Theo báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) dự án hồ chứa nước Pa Két của UBND tỉnh Bình Thuận, tổng diện tích sử dụng đất của dự án là 697,73 ha. Trong đó, diện tích đất lâm nghiệp là 679,72 ha (đất có rừng là 619,58 ha, gồm rừng đặc dụng là 137,95 ha; rừng sản xuất là 440,4 ha và rừng phòng hộ là 0,51 ha; đất nằm ngoài quy hoạch 3 loại rừng là 40,72 ha và đất không có rừng 60,14 ha).
Có nhiều cây gỗ quý nằm trong khu vực rừng dự kiến được chuyển đổi làm hồ thủy lợi Ka Pét. Ảnh: C.H |
Hiện 4 đơn vị đang trực tiếp quản lý phần diện tích rừng được quy hoạch là hồ chứa nước Ka Pét, gồm: Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Núi Ông (tiểu khu 262 - rừng đặc dụng) với diện tích 149 ha; Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Móng - Ka Pét (Tiểu khu 255 - rừng phòng hộ, Tiểu khu 263, 264, 265 - rừng sản xuất) với tổng diện tích 481,6 ha; Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Bình Thuận (tiểu khu 274, 279 - rừng sản xuất) với diện tích 8,24 ha và UBND xã Mỹ Thạnh đang quản lý 40,7 ha.
Theo báo cáo ĐTM, đa phần diện tích rừng và đất lâm nghiệp khu vực dự án là đất có rừng với 619,5 ha, gồm diện tích có rừng tự nhiên là 612,4 ha. Trong đó, trạng thái rừng gỗ tự nhiên núi đất LRRL giàu (RLG) là 12,2 ha, trạng thái rừng gỗ tự nhiên núi đất LRRL trung bình (RLB) là 120,2 ha, còn lại là trạng thái rừng gỗ tự nhiên núi đất LRRL nghèo (RLN), rừng hỗn giao GTN tự nhiên núi đất và trạng thái rừng hỗn giao GTN tự nhiên núi đất. Tổng trữ lượng gỗ rừng tự nhiên của 619,5 ha đất rừng là hơn 97.000 m3, trong đó rừng đặc dụng có trữ lượng hơn 22.680 m3, rừng phòng hộ 84,5m3, rừng sản xuất 67.735 m3…
Báo cáo ĐTM cũng đánh giá tài nguyên sinh thái khu vực làm dự án hồ chứa nước Ka Pét chủ yếu là rừng, rừng được bảo vệ nghiêm ngặt nên còn khá nguyên vẹn. “Dự án nằm trên diện tích thuộc Tiểu khu 252 và 262 đối tượng rừng đặc dụng, hiện do Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Núi Ông quản lý nên khi triển khai dự án cần phải có biện pháp nhằm giảm thiểu tác động khi mất rừng. Các giá trị sinh thái quan trọng được quy định bảo tồn bởi luật pháp Việt Nam hay các công ước, hiệp ước quốc tế mà Việt Nam tham gia”, báo cáo ĐTM nêu.
49 cây gỗ quý hiếm
Báo cáo ĐTM của UBND tỉnh Bình Thuận nêu về kết quả điều tra ở khu vực rừng tự nhiên ghi nhận được 4.262 cây gỗ của 78 loài cây gỗ thuộc 62 chi, 35 họ thực vật. Trong đó, có 2 loài thuộc danh mục các loài quý hiếm theo Sách đỏ Việt Nam - phần thực vật (2007) gồm giáng hương và Sơn điều với số lượng 49 cây, chiếm 1,15% tổng số cây thân gỗ trong khu vực điều tra.
Ngoài ra, điều tra cây gỗ của 96 ô tiêu chuẩn điển hình có diện tích 1.000m2/ô tiêu chuẩn (25 m x 40 m) tại khu vực điều tra đã ghi nhận được 4.262 cây gỗ của 78 loài cây gỗ thuộc 62 chi, 35 họ thực vật. Trong đó, có một số cây gỗ thuộc các nhóm I, II như: Trắc đen, giáng hương, Sơn điều, Cẩm liên, Căm xe, Sến cát, Xây…
Về động vật, kết quả khảo sát, kiểm kê ghi nhận có tổng cộng 162 loài động vật thuộc 120 chi, 38 họ, 7 bộ và 4 lớp chim, thú, bò sát và lưỡng cư. Số loài chim chiếm ưu thế với 77 loài (chiếm 47,5% tổng số loài), trong khi lớp thú có số lượng loài ít nhất với 6 loài (chiếm 3,7% tổng số loài). Báo cáo đánh giá hệ sinh thái trên cạn khu vực dự án rất phong phú và đa dạng về số lượng loài. Trong đó, ghi nhận được 57 loài có trong Sách đỏ 2007, CITES và Nghị định 32.
Dự án hồ chứa nước Ka Pét đã được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV vào tháng 5/2019. Đến tháng 5/2023, tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, Chính phủ trình tờ trình về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án này. Trong các nội dung điều chỉnh, diện tích sử dụng đất của dự án lên gần 698 ha, tăng gần 4,5 ha so với phê duyệt ban đầu. Trong đó, đất có rừng khoảng 620 ha (giảm 60,8 ha) gồm, đất rừng đặc dụng là 137,9 ha (giảm 24,6 ha), đất rừng phòng hộ là 0,51 ha (giảm 0,4 ha), đất rừng sản xuất là 440,4 ha (giảm 30,6 ha), đất nằm ngoài quy hoạch 3 loại rừng là 40,7 ha (giảm 5,1 ha).