Cho ý kiến về Luật Quy hoạch và Luật các tổ chức tín dụng: Còn nhiều xung đột

Quy hoạch Hà Nội luôn là chuyện đáng bàn. Ảnh: Hồng Vĩnh.
Quy hoạch Hà Nội luôn là chuyện đáng bàn. Ảnh: Hồng Vĩnh.
TP - Ngày 18/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về hai dự án: Luật Quy hoạch và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các Tổ chức tín dụng (TCTD). Nhiều ý kiến cho rằng còn nhiều xung đột và lúng túng trong công tác sửa đổi bổ sung các dự án luật.

“Không biết đi đến đâu”

Sáng 18/9, báo cáo về dự án Luật Quy hoạch Bộ KH&ĐT cho biết, việc sửa đổi, bổ sung các luật liên quan được phân thành hai nhóm: Nhóm một đề nghị sửa đổi, bổ sung 8 luật có nội dung đơn giản, mang tính kỹ thuật và không làm thay đổi nội dung chính của các luật. Còn nhóm hai, đề nghị sửa đổi, bổ sung các luật có nhiều nội dung liên quan đến quy hoạch, có chính sách phức tạp hơn, liên quan đến đầu tư, kinh doanh cần có thời gian chuẩn bị kỹ.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, đến lúc này khi đọc vẫn thấy các điều trong dự thảo luật còn xung đột. Chẳng hạn, theo quy định của Luật Xây dựng thì quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh do Bộ Xây dựng chủ trì, nhưng trong dự thảo Luật Quy hoạch lại quy định do Thủ tướng và Bộ KH&ĐT chủ trì. Như thế có phù hợp không? Mà quy định như vậy cũng khó tích hợp.

Lo ngại quá tải khi phải sửa nhiều luật liên quan, ông Phùng Quốc Hiển đề nghị rà soát chi tiết số dự án luật phải sửa đổi là bao nhiêu? Những khoản nào, điều nào, khi nào sửa và tác động ra sao? “Chúng ta đang làm một việc không biết nó đi đến đâu”, ông Hiển nêu.

Cùng quan điểm, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cũng băn khoăn, không biết hệ thống pháp luật phát triển theo hướng nào, nên cần phải cân nhắc và có sự thống nhất. Bà Nga cũng chỉ ra tình trạng mỗi khi làm một luật lại kéo theo nhiều luật khác phải sửa đổi. Ngoài dự án Luật Quy hoạch, một dự án luật khác mà Bộ KH&ĐT chủ trì soạn thảo là Luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt cũng phải sửa nhiều luật khác. Rồi Luật Đo đạc bản đồ, Luật An toàn Thông tin, hay Luật Phòng, chống tham nhũng...cũng phải sửa nhiều luật cho phù hợp. Theo bà Nga, việc này cần được trả lời thỏa đáng để nhà đầu tư yên tâm.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho hay, do còn nhiều ý kiến khác nhau nên dự án luật này mới phải thông qua ba kỳ họp. Tuy nhiên bà Ngân cũng lưu ý, nếu luật không được thông qua tại kỳ họp này sẽ lỡ đi nhiều cơ hội, làm mất quá nhiều thời gian, cơ hội cho đất nước, rồi mất chi phí của xã hội... Chủ tịch Quốc hội khẳng định, dự án này phải được trình ra Quốc hội tại kỳ họp tới đây.

“Làm đúng thì chẳng ai truy tố”

Cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến một số vấn đề còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các Tổ chức tín dụng (TCTD). Hai vấn đề được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến nhiều nhất là việc miễn trách nhiệm hình sự và chuyển giao bắt buộc.

Tại Điều 147 dự thảo luật, quy định cụ thể việc miễn trách nhiệm đối với người tham gia cơ cấu lại TCTD được kiểm soát đặc biệt. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, có ý kiến đề nghị cân nhắc quy định này, vì không đảm bảo tính thống nhất với Luật Cán bộ, công chức.

Theo đánh giá của cơ quan soạn thảo, cán bộ tham mưu, tham gia Ban kiểm soát đặc biệt cũng như cán bộ được điều động phải xử lý một công việc rất khó, phức tạp, không có tiền lệ, trong khi quy định của pháp luật lại chưa được đầy đủ và một số trường hợp gặp rủi ro pháp lý. Từ thực tế đó, không ít cán bộ tìm cách từ chối khi được giao thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến xử lý TCTD yếu kém. Thiếu hụt nguồn nhân lực tham gia xử lý TCTD yếu kém là vấn đề đang vướng mắc hiện nay.

Theo Thường trực Ủy ban Kinh tế, để đảm bảo nguồn nhân lực, việc có quy định về miễn trách nhiệm như vậy là rất cần thiết. “Tuy nhiên, Ủy ban Kinh tế sẽ tiếp tục phối hợp với cơ quan soạn thảo rà soát quy định những nguyên tắc, trường hợp cụ thể tránh lợi dụng quy định miễn trừ này”, ông Vũ Hồng Thanh cho hay.

Về việc này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và một số đại biểu khác đề nghị làm rõ “miễn trách nhiệm” ở đây là về lĩnh vực hành chính, dân sự, hay hình sự, vì điều nay liên quan đến Luật Cán bộ công chức. “Cán bộ công chức trong khi thi hành công vụ có nghĩa vụ thực hiện đúng, đầy đủ nhiệm vụ quyền hạn được giao và được pháp luật bảo vệ khi thực thi công vụ… Nếu quy định như dự luật sẽ xung đột và không ai đi miễn trách nhiệm dân sự, hình sự, hành chính mà các bộ luât đã ghi rõ”, bà Ngân lý giải.

Giải trình làm rõ, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết, miễn trách nhiệm ở đây chủ yếu về hình sự, dân sự. Lý do theo ông Hưng, người tham gia tái cơ cấu các TCTD có tâm lý hoang mang, nặng nề, vì có những cái không kiểm soát hết được. Thống đốc cũng thẳng thắn cho rằng, việc xử lý “ngân hàng 0 đồng” còn lúng túng, vì luật chưa có quy định.

Về việc này, đại diện của NHNN lý giải thêm, lĩnh vực ngân hàng có đặc thù “chết không chôn được”. Vốn mất hết, nhưng phải chuyển giao bắt buộc, vì ngân hàng nhận tiền của dân, ảnh hưởng đến hệ thống. Trong các tình huống tương tự, với doanh nghiệp bình thường là phá sản, còn với ngân hàng không vậy được, nên phải có giải pháp để cứu.

Chốt lại nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị bỏ quy định “miễn trách nhiệm hình sự”, không để điều 147 trong dự thảo luật. “Tôi hiểu là thâm tâm các anh ngân hàng lo lắng. Nhưng anh đã trung thực, khách quan, làm đúng thì chẳng ai truy tố cả”, ông Hiển nhấn mạnh. Về vấn đề liên quan đến chuyển giao bắt buộc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu phải giải trình, làm rõ thêm trước khi quyết định.

“Mua bán ngân hàng 0 đồng, tôi vẫn thấy mơ hồ. Đã bán thì có bên mua, bên bán và phải có giá trị, nhưng lại bảo 0 đồng. Đã 0 đồng thì mua cái gì, theo tôi là tối nghĩa, nên bỏ từ này đi. Chuyển giao thì nói chuyển giao, để những từ đó có khi còn tưởng đấy là một thành tích”.

 Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng

MỚI - NÓNG