Dự án nghìn tỷ thua lỗ: Nơi tự cứu, chỗ bế tắc

Dự án Công ty TNHH Khoáng sản và Luyện kim Việt Trung sẽ hết gặp khó nếu giải quyết được cơ chế đồng thuận. Ảnh: Như Ý.
Dự án Công ty TNHH Khoáng sản và Luyện kim Việt Trung sẽ hết gặp khó nếu giải quyết được cơ chế đồng thuận. Ảnh: Như Ý.
TP - Đạm Hà Bắc và Thép Việt Trung, hai đơn vị trong số 12 dự án thua lỗ nghìn tỷ đồng ngành Công Thương vừa có phương án tự “giải thoát”. Trong khi đó, nhóm các nhà máy thuộc Tập đoàn Dầu khí  vẫn… khó.

Chờ giải cứu bằng chính sách

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Phạm Văn Trung, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc cho biết, sau nhiều cuộc họp lớn nhỏ với các cơ quan chức năng từ Trung ương tới địa phương, đơn vị đã đề ra nhiều giải pháp khác nhau để “tự thân vận động” thoát khỏi khó khăn.

Theo ông Trung, kể từ khi thành lập cách đây 60 năm, đây là lần thứ hai công ty gặp “sóng gió lớn” sau gần 15 năm liên tiếp làm ăn có lãi. Khó khăn không phải do đơn vị không chạy được máy, không sản xuất được mà do giá bán thị trường xuống quá thấp và chính sách có sự thay đổi. Đại diện lãnh đạo Đạm Hà Bắc cho rằng, như chính sách thuế, giờ chỉ cần mức thuế về 0%, doanh nghiệp (DN) được khấu trừ đầu vào, là có thể thoát khỏi khó khăn.

Cũng theo ông Trung, vướng lớn nhất là hiện giá bán sản phẩm vẫn thấp hơn giá thành sản xuất. Việc giá nguyên liệu chính cho sản xuất là than tăng gần 100% khiến chi phí đầu vào của đơn vị bị đội lên hàng trăm tỷ đồng. Hiện hầu hết các đối thủ cạnh tranh trực tiếp lại sản xuất bằng khí nên chi phí sản xuất rẻ hơn rất nhiều trong bối cảnh giá dầu duy trì mức thấp trong suốt nhiều tháng qua. Để cạnh tranh, công ty phải giảm giá bán kéo theo việc thua lỗ ngày càng lớn.

Lãnh đạo Đạm Hà Bắc cũng cho biết, trong cơ cấu giá thành, giá than chiếm 70%-80% chi phí sản xuất đạm. Chi phí tài chính chiếm khoảng 20% trong khi chi phí tiền lương chỉ vài phần trăm. Hiện công ty đã đề ra nhiều giải pháp khác nhau để thực hiện tiết giảm chi phí. Đồng thời thực hiện tiết giảm tiền lương (trước lương công nhân từ 6-7 triệu, nay còn 4 triệu đồng/tháng). Tuy nhiên, việc này khiến DN ngày càng khó dù ban lãnh đạo đồng nhất giữ quan điểm không vì khó khăn mà “đẩy” người lao động ra đường.

“Khi thu nhập giảm sút, tự bản thân nhiều người lao động đã rũ áo ra đi. Công ty cũng đề nghị Chính phủ hỗ trợ bằng cách chỉ đạo các tổ chức tín dụng xem xét điều chỉnh lãi suất cho đơn vị. Trước lãi suất của Ngân hàng Phát triển Việt Nam đối với dự án thuộc diện ưu đãi nhưng sau nhiều năm, giờ chúng tôi nói vui là lãi suất bị “ngược đãi” rồi. Nếu lãi suất được điều chỉnh giảm, chúng tôi sẽ đỡ gánh nặng rất nhiều. Chúng tôi chỉ cần hỗ trợ về mặt chính sách chứ không cần hỗ trợ bằng cách đổ thêm tiền vào dự án”, ông Trung nói.

