Dự án sân bay Long Thành: Nhiều vấn đề chưa được làm rõ

TP - Nhiều câu hỏi “nóng” của báo chí về dự án Cảng hàng không (gọi tắt là sân bay) quốc tế Long Thành chưa được lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải và các đơn vị có liên quan trả lời một cách thỏa đáng; hoặc trả lời với vai trò của một… cử tri.
Dự án sân bay Long Thành: Nhiều vấn đề chưa được làm rõ ảnh 1

Máy bay lên xuống tại sân bay Tân Sơn Nhất. Ảnh: Công Nhật

Ngày 16/10, tại TPHCM, Bộ GTVT tổ chức thông tin về dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành và mời báo chí thị sát thực tế tại sân bay Tân Sơn Nhất (TSN), địa điểm dự kiến xây dựng sân bay Long Thành.

Tân Sơn Nhất: bầu trời, mặt đất sắp nghẽn

Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường, sân bay TSN đảm nhận khối lượng hàng hóa chiếm đến 46% cả nước. Theo quy hoạch đến năm 2017 sân bay này sẽ đạt công suất thiết kế là 25 triệu khách/năm. Riêng năm 2014, dự kiến TSN sẽ đạt 22 triệu khách/năm.

Trước khi quyết định triển khai dự án sân bay Long Thành, Bộ GTVT đã tính mở rộng sân bay TSN. Ưu điểm duy nhất của việc mở rộng sân bay TSN là gần trung tâm. TSN nằm hoàn toàn trong nội ô TPHCM, dân cư đông đúc, mở rộng sẽ không đảm bảo về môi trường, sinh thái, tiếng ồn, giao thông tiếp cận hầu như không có mà duy nhất chỉ có đường nội đô nên sẽ không giải quyết được vấn đề giao thông khi sản lượng khách đạt đến 50 triệu khách/năm.

“Nhược điểm lớn nhất là mở rộng TSN phải giải phóng mặt bằng. Sân bay Biên Hòa nhỏ, chỉ cách TPHCM 30 km nên cũng không giải quyết được hạn chế của sân bay TSN” – ông Trường nói.

Vì sao không nâng cấp nhà ga nội địa để nâng công suất khai thác sân bay TSN? Ông Nguyễn Nguyên Hùng, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam nói để khai thác một sân bay thì phải đồng bộ về công suất trên không, mặt đất, sân đỗ, nhà ga hành khách, hàng hóa, đường giao thông…

Với số lượng vốn vay khổng lồ, phương án trả nợ như thế nào? Trả lời câu hỏi này của Tiền Phong, ông Nguyễn Nguyên Hùng cho biết dự án đang ở giai đoạn nghiên cứu tiền khả thi, đang xin chủ trương nên chưa có phương án này.

“Hai đường hạ/cất cánh sân bay TSN gần nhau, mỗi năm chỉ đáp ứng tối đa 188 nghìn lần hạ/cất cánh. Năm nay chắc chắn đã đạt 160 nghìn lần, nâng lên nữa thì đối mặt với vấn đề an toàn. Nhà ga quốc tế xây dựng hai quy trình đi và đến riêng biệt, đảm bảo khai thác tối đa công suất. Nhà ga nội địa không làm được. Muốn làm như bên quốc tế thì phải đập bỏ xây mới. Mà, quỹ đất để xây thì không còn, trong khi hàng năm TSN phải đón khoảng 12 triệu khách nội địa/năm” - ông Hùng nói.

Theo Cục trưởng Cục Hàng không Lại Xuân Thanh, TSN hiện nay đang trong quá trình mở rộng. Bộ trưởng Quốc phòng, GTVT đã trực tiếp kiểm tra thực địa, tính đến việc dành một số diện tích đất quốc phòng phục vụ cho dân dụng. Nâng công suất lên 25 triệu khách/năm ở phần mặt đất, nhà ga, bãi đỗ đã khó, về sau có thể có giải pháp nhưng TSN hiện nay đang tắc nghẽn nhất chính là đường hạ/cất cánh, vùng trời sân bay.

“Hai đường hạ cất cánh của TSN, theo tính toán của chúng tôi không đạt công suất khai thác 1 cộng 1 bằng 2 mà chỉ tối đa bằng 1,2. Vùng trời giờ cao điểm tối đa chỉ đáp ứng 29 chuyến. Điểm tắc nghẽn của toàn bộ hệ thống không ở nhà ga mà ở vùng trời. Không quân đã tạo điều kiện hết mức cho dân dụng, cho sử dụng vùng trời linh hoạt nhưng phải nói là đến 2016, 2017 tình hình sẽ còn khó khăn hơn. Tiếp tục khai thác sân bay TSN, chắc chắn chất lượng dịch vụ sẽ bị ảnh hưởng” - Ông Thanh nói.

