Dự báo hay dự đoán?

Dự báo hay dự đoán?
TP - Các tỉnh miền Bắc đã thoát nguy cơ tái ngập! Lượng mưa đo được tính đến chiều tối 7/11 phổ biến ở mức 10-50 mm, chứ không đến mức 100-200 mm như dự báo trước đó.
Dự báo hay dự đoán? ảnh 1
Trận lũ lịch sử tại Hà Nội đã khiến cho xe cứu hộ giao thông cũng có lúc phải được... cứu hộ - Ảnh: Phan Kiền

Những thông tin này được ông Bùi Minh Tăng - Giám đốc Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn (TTDBKTTV) T.Ư đưa ra trong buổi họp giao ban trực tuyến, do Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng chủ trì, nhằm đối phó với cơn bão số 9.

Khi nhận được thông tin này, không chỉ người dân Hà Nội, mà hàng vạn gia đình các tỉnh miền Bắc đang nín thở mấy ngày qua vì sợ cảnh Hà Nội tái ngập, đã thở phào nhẹ nhõm. Thế nhưng, điều khiến nhiều người dân bức xúc lại cũng bắt đầu từ chính những thông tin đó, khi mà diễn biến thời tiết đã thêm một lần nữa không như dự báo.

Trước đó, trong các bản tin trước ngày 30/10, Trung tâm dự báo KTTV T.Ư phát đi thông tin: Khu vực Hà Nội và các tỉnh phía Bắc có mưa, mưa vừa và có nơi có giông.

Thế nhưng, thực tế xảy ra lại hoàn toàn khác, khi mà tổng lượng mưa tính đến chiều 1/11 ở khu vực Hà Nội phổ biến từ 350 - 550 mm, một số điểm lớn hơn như huyện Ứng Hòa: 603 mm, TP Hà Đông: 707 mm, huyện Thanh Oai: 914 mm.

Dự báo hay dự đoán? ảnh 2

Riêng tại khu vực Hà Nội (cũ), đây là đợt mưa lớn nhất kể từ đợt mưa lịch sử tháng 11/1984. Tại khu vực Hà Tây (cũ), đây cũng là đợt mưa lớn chưa từng xảy ra kể từ khi có quan trắc khí tượng đến nay (khoảng gần 100 năm).

Sau đợt lụt thứ nhất (tạm tính từ ngày 30/10 đến 4/11), Trung tâm dự báo KTTV T.Ư lại phát đi bản tin: Từ tối 6/11 đến 12/11, các tỉnh Bắc Bộ sẽ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to, lượng mưa phổ biến 50 - 100mm, có nơi 200 mm.

Thế nhưng, thực tế  ra sao thì giờ đã quá rõ. Ngày hôm qua, cuối thu nắng hanh vàng. Hà Nội tuyệt đẹp và nên thơ trong gió đầu mùa.

Còn nhớ, khi lăn lộn trong các vùng ngập lụt để phản ánh những thông tin chân thực nhất đến bạn đọc cả nước về khó khăn, vất vả và những mất mát to lớn (tính mạng và tài sản) của nhân dân, các PV báo Tiền phong ghi nhận nhiều ý kiến của người dân xung quanh công tác dự báo thời tiết.

Họ “đau đầu” không chỉ vì lũ to, nước lớn mà chính là vì họ đã bị đẩy vào thế bị động trước những diễn biến bất thường của thiên tai mà ngành KTTV đã thông tin thiếu chính xác.

Có người đã phải thốt lên: “Không biết người ta dự báo hay dự đoán thời tiết?”. Họ đã phải gánh chịu những hậu quả nặng nề, có thứ có thể bù đắp nay mai nhưng có những thứ đã mất đi vĩnh viễn. Và họ sẽ còn tiếp tục “đau đầu” dự đoán khi nghe dự báo thời tiết đến bao giờ?

Từ nỗi lo đó, ngay trong cuộc họp giao ban trực tuyến, dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Chính Phủ Nguyễn Sinh Hùng và Bộ trưởng NN&PTNT, Trưởng Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão T.Ư Cao Đức Phát, lãnh đạo nhiều địa phương đã đề nghị cơ quan KTTV cần thông tin chính xác, cụ thể hơn nữa diễn biến thời tiết, mà trước mắt là cơn bão số 9 đang đến gần.

Chung mối quan tâm đó, Phó Thủ tướng đã chỉ đạo: “Bản tin dự báo thời tiết phải thật cụ thể, dễ hiểu để người dân nắm được và ứng phó với bão một cách hiệu quả nhất”.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu lãnh đạo các địa phương, bộ, ngành sẽ thực hiện phòng chống bão với quyết tâm cao nhất, để làm tròn trách nhiệm đối với tính mạng của nhân dân, đối với tài sản của nhân dân, doanh nghiệp và của Nhà nước.

Hy vọng, ngành KTTV cũng sẽ thấm nhuần tinh thần chỉ đạo đó, để người dân chủ động đối phó mỗi khi thiên tai xảy ra, hạn chế thấp nhất thiệt hại...

Đành rằng cho dù là trên thông thiên văn, dưới tường địa lý, nhưng cơ trời là vô tận, thì dự báo thời tiết không thể chính xác cao là điều dễ hiểu. Tuy vậy, người dân, đặc biệt là người dân trong diện nguy cơ cao, vẫn mong đợi ngành KTTV của chúng ta làm tốt hơn nữa.

MỚI - NÓNG