Cần cơ chế đồng thuận để thoát lỗ

Bên cạnh gặp những khó khăn về nguồn vốn ngắn hạn, theo ông Bùi Thanh Bình, Tổng giám đốc Công ty TNHH Khoáng sản và Luyện kim Việt Trung (VTM), dự án thua thiệt ngay từ khi mới xây dựng vì đặt ở khu vực Lào Cai để tận dụng nguồn nguyên liệu có từ mỏ sắt Quý Xa. Trong khi trên thế giới, không ai đầu tư nhà máy liên hợp thép ở miền núi, chưa kể đến những hạn chế về giao thông, nguồn nhân lực. Mỗi lần nhập thiết bị, phụ tùng phục vụ cho dự án cũng là vấn đề lớn khiến chi phí đội lên nhiều lần. “Chỉ riêng việc chuyển than cám từ Quảng Ninh, than cốc từ Hải Phòng và chuyển thiết bị và các phụ tùng nhập khẩu từ Trung Quốc về đến nhà máy cũng tiêu của công ty số tiền rất lớn”, ông Bình nói.

Lãnh đạo VTM cho biết, với tình hình sản xuất kinh doanh hiện nay, bên cạnh lo trả lãi ngân hàng, mỗi tháng công ty phải chi trung bình khoảng 18 tỷ đồng để để trả lương cho 1.400 lao động làm việc tại nhà máy. Hiện số lỗ của công ty chiếm hơn một nửa vốn điều lệ. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất cần giải quyết tại dự án vốn đầu tư gần 6.000 tỷ đồng này, theo ông Bình, chính là “giải quyết cơ chế liên doanh” với Trung Quốc do động chạm quyền lợi của phía đối tác.

“Nhà máy đã hoạt động trở lại và hàng sản xuất ra đến đâu bán hết đến đó, không có hàng tồn kho. Về nguồn tiền và hướng sản xuất công ty không lo nhưng vướng nhất chính là cơ chế đồng thuận mà công ty đã ký khi lập liên doanh với đối tác Trung Quốc”, ông Bình nói. Với cơ chế này, các khoản đầu tư nội bộ có giá trị lớn hơn 100.000 USD đều phải thực hiện theo cơ chế đồng thuận (theo hợp đồng cam kết giữa hai bên dù tỷ lệ góp vốn phía Việt Nam nhiều hơn). “Trong các cuộc làm việc, chúng tôi đã nhiều lần đề xuất Bộ Công Thương đàm phán lại với các cơ quan chức năng của phía bạn để giải quyết trở ngại trong việc điều hành”, ông Bình cho hay.

Về những dự án thua lỗ, trả lời báo chí, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Bộ Công Thương, ông Dương Duy Hưng cho biết, đến thời điểm này, một số dự án trong số 12 dự án nghìn tỷ thua lỗ đã có chuyển biến ban đầu rất tốt, đặc biệt là nhóm 4 dự án nhà máy phân bón của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam. Hai nhà máy sản xuất thép cũng có chuyển biến tích cực. Nhà máy Bột giấy Phương Nam đã lên phương án tổ chức bán đấu giá toàn bộ tài sản, hàng tồn kho.

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng, hiện 4 dự án sản xuất phân bón của ngành hóa chất đã trở lại hoạt động bình thường, đạt công suất từ 70 - 80%, nhưng sản xuất kinh doanh vẫn lỗ. Nhà máy Gang thép Thái Nguyên của Tổng công ty Thép Việt Nam có hướng phối hợp giải quyết vướng mắc liên quan đến nhà thầu; xây dựng chi tiết phương án và khả năng tăng vốn điều lệ. Hiện, khó khăn nhất vẫn đang “rơi” vào nhóm các nhà máy thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN).

MỚI - NÓNG
Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2024
Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2024
TPO - Từ tháng 4/2024, nhiều chính sách mới có hiệu lực như: sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông; không xét danh hiệu “Lao động tiên tiến” với người tuyển dụng dưới 6 tháng; quy định mới về xét danh hiệu "Thầy thuốc nhân dân", "Thầy thuốc ưu tú"...
Công an thông tin về vụ múc đất cao tốc mang đi bán
Công an thông tin về vụ múc đất cao tốc mang đi bán
TPO - Lãnh đạo Công an huyện Krông Pắc (Đắk Lắk) cho biết, việc khởi tố 2 bị can liên quan múc đất công trình cao tốc Khánh Hoà - Buôn Ma Thuột mang đi bán là hồi chuông cảnh báo. Công an huyện sẽ kiểm tra, xử lý các xe quá khổ, quá tải, nhất là việc múc đất của dự án đổ đi nơi khác không đúng quy định.