Vì sao không bỏ sân golf, dành đất làm đường hạ/cất cánh? Ông Thanh đưa ra sơ đồ sân bay và giải thích: Địa điểm làm sân golf nằm ở góc tam giác của khu đất, muốn xây đường hạ cất cánh thì phải giải phóng mặt bằng.

Theo tính toán, để nâng công suất TSN lên 50 triệu khách/năm, phải giải tỏa 140 nghìn hộ dân (khoảng 500.000 người) và cần 9,1 tỷ USD. Đó là chưa tính kinh phí giải tỏa dân và xây đường tiếp cận, giảm chiều cao các công trình nhằm đảm bảo độ tĩnh không.

“Đó vẫn chưa là khó khăn nhất. Dù có dành hết đất quốc phòng trong TSN cho dân sự thì cũng không được vì có sự chồng lấn giữa vùng trời dân sự (TSN) và quân sự (sân bay Biên Hòa)” - ông Thanh nói.

Ông Nguyễn Nguyên Hùng nói vài năm trước ngành hàng không đã tính đến việc chuyển nhà ga hàng hóa về sân bay Biên Hòa để giảm tải cho TSN song giải pháp này không ổn vì Biên Hòa chỉ cách TPHCM 30km, máy bay lên xuống cũng làm nghẽn vùng trời.

Dự án sân bay Long Thành: Nhiều vấn đề chưa được làm rõ ảnh 2


Mô hình sân bay Long Thành. Ảnh: TL

Năng lực cạnh tranh, phương án trả nợ… chưa rõ

Trả lời báo chí số liệu hành khách vênh nhau giữa thống kê của sân bay TSN và trong dự án sân bay Long Thành (LT), ông Nguyễn Nguyên Hùng cho rằng trước kia sân bay TSN dựa theo số liệu thống kê của hãng hàng không quốc gia (Vietnam Airlines), còn số liệu cập nhật trong dự án sân bay LT là bao gồm hàng chục hãng hàng không có đường bay đến TSN.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường, so với TSN thì sân bay LT có nhiều ưu điểm, như có diện tích đủ lớn để xây dựng một sân bay trung chuyển quốc tế phục vụ cho khu vực phía Nam. Từ năm 2000, đặc biệt từ năm 2005, Bộ GTVT đã xây dựng hệ thống giao thông tiếp cận. Làm sân bay ở khu vực này đảm bảo về môi trường, môi sinh và khối lượng giải phóng mặt bằng ít nhất. Ngoài ra, địa chất ở đây rất tốt, phù hợp xây dựng sân bay, không bị chồng lấn với các sân bay khác.

“Các nước trong khu vực như Singapore, Malaysia, Thái Lan đều có những sân bay trung chuyển đạt trên 100 triệu khách/năm và hoạt động cách nay 5-10 năm rồi. Việt Nam có dân số lớn, đất nước đang phát triển, không có lý gì chúng ta sử dụng sân bay trong nước làm sân bay trung chuyển. Khi xây dựng sân bay trung chuyển hay sân bay lớn như thế, tiềm năng thu hút dịch vụ liên quan là rất lớn, tạo ra nguồn thu cho nhà nước, thu nhập cho người dân địa phương, cơ hội kinh doanh cho các doanh nghiệp” – ông Trường nói.

Theo Thứ trưởng Trường, sân bay LT có tổng công suất 100 triệu khách/năm. Giai đoạn 1, công suất khoảng 25 triệu khách/năm, tổng mức đầu tư là 164.000 tỷ đồng huy động từ nhiều nguồn: Nhà nước khoảng 84.000 tỷ đồng để đầu tư các công việc thiết yếu và không sinh lời. Còn lại là sử dụng vốn của doanh nghiệp.

Vốn nhà nước lấy từ nguồn ngân sách và vay ODA. Nhà nước vay rồi cho Tổng công ty cảng hàng không vay lại. Trong quá trình làm cũng đã tính đến nhiều yếu tố như trần nợ công, lãi suất có thể thay đổi ảnh hưởng đến hiệu quả. Qua tính toán, hệ số nội hoàn của dự án này là 25%, trong khi các dự án khác chỉ từ 10-15%.

