Dự án VnSAT trồng cây cà phê cảnh quan thích ứng với biến đổi khí hậu

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Nhằm duy trì năng suất, chất lượng, Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam (VnSAT) đã quan tâm và hỗ trợ phát triển mô hình cà phê cảnh quan thích ứng biến đổi khí hậu. Đây cũng là nền tảng để ngành hàng cà phê giữ vững vị thế vốn có và hội nhập quốc tế sâu rộng hơn.

Sản xuất cà phê ở Việt Nam nói chung và Tây Nguyên nói riêng đã và đang chịu tác động bất lợi của biến đổi khí hậu có nguy cơ thiếu tính bền vững. Hệ thống giải pháp kỹ thuật canh tác thích ứng BĐKH gồm: khâu sử dụng giống chống chịu với điều kiện bất thuận, sâu bệnh hại; bón phân cân đối; đa dạng hóa sản phẩm thu hoạch trên vườn; tưới tiết kiệm; áp dụng IPM trong quản lý sâu bệnh hại...

Duy trì năng suất, chất lượng là vấn đề cần được Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam (VnSAT) quan tâm, từ đó hình thành nên mô hình cà phê cảnh quan thích ứng biến đổi khí hậu. Đây cũng là nền tảng để ngành hàng cà phê giữ vững vị thế vốn có và hội nhập quốc tế sâu rộng hơn.

Cà phê Việt Nam trước biến đổi khí hậu

BĐKH làm tăng nguy cơ thiếu hụt nước tưới cho cà phê, ảnh hưởng đến sinh trưởng, năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế. Theo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, liên tiếp trong hai mùa khô 2016 - 2017 đã có hơn 696 nghìn ha cà phê vùng Tây Nguyên và Đông Nam Bộ bị thiệt hại.

Dự án VnSAT trồng cây cà phê cảnh quan thích ứng với biến đổi khí hậu ảnh 1

Nhiều vườn cà phê ở Đắk Lắk gặp hạn hán thiệt hại nặng những năm gần đây

Đáng chú ý, trong số 116 nghìn ha cà phê bị hư hỏng trong mùa khô 2016, có tới 6.854 ha bị mất trắng. Mùa khô năm 2017, ngay trong các tháng 1 và 2, hầu hết các vườn cà phê đã phải nhận những cơn mưa trái mùa, với lượng mưa từ 5 đến 20 mm, làm cho hơn 580 nghìn ha cà phê bung hoa sớm, chiếm từ 15 đến 20% tổng số hoa của vụ, trong đó 50 đến 70% số hoa bị hư hỏng, không đậu quả.

Sự thay đổi về thời tiết còn kéo theo sâu hại phát triển nhanh và khó dự báo. Rệp sáp hại cà phê đã thành dịch vào những năm 2000 - 2003, bệnh vàng lá do tuyến trùng và nấm (2000 - 2004), ve sầu hại rễ (2007 - 2009), bọ xít muỗi gây hại cà phê chè ở Lâm Đồng (2016 - 2017) làm thiệt hại đến năng suất, chất lượng sản phẩm đáng kể.

Sự nóng lên do bức xạ nhiệt tăng thì nhu cầu nước của cây cà phê cũng tăng lên. Vì vậy yêu cầu về lượng nước tưới sẽ tăng trong bối cảnh nguồn tài nguyên nước ngày càng cạn kiệt do ảnh hưởng của BĐKH. Chi phí đầu tư để thu được 1 đơn vị sản phẩm tăng, đồng nghĩa với thu nhập giảm và đời sống của hàng triệu nông dân trồng cà phê ngày càng khó khăn hơn.

Dự án VnSAT trồng cà phê cảnh quan thích ứng khô hạn

Đối mặt với những thách thức của ngành cà phê trước diễn biến bất thường của thời tiết, Dự án VnSAT được vận hành bởi Ban quản lý các dự án nông nghiệp (Bộ NN&PTNT) đã nghiên cứu và xây dựng thành công mô hình Cà phê cảnh quan thích ứng biến đổi khí hậu với diện tích hơn 200.000 ha tại 5 tỉnh Tây Nguyên (Lâm Đồng, Đắk Lắk, Gia Lai, Kom Tum, Đắk Nông).

Dự án VnSAT trồng cây cà phê cảnh quan thích ứng với biến đổi khí hậu ảnh 2

Vườn cà phê trồng theo mô hình cảnh quan cà phê của dự án VnSAT

Cà phê cảnh quan lấy cây cà phê làm chủ đạo, thiết kế trồng xen các loại cây che nắng, chắn gió, cây thảm phủ, cây làm đai cách ly, giúp vườn cà phê đẹp hơn, phát triển tốt hơn trong các điều kiện thời tiết bất lợi. Quan trọng hơn thu nhập của các gia đình đã được cải thiện từ các cây trồng trong vườn như: hồ tiêu, mắc ca, bơ, mít…

Ông Trần Hữu Trung - Giám đốc HTX Nông nghiệp Dịch vụ Tân Phú Nông, xã Đắk Nia (TP Gia Nghĩa, Đắk Nông) cho biết, đơn vị có hơn 100 ha cà phê trồng theo hướng cà phê cảnh quan. Thời gian qua, đã có những đoàn chuyên gia của dự án VnSAT đến HTX khảo sát để hỗ trợ xây dựng mô hình cà phê cảnh quan bền vững kết hợp du lịch.

“Nếu áp dụng theo mô hình cà phê cảnh quan, HTX có lợi thế vì cà phê của đơn vị đang trồng theo mô hình xen tiêu, xen cây ăn quả. Đặc biệt, cà phê cảnh quan phát triển theo mô hình 3 tầng, trong đó thảm thực vật là cỏ đơn vị đang nuôi dưỡng rất tốt. Cà phê của các thành viên HTX không sử dụng thuốc BVTV, phân bón hóa học mà sử dụng phân bón từ đạm cá, đậu nành… Qua đó, giúp các thành viên HTX tiết kiệm chi phí đầu tư, cây phát triển tốt, cho năng suất cao”, ông Trung nói.

Tham gia chương trình, nông dân không những được hỗ trợ kinh phí mà còn được hướng dẫn những kỹ thuật canh tác mới. Từ đó, giúp cây cà phê, cây trồng xen phát triển tốt, thu nhập cao hơn 30 triệu đồng/ha so với các vùng khác.

Trong báo cáo tại hội nghị đánh giá chương trình cà phê cảnh quan mới đây, mô hình đã góp phần giảm 14% lượng phân bón hóa học được sử dụng và giảm 17% lượng nước tưới trong sản xuất cà phê; giảm 11% chi phí sản xuất và giảm 10% lượng CO2 phát thải ra môi trường. 100% lượng cà phê sản xuất trong vùng thí điểm được thu mua với mức giá cao hơn giá thị trường.

MỚI - NÓNG