Dự án Hồ chứa nước Ka Pét: Chọn lại đơn vị đánh giá tác động môi trường

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Tỉnh Bình Thuận đã chấm dứt hợp đồng với đơn vị thực hiện đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của hồ chứa nước Ka Pét trước đây. Do nội dung chủ yếu kế tiếp nội dung trước đó, chỉ bổ sung làm rõ thêm, kinh phí thực hiện nhỏ nên sẽ chỉ định đơn vị làm ĐTM mới.

Theo Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận (Ban quản lý), hồ chứa nước Ka Pét là dự án quan trọng quốc gia, được Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư và bổ sung chủ trương đầu tư.

Dự án Hồ chứa nước Ka Pét: Chọn lại đơn vị đánh giá tác động môi trường ảnh 1

Phối cảnh dự án hồ chứa nước Ka Pét ở huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận.

Quy mô gồm hồ điều tiết dung tích toàn bộ hơn 51 triệu m3, dung tích hữu ích hơn 47 triệu m3, dung tích chết gần 4 triệu m3 và hệ thống kênh, các công trình phụ trợ khác. Tổng mức đầu tư của dự án hơn 874 tỷ đồng, gồm ngân sách trung ương hơn 519 tỷ đồng, còn lại ngân sách địa phương. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2019 - 2025.

Mục tiêu của dự án là cấp nước tưới cho khoảng 7.762 ha đất sản xuất nông nghiệp của huyện Hàm Thuận Nam, cấp nước thô cho Khu công nghiệp Hàm Kiệm II 2,63 triệu m3/năm, tạo nguồn nước thô để cấp cho sinh hoạt khoảng 120.000 người dân khu vực huyện Hàm Thuận Nam và TP.Phan Thiết.

Dự án còn có nhiệm vụ phòng, chống lũ và cải tạo môi trường, điều tiết nước cho vùng hạ du khu vực huyện Hàm Thuận Nam và tỉnh Bình Thuận, tăng dòng chảy trong mùa khô, góp phần cải thiện môi trường sinh thái vùng hạ du, góp phần phát triển du lịch, dịch vụ.

Ông Mai Kiều - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận cho biết, tỉnh đã chấm dứt hợp đồng với đơn vị thực hiện việc đánh giá tác động môi trường (ĐTM) trước đây.

Nguyên nhân là đơn vị trước đây không đủ năng lực tiếp tục thực hiện. Các ngành chức năng địa phương đang trình UBND tỉnh thẩm định, lựa chọn lại đơn vị thực hiện lại ĐTM của dự án hồ chứa nước Ka Pét.

Ông Mai Kiều cho biết thêm, các địa phương phía Bắc của tỉnh Bình Thuận cơ bản đáp ứng được nhu cầu nước sản xuất và sinh hoạt, còn phía Nam đang thiếu trầm trọng. Hồ chứa nước Ka Pét nằm trên thượng nguồn các dự án hồ Sông Móng, hồ Tân Lập, đập dâng… ở huyện Hàm Thuận Nam, nên bổ sung cho các hồ này.

Trong tương lai, hồ La Ngà 3 làm xong mới hoàn thiện hệ thống thủy lợi, không chỉ phía Nam của tỉnh Bình Thuận mà còn cung cấp cho các tỉnh lân cận như Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu. Tỉnh sẽ cố gắng hoàn thành các thủ tục dự án hồ chứa nước Ka Pét trong quý II/2024 như cam kết với Chính phủ để sớm triển khai.

Dự án Hồ chứa nước Ka Pét: Chọn lại đơn vị đánh giá tác động môi trường ảnh 2

Vị trí sẽ làm dự án hồ chứa nước Ka Pét.

Về nguyên nhân phải chỉ định đơn vị mới thực hiện lại ĐTM, ông Lê Ngọc Tiến - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Thuận cho biết, do nội dung chủ yếu kế tiếp nội dung trước đó, chỉ bổ sung làm rõ thêm, đồng thời kinh phí thực hiện nhỏ nên sẽ chỉ định đơn vị mới.

Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án hồ chứa nước Ka Pét, Ban quản lý đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp cho ý kiến về bổ sung nhiệm vụ khảo sát của dự án.

Đồng thời, đôn đốc Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Thuận sớm xây dựng tiến độ, rà soát các thủ tục có liên quan đến rừng, tận dụng lâm sản, trồng rừng thay thế, hướng dẫn thực hiện công tác chuyển mục đích sử dụng rừng, khai thác tận dụng lâm sản.

Ban quản lý cũng đề nghị cho phép tiếp tục sử dụng kết quả kiểm kê đánh giá hiện trạng rừng đã lập hoàn thành vào tháng 12/2020 và được cập nhật kết quả kiểm tra hiện trạng rừng sản xuất vào tháng 4/2022 do Phân viện Điều tra quy hoạch rừng Nam bộ lập, để làm cơ sở tính toán diện tích phải trồng rừng thay thế.

Năm 2023, dự án hồ thuỷ lợi Ka Pét từng gây xôn xao dư luận khi Bình Thuận phải phá hơn 600 ha rừng. Sau khi rừng được phá bỏ để xây hồ thuỷ lợi Ka Pét, những cây lâu năm sẽ được bán đấu giá cho đơn vị khai thác gỗ. Cơ quan chức năng đang làm thủ tục đấu thầu chọn đơn vị tư vấn định giá giá trị lâm sản để làm cơ sở tiến hành đấu giá.

MỚI - NÓNG
Tước hơn 3.400 giấy phép lái xe trong ngày 30/4
Tước hơn 3.400 giấy phép lái xe trong ngày 30/4
TPO - Chiều 30/4, Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) Quốc gia cho biết, trong ngày 30/4, toàn quốc xảy ra 61 vụ tai nạn giao thông, làm chết 27 người, bị thương 45 người. Lực lượng chức năng tước hơn 3.400 giấy phép lái xe các loại do vi phạm an toàn giao thông.