'Đột quỵ' vì vốn

0:00 / 0:00
0:00
TP - Tuần trước, lãnh đạo một nhà băng kể với tôi: Tổng giám đốc một ngân hàng trong khối cổ phần cỡ lớn đã tổ chức họp kín không chính thức với vài ngân hàng cùng là chủ nợ để đong đếm lại khoản vay của một số doanh nghiệp bất động sản, trong đó nổi cộm lên một tập đoàn tên tuổi lớn.

Đại diện các nhà băng nhận định, tài sản thế chấp của tập đoàn này lớn hơn gấp gần 3 lần so với hệ số vay nợ của họ. Việc này, theo vị lãnh đạo là để các ngân hàng xem doanh nghiệp có thực lực về tài chính, về tài sản không, và nếu phải cứu, thì sẽ cứu cách nào?

Thị trường bất động sản đã rơi vào một cơn “đột quỵ” chưa từng có, không giống lần đóng băng quãng 10 năm trước, và có dấu hiệu khó gượng dậy. “Cú đánh” trực diện đến từ dòng tiền với hai việc: Đầu tiên là đến kỳ đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp hàng trăm ngàn tỷ của các tập đoàn tên tuổi lớn trong lúc họ cạn tiền mặt. Thứ hai là việc Ngân hàng Nhà nước quyết định không nới room tín dụng khiến nguồn vốn ách tắc. Nghẽn máu bên trong và cú thúc bên ngoài là lí do chính khiến thị trường gục ngã.

'Đột quỵ' vì vốn ảnh 1

Tác giả Khánh Huyền

Nhìn rộng và sâu hơn, còn có căn nguyên sâu xa từ chính nội tại thị trường. Hai năm trở lại đây, giá bất động sản tại các vùng miền, tỉnh thành phố được “thổi” bốc lên quá nhanh. Tại các địa phương, hấp lực từ các dự án mới ngấp nghé cùng sự lọc lõi của môi giới, khiến nhà đầu tư say sưa đem tiền đặt cược. Tại thành phố lớn, các dự án chung cư, nhà lô, biệt thự với tên gọi mĩ miều vị trí vàng, thiết kế độc đáo, mới lạ, sang trọng đẳng cấp với giá bán... trên trời. Doanh nghiệp hớn hở mạnh tay mở rộng địa bàn, hút vốn bằng cách vay mượn, phát hành trái phiếu, ngân hàng cũng vì lợi nhuận mở hầu bao tới tấp rót vốn cho vay. Nhà đầu tư sẵn sàng xuống tiền từ khoản để dành, tiền vay mượn.

Thị trường bất động sản có nên cứu không và phải làm gì để cứu lúc này? Nhiều ý kiến cho rằng: bất động sản là hàn thử biểu của nền kinh tế, nhiều ngành lĩnh vực ăn theo nên không thể quay mặt. Nhưng cứu thế nào khi các “ông lớn” bất động sản tăng trưởng quá đà, sử dụng đòn bẩy tài chính vô tội vạ, mở rộng quy mô không bằng thực lực? Cứu thế nào khi giá bất động sản Việt Nam tăng quá nhanh, gấp vài lần giá trị thực và làm sao để giải phóng được đống nợ trái phiếu đến kỳ đáo hạn. Tất cả vòng xoáy này, theo phân tích kỹ của giới chuyên gia, chính là những nguồn cơn khiến thị trường hai tháng nay bị “ngắt cầu chì tín dụng” lâm cảnh tắt đèn.

Nói với Tiền Phong, một lãnh đạo từng là thành viên Chính phủ cho rằng, việc cần làm lúc này là phải cùng lúc dùng nhiều biện pháp rốt ráo nhưng là để cứu nền kinh tế nói chung chứ không riêng bất động sản. Đã đến lúc cần khơi thông thị trường trái phiếu, cấp tín dụng một cách tiết chế, có chọn lọc cho dự án nào thực tốt, thực cần thiết. Và đặc biệt, doanh nghiệp bất động sản phải tự điều chỉnh, chấp nhận cắt lãi, giảm mạnh giá, thậm chí bán bớt dự án để cân đối dòng tiền. Tương tự, nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy, vay mượn ngân hàng, chủ động cơ cấu tài sản đảm bảo, không để vỡ trận nợ nần .

Quá nhiều việc bộn bề phải làm nếu muốn bất động sản phục hồi. E thị trường phải vừa tự cứu đi kèm trông thêm nguồn lực ... cứu ( ?!)

MỚI - NÓNG