ĐBQH chỉ ra bất cập của Luật Quy hoạch, Bộ Kế hoạch & Đầu tư nói gì?

Chủ đầu tư một số dự án điện phản ánh khó thực hiện do vướng Luật Quy hoạch. Ảnh minh hoạ
Chủ đầu tư một số dự án điện phản ánh khó thực hiện do vướng Luật Quy hoạch. Ảnh minh hoạ
TP - Trước kiến nghị của đại biểu Quốc hội về bất cập của Luật Quy hoạch, đại diện Bộ KH&ĐT - đơn vị chắp bút xây dựng luật này đã có những trao đổi về nguyên nhân của thực trạng này.

Bộ KH&ĐT đã lường trước? 

Xung quanh ý kiến của đại biểu Nguyễn Ngọc Phương - Phó Trưởng đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Quảng Bình khi cho rằng nhiều quy hoạch quốc gia, ngành, tỉnh địa phương không triển khai được vì Luật Quy hoạch, ông Nguyễn Quang Các, Vụ trưởng Quản lý quy hoạch (Bộ KH&ĐT) đơn vị soạn thảo Luật Quy hoạch cho biết, trong Điều 59 Luật Quy hoạch đã lường trước hết về điều này và quy định đầy đủ. Điều 59 của Luật Quy hoạch quy định tất cả về việc chuyển tiếp, hướng dẫn các xử lý với quy hoạch đang tiến hành thẩm định, phê duyệt và quy hoạch đang thực hiện. 

Theo đại diện Bộ KH&ĐT, Luật Quy hoạch chỉ rõ cách xử lý của các quy hoạch đã được quyết định hoặc phê duyệt trước ngày 1/1/2019 (ngày Luật Quy hoạch có hiệu lực). Cụ thể, quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh được thực hiện đến hết thời kỳ quy hoạch; trường hợp nội dung của quy hoạch đó không phù hợp thì điều chỉnh theo Luật Quy hoạch. 

Các quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành như quy hoạch thuỷ lợi, đê điều... tiếp tục thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan. Quy hoạch được tích hợp vào quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh được thực hiện cho đến khi có loại quy hoạch mới tương ứng. 

Quy hoạch về đầu tư phát triển hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm cụ thể, ấn định khối lượng, số lượng hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm được sản xuất, tiêu thụ đã được quyết định hoặc phê duyệt hết hiệu lực chậm nhất là ngày 31/12/2018. Quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh đã được lập, thẩm định trước ngày Luật Quy hoạch có hiệu lực mà chưa được quyết định hoặc phê duyệt sẽ làm theo quy định của Luật Quy hoạch. Với các dự án đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt theo quy hoạch đã được công bố trước đó được thực hiện đến hết thời hạn của dự án.

“Nguyên nhân của việc các dự án ách tắc không phải do Luật Quy hoạch mà do hai nguyên nhân. Thứ nhất, là việc chậm ban hành Nghị quyết hướng dẫn thi hành luật nên chưa kịp có bản quy hoạch mới thay thế ngay khi luật có hiệu lực. Tiếp theo là do cơ quan chức năng yêu cầu bộ ngành muốn điều chỉnh quy hoạch phải tuân theo quy trình của Luật Quy hoạch. Tuy nhiên, bộ ngành không muốn thực hiện theo quy trình nên cho rằng kéo dài thời gian, gây ách tắc”, ông Các cho biết.

Cần sự vào cuộc của tất cả bộ ngành, địa phương

Theo lãnh đạo Vụ quản lý quy hoạch (Bộ KH&ĐT), đến nay, nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành Luật Quy hoạch đã được Chính phủ, Bộ KH&ĐT ban hành. Các bộ ngành, địa phương cần bắt tay vào xây dựng, triển khai xây dựng các quy hoạch mới theo luật. 

“Đã có nghị định, thông tư, địa phương và bộ ngành nên tập trung vào việc xây dựng các quy hoạch theo quy định của luật để phục vụ cho điều hành phát triển trong thời gian tới”, lãnh đạo Vụ Quy hoạch kiến nghị.

Theo đại diện Bộ KH&ĐT, với trường hợp ách tắc các dự án đầu tư như kiến nghị của Bộ Công Thương, Chính phủ đã có văn bản đề nghị Quốc hội cho phép ra nghị quyết về việc kéo dài thời hạn thực hiện. Điều này nhằm phù hợp với những phát sinh trong quá trình điều hành kinh tế xã hội, đảm bảo yêu cầu phát triển từ giờ đến năm 2020.“Có một số trường hợp đặc biệt được chuyển tiếp như quy hoạch sử dụng đất của địa phương… Tuy nhiên, các quy hoạch được chuyển tiếp phải đáp ứng nguyên tắc nhất định để đảm bảo tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp phát triển”, ông Nguyễn Quang Các cho biết.

Ông Trần Quốc Phương, Vụ trưởng kinh tế Quốc dân (Bộ KH&ĐT) nhìn nhận, việc triển khai Luật Quy hoạch sẽ gặp nhiều thách thức. Bởi đồng loạt cả nước hơn 60 tỉnh thành phố và 30 bộ ngành cùng xây dựng quy hoạch sẽ khiến khối lượng công việc rất lớn. 

Liên quan đến ý kiến cho rằng, Luật Quy hoạch gây ra bất cập, làm cho việc giải ngân đầu tư công chậm, đại diện Bộ KH&ĐT cho biết, điều này chưa đúng. 

“Chúng ta nói đến giải ngân vốn đầu tư công khi tiền đã được giao cho dự án. Còn Luật Quy hoạch tác động đến dự án chưa hình thành thì không thể liên quan đến giải ngân đầu tư công”, ông Phương cho biết.

Đại diện Bộ KH&ĐT cũng cho biết, thực trạng giải ngân vốn đầu tư công chậm chủ yếu do thủ tục của dự án phức tạp.

MỚI - NÓNG