Du học sinh bỏ học, bị gạ tình khi làm thêm

Nữ sinh viên làm việc tại quán rượu ở Trung Quốc, nhiều khi phải nghe những lời khiếm nhã của khách hàng nam. Ảnh minh họa: Chinanews.
Nữ sinh viên làm việc tại quán rượu ở Trung Quốc, nhiều khi phải nghe những lời khiếm nhã của khách hàng nam. Ảnh minh họa: Chinanews.
"Biết mình cần tiền nên ông ta săn đón bằng được, rồi hứa hẹn sẽ có thù lao và tiền bo nếu biết nghe lời", Phương Linh kể lại câu chuyện dở khóc cười khi xin việc làm thêm.

Bên cạnh những du học sinh có điều kiện kinh tế hoặc giành được học bổng toàn phần, không ít bạn trẻ ra nước ngoài học tập với nguồn tài chính eo hẹp. Vì lý do nhỏ như thiếu tiền học lại hay cần tiền đi chơi, họ sẵn sàng kiếm việc làm thêm với những rủi ro không báo trước.

Bị quấy rối khi đi xin việc

Vì không theo kịp chương trình học, Nguyễn Phương Linh, sinh viên năm ba Shanghai Dianji University (Thượng Hải, Trung Quốc) phải nộp khoản tiền lớn để học lại. Nữ sinh giấu gia đình đi tìm việc làm thêm để trang trải học phí.

Xin làm bồi bàn hay lễ tân đều bị từ chối vì không đủ chiều cao, cuối cùng, Phương Linh được bạn bè giới thiệu đến ông chủ nhà hàng đang cần thuê người phiên dịch tiếng Việt.

Những tưởng sắp kiếm được việc đúng chuyên môn, nhưng khi đến nơi, nữ sinh mới biết ông chủ trung niên đã bỏ vợ. Mới gặp Phương Linh, nhưng ông ta nói thẳng: "Em khỏi phải làm gì, cho anh ôm một cái...".

Tá hỏa bỏ chạy về phòng, những ngày sau đó, nữ sinh vẫn nhận thêm những tin nhắn gạ gẫm từ gã đàn ông lạ. "Biết mình cần tiền nên ông ta săn đón bằng được, rồi hứa hẹn sẽ có thù lao và tiền bo nếu nghe lời", Phương Linh kể lại sự việc.

Qua tìm hiểu, đây không phải du học sinh duy nhất lọt vào mắt những kẻ "chăn gà" tại Trung Quốc. Trong những ngày bỡ ngỡ tìm việc làm thêm ở xứ người, Hà Anh (Đại học Y Quảng Tây) cũng gặp phải ông chủ thích... thân mật cùng nhân viên.

Cô kể lại: "Ông ấy dẫn mình ra biển chơi đến tối muộn rồi lấy cớ không kịp về nhà để dựng lều ngủ ngoài biển". Đang ngủ, có bàn tay luồn vào hông, Hà Anh hoảng sợ vùng chạy rồi gọi điện nhờ bạn bè đến cứu.

Điểm chung của những trường hợp trên là nữ sinh thường gặp phải kẻ xấu từ chính những lời giới thiệu của người thân quen. Thậm chí, trong trường hợp của Hà Anh, ông chủ còn là người quen được gia đình cô giới thiệu.

Bỏ học vì mải làm thêm

Nguyễn Long, sinh viên Đại học Paris VIII, Pháp, kể, một số người bạn cùng phòng làm thêm đủ nghề để trang trải sinh hoạt phí, từ bưng bê ở quán đồ ăn nhanh, đến làm thuê trong nhà hàng. Gần kỳ thi, họ không biết sắp xếp thời gian học và làm hợp lý, dẫn tới kết quả kém, có nguy cơ không được học tiếp.

Còn Lê Ngọc Vinh, Chủ tịch Hội sinh viên Việt Nam tại Adelaide (Australia), chia sẻ, từng có du học sinh Việt làm thêm đủ nghề ở xứ chuột túi. Có chút tiền, họ đua đòi đi bar, bỏ bê học hành và không qua được các kỳ thi, phải về nước.

Theo Phạm Nguyễn Đăng Trình, sinh viên Đại học Fullerton (bang California, Mỹ), du học sinh làm thêm chểnh mảng việc học là câu chuyện xảy ra nhiều ở Mỹ.

"Có những bạn tìm cơ hội đi làm bên ngoài (không hợp pháp theo Luật di trú) và xem nhẹ học hành. Lý do có thể là hoàn cảnh kinh tế gia đình, hoặc do đua đòi theo những nhóm bạn bè xấu", Đăng Trình chia sẻ.

Ở Mỹ, có hai loại việc làm bất hợp pháp nhưng nhiều du học sinh làm là bồi bàn trong nhà hàng, và làm nail (vẽ móng tay). Những công việc này thường được trả bằng tiền mặt nhưng không hợp pháp theo Luật di trú của Mỹ.

Sinh viên được làm việc bán thời gian trong trường dưới 20 tiếng một tuần. Tuy nhiên, với một số bạn trẻ, công việc này không đủ đáp ứng nhu cầu chi tiêu của họ, dẫn đến việc làm "chui" ở ngoài trường.

"Theo mình, làm thêm trong lúc đi học là điều đáng hoan nghênh. Tuy nhiên, sẽ tốt hơn nếu chúng ta chọn những công việc phù hợp với lĩnh vực đang học, vì nó sẽ là bước đệm xây dựng kinh nghiệm cho tương lai".

Đăng Trình cho biết, những việc lương cao cũng có thể là cái bẫy với du học sinh. Nam sinh đã chứng kiến nhiều bạn bè đồng hương vì mải làm thêm ở nhà hàng, tiệm nail mà không cân bằng được việc học. Tệ hơn, họ còn tự đánh mất những hoài bão, dự định to lớn của bản thân vì cái lợi nhỏ trước mắt.

9X từng phát biểu trước hàng trăm nghị sĩ Mỹ này khuyên, để tránh rủi ro, du học sinh nên đến các trung tâm tư vấn nghề nghiệp để nhờ những người có kinh nghiệm hướng dẫn, cũng như học hỏi kinh nghiệm của những người đi trước.

* Tên nhân vật nữ đã thay đổi.

Theo Theo Zing
MỚI - NÓNG
Ninh Bình có tân Giám đốc Công an
Ninh Bình có tân Giám đốc Công an
TPO - Chiều 4/11, Cục Tổ chức cán bộ, Bộ Công an đã công bố quyết định điều động, bổ nhiệm Đại tá Đinh Việt Dũng, Phó Cục trưởng Cục An ninh nội địa, Bộ Công an làm Giám đốc Công an tỉnh Ninh Bình, kể từ ngày 6/11.