc tác dựa trên kim loại ruthenium trong phản ứng hydro hóa các hợp chất ester” dưới sự tổ chức của ban Hóa học Vô cơ thuộc ACS. 

Tuy đã làm việc trong phòng thí nghiệm gần hai năm dưới sự dẫn dắt của giáo sư Anthony Chianese, bắt đầu từ tháng 9 năm 2014 khi tôi vừa bước vào trường Colgate, tôi vẫn không khỏi lo lắng về việc giới thiệu công trình của mình. Thế nhưng, poster của chúng tôi được nhiều sinh viên cũng như các nhà khoa học khác chú ý. Đặc biệt, giáo sư Faraj Hasanayn tại Đại học Mỹ tại Beirut (American University of Beirut) đã chia sẻ với chúng tôi bài viết của ông về một phản ứng tương tự và đề xuất một cơ chế phản ứng khác. Đây quả là một cơ hội hiếm có để học hỏi thêm về những vấn đề tưởng chừng như đã quen thuộc với chúng tôi.

Nơi tụ hội các giải thưởng Nobel hóa học

Trung tâm Hội nghị San Diego, với diện tích 240.000 m2, được chọn là địa điểm chính của hội thảo. Đại biểu không những đến từ khắp nơi trên nước Mỹ mà còn từ nhiều quốc gia khác như Đức, Bỉ, Nam Phi, Singapore hay Nepal.

Hội thảo ACS cũng là nơi tụ họp của nhiều nhà hóa học từng đoạt giải Nobel. Năm nay, tham dự hội thảo có giáo sư Robert Grubbs thuộc Đại học Kỹ thuật California (California Institute of Technology), người được giải Nobel năm 2005 về phản ứng trao đổi alkene (alkene metathesis) và nhà phát minh ra chất xúc tác Grubbs được sử dụng rộng rãi trong tổng hợp hữu cơ. Đến từ Đại học California, San Diego (University of California, San Diego) là giáo sư gốc Hoa Roger Tsien, người giành giải Nobel năm 2008 cho việc phát hiện ra protein phát quang trong một số loài sứa, một công trình đem tới nhiều ứng dụng trong việc theo dõi các chu trình trong tế bào.

Năm nay, với chủ đề “Máy tính và Hóa học”, hội thảo cho thấy những ảnh hưởng quan trọng của tin học trong nghiên cứu. Phần lớn các nghiên cứu sử dụng lí thuyết phiếm hàm mật độ (Density Functional Theory – DFT) trong tính toán về hóa học lượng tử để giải thích sức bền của các chất hay kết quả của phản ứng hóa học. Trong bài thuyết trình của mình,  giáo sư Emily Carter thuộc Đại học Princeton (Princeton University) đã chứng minh sức mạnh của tin học trong hóa học. Bà sử dụng phương pháp DFT để tìm ra vật liệu tối ưu cho lò phản ứng nhiệt hạch, cũng như khai thác hợp chất tiềm năng cho pin mặt trời.

Ngoài ra, hội thảo ACS còn đem tới những nghiên cứu khác mang tính đột phá trong công nghiệp hóa học.

“Hội chợ” cao học

Ngoài ra, đây cũng là nơi gặp gỡ và trao đổi của nhiều đồng nghiệp cũng như sinh viên trong ngành. Đối với sinh viên đại học, đây là nơi tìm hiểu thêm về nghiên cứu của các giáo sư đến từ nhiều trường đại học khác, một điều đặc biệt quan trọng đối với những sinh viên năm cuối đang phân vân giữa những lời mời từ các trường cao học. Nhiều sinh viên tìm đến hội thảo để gặp gỡ đồng nghiệp tương lai khi theo học tiến sĩ, hay đơn giản để tìm hiểu tính cách của giáo sư mà họ sẽ làm việc cùng trong 5-6 năm tới.

Du học sinh Việt tại sự kiện hóa học lớn nhất Mỹ ảnh 1

Tác giả bên poster về đề tài “Chất xúc tác dựa trên kim loại ruthenium trong phản ứng hydro hóa các hợp chất ester” trình bày tại hội thảo.

ACS có rất nhiều chương trình hướng tới sinh viên đại học năm 2 và 3, những người sẽ nộp đơn vào các chương trình thạc sĩ và tiến sĩ trong những năm tới. Tôi được tham dự hội chợ cao học tại khách sạn Marriott Marquis, nơi hội tụ nhân viên tuyển sinh từ nhiều trường đại học lớn như Đại học Columbia (Columbia University) hay Đại học Pennsylvania (University of Pennsylvania). Tại đây, sinh viên có cơ hội tìm hiểu thêm về chương trình đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ, cũng như những yêu cầu đăng kí và môi trường sinh sống.

Tại hội chợ, nhiều công ty sản xuất thiết bị khoa học trưng bày sản phẩm của mình, trong khi các nhà xuất bản tận dụng cơ hội để quảng bá sách giáo khoa và sách tham khảo hóa học. Các công ty đều trưng bày những sản phẩm hiện đại nhất.

Năm 2007, Linh cùng 4 học sinh lớp 6 khác đã khiến cộng đồng dậy sóng khi giải ngon lành đề thi Đại học môn Toán khối B do Tiền Phong Online tổ chức, Linh đạt 7,75/10 điểm.

MỚI - NÓNG