Vụ hồ chứa nước Ka Pét: Bình Thuận, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chậm báo cáo

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Văn phòng Chính phủ đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư, UBND tỉnh Bình Thuận phải hoàn thiện ngay dự thảo báo cáo của Chính phủ, trình Chính phủ chậm nhất trong ngày 30/9 để kịp hoàn thiện các thủ tục, gửi báo cáo Quốc hội.

Ngày 29/9, Văn phòng Chính phủ có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, UBND tỉnh Bình Thuận đôn đốc trình dự thảo báo cáo của Chính phủ tình hình thực hiện nghị quyết của Quốc hội về chủ trương đầu tư dự án hồ chứa nước Ka Pét, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận.

Vụ hồ chứa nước Ka Pét: Bình Thuận, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chậm báo cáo ảnh 1

Phối cảnh dự án hồ chứa nước Ka Pét ở huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận.

Theo đó, tại công điện ngày 21/9, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương chỉ đạo xây dựng báo cáo trình Chính phủ để gửi đại biểu Quốc hội trước ngày 1/10. Tuy nhiên, đến nay Văn phòng Chính phủ chưa nhận được dự thảo báo cáo nêu trên.

Do đó, Văn phòng Chính phủ đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư, UBND tỉnh Bình Thuận phải hoàn thiện ngay dự thảo báo cáo của Chính phủ, trình Chính phủ chậm nhất trong ngày 30/9 để kịp hoàn thiện các thủ tục, gửi báo cáo Quốc hội.

Tại phiên họp chiều 12/9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 8, dự án hồ chứa nước Ka Pét tại Bình Thuận là một trong những nội dung nhận được sự quan tâm.

Do đó, Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đề nghị Chính phủ sớm có báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tình hình thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về đầu tư thực hiện dự án.

Hồ chứa nước Ka Pét là dự án quan trọng quốc gia được Quốc hội quyết định và quyết định điều chỉnh, bổ sung chủ trương đầu tư. Quy mô gồm hồ điều tiết dung tích hơn 51 triệu m3. Tổng mức đầu tư và nguồn vốn của dự án hơn 874 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2019 - 2025.

Tổng diện tích sử dụng đất của dự án là gần 698 ha, trong đó diện tích đất lâm nghiệp gần 680 ha và diện tích đất sản xuất nông nghiệp hơn 18,01 ha. Đáng chú ý, trong gần 680 ha đất lâm nghiệp thì đất có rừng hơn 619 ha, gồm rừng đặc dụng gần 138 ha, rừng phòng hộ (0,51 ha), rừng sản xuất (440 ha), đất nằm ngoài quy hoạch 3 loại rừng (gần 41 ha) và đất không có rừng (hơn 60 ha).

Theo ông Đinh Trung - nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận, cần phải tính toán hiệu quả khi làm hồ Ka Pét khi tỉnh này sẽ xây dựng thêm hồ chứa nước La Ngà 3. Hồ chứa nước La Ngà 3 nằm trong quy hoạch các hồ thủy lợi từ năm 2020 - 2030, tầm nhìn đến 2045 đã được Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư.

Vụ hồ chứa nước Ka Pét: Bình Thuận, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chậm báo cáo ảnh 2

Vị trí sẽ làm dự án hồ chứa nước Ka Pét.

Hồ chứa nước La Ngà 3 có tích 470 triệu m3, gấp gần 10 lần hồ chứa nước Ka Pét và cung cấp nước tưới hơn 77.600 ha (hơn 10 lần diện tích tưới của hồ Ka Pét) cho 3 tỉnh Bình Thuận, Đồng Nai, một phần tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, phát điện sau hồ với công suất 34 MW. Dự kiến tổng vốn đầu tư 1.500 tỷ đồng. Nhu cầu sử dụng đất hơn 2.100 ha.

Ông Đinh Trung cho rằng, các huyện phía Bắc tỉnh Bình Thuận và thành phố Phan Thiết, huyện Hàm Thuận Bắc và một phần huyện Hàm Thuận Nam đã cơ bản đủ nước. Các huyện Tánh Linh, Đức Linh bảo đảm nước do có thủy lợi Tà Pao.

Hiện chỉ có các huyện Hàm Tân, thị xã La Gi và một phần diện tích huyện Hàm Thuận Nam cần nước bổ sung. Giải quyết bài toán nước bổ sung này, trước đây đã có chủ trương dẫn nước từ sông La Ngà về hồ Biển Lạc làm nơi trung chuyển và tích nước đào kênh dẫn về Hàm Tân, thị xã La Gi, phía Tây Hàm Thuận Nam.

“Sử dụng nước hồ La Ngà 3 chắc chắn hiệu quả hơn nhiều lần hồ Ka Pét. Về mất diện tích rừng tự nhiên thì làm hồ La Ngà 3 sẽ mất gần 3.000 ha đất nhưng chủ yếu là đất nông nghiệp, còn mất rừng tự nhiên tương đương với làm hồ Ka Pét”, ông Đinh Trung nói.

MỚI - NÓNG