Dự án đình trệ: Vì vướng Luật Quy hoạch, hay do thực hiện?

TP - Phản ánh những vướng mắc từ thực tiễn địa phương, đại biểu (ĐB) Quốc hội Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) cho rằng, nếu không sớm xử lý khắc phục thì tất cả đều trì trệ. Tuy nhiên, tranh luận lại quan điểm này, ĐB Phùng Văn Hùng (Cao Bằng) cho rằng, nhận định như vậy là phóng đại quá mức...

Phóng đại quá mức? 

Ngày 31/5, tranh luận về Luật Quy hoạch, ĐB Phùng Văn Hùng (Cao Bằng) đánh giá, nhận định của đại biểu (ĐB) Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) là sự “phóng đại quá mức” và phủ nhận công lao của Quốc hội, Chính phủ suốt hai nhiệm kỳ. Liên hệ đến báo cáo giám sát tối cao của Quốc hội về quy hoạch cũng như quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị, theo ông Hùng, vấn đề nổi cộm được nêu ra là việc sử dụng đất tại đô thị gây ra tình trạng thất thoát, lãng phí, tham nhũng, gây bức xúc trong dư luận xã hội. 70% khiếu nại tố cáo liên quan đến sử dụng đất, nguyên nhân chủ yếu là do sự điều chỉnh quy hoạch của các dự án. Tất cả các dự án gây bức xúc đó là những dự án lớn, được điều chỉnh thường xuyên. 

Dự án đình trệ: Vì vướng Luật Quy hoạch, hay do thực hiện? ảnh 1 ĐB Phùng Văn Hùng     Ảnh: Như Ý

“Như vậy, cả một thời gian dài hệ thống quy hoạch của chúng ta không có quy củ và hệ thống này tạo cho tư duy nhiệm kỳ được điều chỉnh quy hoạch thường xuyên. Đây là nguyên nhân sâu xa dẫn đến những bất cập, nổi cộm, bức xúc trong dư luận xã hội. Vậy, chúng ta ban hành Luật Quy hoạch là để xây dựng hệ thống quy hoạch quy củ, có tầng lớp và đề cao tính tuân thủ. Nếu vấn đề đó thực sự nguy hại đến nền kinh tế của đất nước thì chắc chắn trong Báo cáo của Chính phủ đã nêu ra”, ông Hùng nêu tranh luận.

Không sớm xử lý, tất cả đều trì trệ 

Trước đó, cũng tại phiên thảo luận về kinh tế xã hội, ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) cho rằng, Quốc hội cần khắc phục vấn đề nóng liên quan đến Luật Quy hoạch có hiệu lực từ 1/1/2019, nhưng đã làm tất cả các dự án đều tạm dừng vì sự bất cập của luật. Theo ông, Luật Quy hoạch là công cụ quan trọng giúp nhà nước quy hoạch động lực không gian để phát triển nhanh, bền vững. 

Dự án đình trệ: Vì vướng Luật Quy hoạch, hay do thực hiện? ảnh 2  ĐB Nguyễn Ngọc Phương

Tuy nhiên, để luật có hiệu lực, cần loại trừ các quy hoạch chồng chéo, cản trở đầu tư phát triển, cần có thông tư, nghị định hướng dẫn các dự án đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho quy hoạch phát triển. Thực trạng của Luật Quy hoạch có nguy cơ đe dọa nghiêm trọng đến nền kinh tế đất nước làm cho nhiều dự án đầu tư nước ngoài ngừng hoạt động. Hiện có 39 quy hoạch ngành quốc gia, 63 quy hoạch tỉnh, 25 quy hoạch ngành, 368 dự án đầu tư sản xuất công thương không triển khai được vì vướng quy hoạch.

“Nếu không sớm xử lý thì tất cả đều trì trệ không tháo gỡ được khó khăn”, ông Phương nhấn mạnh và đề nghị Quốc hội cần mạnh dạn sửa đổi những sai sót vừa qua mà một số luật đã ban hành. Hoặc ban hành nghị quyết riêng để xử lý tổng thể về việc chuyển tiếp các quy hoạch bao gồm gia hạn, thời hiệu pháp luật chuyên ngành.

Trước những tranh luận xung quanh Luật Quy hoạch, hay thảo luận về Luật Đầu tư, Luật Thi hành án hình sự sửa đổi và nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác, ĐB Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương) thấy lo ngại, khi hệ thống pháp luật thiếu đồng bộ, thống nhất. Theo ông, đây là hệ thống pháp luật nặng về tính chắp vá. Nếu không khắc phục được tình trạng này thì lại tiếp tục rơi vào tình trạng “luật chồng luật”.

“Có một xu hướng trong xây dựng pháp luật của chúng ta hiện nay là sự đồng thuận xuôi chiều giữa cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra. Đây là một khâu sơ hở trong việc cài cắm các lợi ích nhóm, lợi ích ngành trong xây dựng pháp luật, mà hiện nay cử tri đặt vấn đề việc xây dựng pháp luật của chúng ta nặng về lợi ích nhóm, lợi ích ngành”, ông Hồng 
cho hay.

Ủy ban Kinh tế sẽ sớm thẩm tra

Trao đổi với Tiền Phong liên quan đến ý kiến của các ĐBQH về Luật Quy hoạch, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, sắp tới sẽ phải thẩm tra, nhưng vướng mắc nhất là khâu tổ chức triển khai thực hiện. 

Theo ông, Luật Quy hoạch có điều khoản cho phép từ 1/3/2018, khi luật này chưa có hiệu lực thì quy trình lập, thẩm định đã cho phép lập quy hoạch quốc gia, vùng và tỉnh. Nếu làm từ lúc đó thì tới thời điểm này quy hoạch tỉnh, vùng quốc gia đã xong và không vướng mắc, ùn lại nữa. Vừa rồi mới ban hành nghị định và thông tư hướng dẫn chưa có, cũng chưa bố trí kinh phí cho địa phương tổ chức triển khai quy hoạch quốc gia, vùng, tỉnh nên chậm. “Khi Quốc hội thông qua Luật Quy hoạch đã tính cơ chế cho chuyển tiếp rồi”, ông Thanh cho hay.

MỚI - NÓNG