Tuy nhiên nhiều vấn đề báo chí nêu ra chưa được trả lời một cách thỏa đáng. Báo Tiền Phong thắc mắc về việc có nghiên cứu khảo sát và đề nghị cung cấp số liệu cụ thể sự phát triển của ngành hàng không trong khu vực những năm tới song Bộ GTVT và các đơn vị liên quan không đáp ứng. Thay vào đó, ông Lê Ngọc Khuê, nguyên Thứ trưởng Bộ GTVT (vai trò cố vấn) trả lời chung chung là đã khảo sát kỹ và các số liệu có đầy đủ trong các tờ trình...

Ngoài ra, Bộ GTVT cũng chưa trả lời rõ việc các sân bay quốc tế trong nước đang hoạt động cầm chừng, xây sân bay LT thì liệu có hoạt động hiệu quả như kỳ vọng và có đủ sức cạnh tranh với các sân bay trung chuyển quốc tế của một số nước trong khu vực đi trước Việt Nam 5-10 năm.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường, khi Thái Lan xây cảng hàng không thứ hai, người ta cũng đặt câu hỏi tính cạnh tranh với các sân bay trong khu vực thế nào? Có Changi rồi, Kuala Lumpur rồi xây làm gì nữa. Nhưng thực tế đã chứng minh hiệu quả rất tốt. Hiện nay, hàng năm Việt Nam mở nhiều đường bay đi các nước. Các nước ở EU đều muốn chúng ta mở đường bay trực tiếp. Việc xây dựng một sân bay đáp ứng nhu cầu hội nhập là tất yếu.

Vì sao trong hoàn cảnh nợ công chạm trần, không tính đến việc nâng cấp mở rộng sân bay quốc tế Cần Thơ làm sân bay trung chuyển thay vì làm sân bay LT? Nguyên Thứ trưởng Bộ GTVT Ngô Thịnh Đức trả lời (tự nhận là với vai trò của một cử tri). Đó là địa chất sân bay Cần Thơ rất xấu. Ngoài ra, một đầu đường băng chỉ còn cách sông Hậu vài trăm mét, đầu còn lại nằm trong quận Bình Thủy, dân cư khá đông nên mở rộng cũng không khả thi.

Ông Lương Hoài Nam, Tổng giám đốc Hàng không Hải Âu đặt vấn đề: Nhiều người lo dự án không có khả năng hoàn vốn, vậy chúng ta có mạnh dạn giao cho nước ngoài đầu tư sân bay LT? Nhiều tập đoàn nước ngoài đang mong muốn đầu tư vào các sân bay. Đầu tư sân bay là hoạt động cực kỳ hấp dẫn, khả năng hoàn vốn cao. Chúng ta phải mạnh dạn làm để tạo động lực phát triển kinh tế xã hội của khu vực này. Ở Singapore, 25% GDP đến từ cụm cảng Changi.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Trần Văn Vĩnh cho biết hơn 4.100 hộ dân trong phạm vi giải tỏa đã đồng ý, chỉ còn 25 hộ là chưa đồng thuận bàn giao mặt bằng.

Khảo sát các vị trí liên quan đến dự án sân bay Long Thành

Trong ngày 16/10, Bộ GTVT tổ chức đoàn khảo sát, tham quan các địa điểm liên quan đến dự án sân bay Long Thành. Tại sân bay Tân Sơn Nhất, đại diện Tổng Cty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) dẫn đoàn khảo sát khu vực nhà ga đón trả khách. Đoàn cũng đã tới sân bay Biên Hòa (Đồng Nai).

Tại địa điểm dự kiến xây dựng sân bay Long Thành (huyện Long Thành – Đồng Nai), đoàn đã khảo sát nhiều khu vực xung quanh vị trí xây dựng. Cao tốc TPHCM - Long Thành gần sát vị trí dự kiến xây dựng sân bay.

Tổng Cty Đường cao tốc Việt Nam – Chủ đầu tư tuyến cao tốc này cho biết khi hoàn thiện đồng bộ, thời gian từ Long Thành đến TPHCM chỉ hết khoảng 20 phút.

Sỹ Lực

MỚI - NÓNG
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
TPO - “Ban Quản lý dự án 2 chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm trước Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam và pháp luật nếu để xảy ra mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, ùn tắc giao thông mà nguyên nhân không sửa chữa kịp thời hoặc chậm trễ khắc phục các tồn tại của dự án”, văn bản Khu Quản lý đường bộ III nêu.