Đây là những nội dung được các chuyên gia kinh tế bàn thảo tại tọa đàm Áp lực lạm phát năm 2022 và đề xuất chính sách, do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức ngày 16/9.
TS. Nguyễn Quốc Việt - Phó Viện trưởng VEPR - nhận định, lạm phát hiện chưa phải là vấn đề quá lớn, nhưng áp lực đã rõ hơn và sẽ tiếp tục kéo dài trong những tháng cuối năm.
Các chuyên gia tham dự tọa đàm (Ảnh: Việt Linh). |
Căng thẳng chính trị tại Ukraine vẫn là nguy cơ lớn nhất đối với lạm phát và giá cả hàng hóa của Việt Nam. Xu hướng thắt chặt tiền tệ toàn cầu có thể giúp giảm nhẹ áp lực lạm phát từ bên ngoài. Chính sách Zero COVID tại Trung Quốc kéo dài sẽ làm trầm trọng thêm vấn đề lạm phát toàn cầu.
Tuy nhiên, ông Việt cho rằng, áp lực lạm phát dự báo có thể giảm bớt trong các tháng cuối năm nếu giá dầu và giá lương thực thế giới giảm, tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu được cải thiện.
Từ đánh giá tác động của các yếu tố cả trong và ngoài nước, ông Việt dự báo, lạm phát trong nước năm 2022 sẽ ở mức 3,5-3,8% so với năm 2021.
TS. Cấn Văn Lực - chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV - cho rằng, từ nay đến cuối năm, lạm phát từng tháng sẽ tăng lên. Dự báo năm 2023, áp lực lạm phát sẽ còn lớn hơn (4-4,5%) tạo áp lực cho tăng trưởng kinh tế. Năm 2022, ông Lực dự báo, năm 2022 tăng trưởng GDP khoảng 7-7,5%, nhưng năm sau sẽ là 6,5-7%.
"Trong năm tới, kinh tế Việt Nam sẽ gặp nhiều thách thức hơn khi tăng trưởng kinh tế thế giới chậm lại, tác động tới hoạt động xuất khẩu và đầu tư", ông Lực phân tích.
Các chuyên gia dự báo tăng trưởng kinh tế lạc quan trong năm 2022. |
Theo chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh, tăng trưởng kinh tế năm nay sẽ vượt 6,5%. Trong khi đó, nhiều tổ chức quốc tế đã dự báo tăng trưởng của Việt Nam ở mức 7-7,5%.
Về khuyến nghị, bên cạnh duy trì sự ổn định và giảm áp lực lạm phát, chuyên gia cho rằng, dư địa cho điều chỉnh chính sách vẫn còn, nên vẫn có thể mạnh dạn hơn trong việc thực hiện chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, đầu tư công. Đây là nền tảng phục hồi và ổn định trong những năm tiếp theo.
“Cần tháo gỡ những rào cản, khó khăn vướng mắc của môi trường kinh doanh, tạo sự bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, các loại hình doanh nghiệp để họ tăng cường hợp tác, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu và khai thác các thế mạnh từ các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã tham gia”, TS Nguyễn Quốc Việt đề xuất.