Đột phá trọng dụng nhân tài

Sinh viên trường ĐH Thương mại chụp ảnh lưu niệm ở Văn Miếu Quốc Tử Giám - Hà Nội. Ảnh: Ngọc Châu.
Sinh viên trường ĐH Thương mại chụp ảnh lưu niệm ở Văn Miếu Quốc Tử Giám - Hà Nội. Ảnh: Ngọc Châu.
TP - Trao đổi với Tiền Phong về cơ chế trọng dụng nhân tài, PGS.TS Nguyễn Thanh Hải - Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội (nguyên Phó Giám đốc Học viện Thanh Thiếu niên, Phó Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam) nhấn mạnh: “Cần có cơ chế đột phá từ tuyển dụng đến trọng dụng, để nhân tài phát huy được tài năng của mình”.

Cơ chế lương đặc biệt 

PGS.TS Nguyễn Thanh Hải chia sẻ:

Tôi nhớ, hồi còn giảng dạy tại ĐH Bách khoa Hà Nội, để  thu hút các nhà khoa học trong nước, nước ngoài, thầy hiệu trưởng đã lập một Viện nghiên cứu với cơ chế “vượt rào” trong việc trả lương, tuyển dụng cán bộ (2005- 2007).

Thầy đưa ra khẩu hiệu “không có văn hóa phong bì”! Chúng tôi hỏi về khẩu hiệu này, thầy bảo: Có một sinh viên gặp thầy không chào. Hỏi vì sao? Em này trả lời: Em đến đây học tất cả đã có trong “học phí”, trong “phong bì” cả rồi.

Cũng từ câu chuyện đó, thầy cho rằng phải có cơ chế đặc biệt trả lương cho người làm khoa học, để họ yên tâm cống hiến, không phải lăn tăn chuyện “phong bì” nữa. Nhưng rồi, cuối cùng trường cũng không thể “phá rào” được. Công tác tuyển dụng cán bộ, thời gian qua thực sự đã có sự chuyển biến, song vẫn còn những điểm nghẽn, cần có đột phá thay đổi cơ chế.

Từ đầu năm 2015, TP Hồ Chí Minh sẽ trả lương tới 150 triệu đồng/tháng cho các chuyên gia đầu ngành nhằm thu hút nhân tài trong lĩnh vực khoa học, công nghệ. Chị có nhận xét gì?

Sinh thời, Bác Hồ khẳng định, yếu tố con người là quan trọng nhất, bởi nó quyết định mọi sự thành bại. Hiện nay, nhiều địa phương đã ban hành cơ chế thu hút nhân tài: Thành phố Cần Thơ có chế độ nhà ở công vụ, hỗ trợ 300 triệu đồng cho người có bằng tiến sỹ về công tác. Thành phố Hồ Chí Minh cũng trả mức lương thật cao từ ngân sách để thu hút chuyên gia đầu ngành.

Tại bốn đơn vị là Khu Công nghệ cao, Khu Nông nghiệp công nghệ cao, Viện Khoa học - Công nghệ tính toán, Trung tâm công nghệ sinh học được thực hiện thí điểm một số chính sách thu hút chuyên gia trong nước, người Việt Nam ở nước ngoài đến làm việc, được hưởng ưu đãi về lương, phụ cấp.

Mức thu nhập sẽ theo thỏa thuận trực tiếp giữa thủ trưởng đơn vị với các chuyên gia, có thể lên tới 150 triệu đồng/tháng. Nếu thực hiện được như thế, đây là một bước tiến lớn về trọng dụng nhân tài. Mô hình này cũng cần được nghiên cứu để thực hiện đối với các ngành, địa phương khác.

Vậy để thực hiện tốt hơn nữa chính sách sử dụng nguồn nhân lực hiệu quả - ở đây là tuyển dụng, sử dụng nhân tài, theo chị chúng ta phải có cơ chế đột phá như thế nào?

“Có người nói, trao quyền tự chủ quá lớn trong tuyển dụng, bổ nhiệm sẽ dẫn đến tiêu cực. Tôi nghĩ cũng có thể có chuyện đó, song khi đã trao trách nhiệm cho người đứng đầu, buộc họ phải trọng dụng những người đủ tâm, đủ tầm và đủ tài”. 

PGS.TS Nguyễn Thanh Hải

Chúng ta không thiếu người có tài năng. Mấu chốt có tính chất bước ngoặt là phải tạo ra được sự tự chủ thực sự thì mới đột phá được: Tự chủ tuyển dụng, bổ nhiệm và nhất là trả lương cho cán bộ, người lao động.

Có người nói, trao quyền tự chủ quá lớn trong tuyển dụng, bổ nhiệm sẽ dẫn đến tiêu cực. Tôi nghĩ cũng có thể có chuyện đó, song khi đã trao trách nhiệm cho người đứng đầu, buộc họ phải trọng dụng những người đủ tâm, đủ tầm và đủ tài. Tất nhiên, cần có cơ chế ràng buộc, không phải bổ nhiệm, tuyển dụng xong là xong, mà phải thường xuyên kiểm tra, giám sát hiệu quả công việc. Nếu kết quả trì trệ, phải truy trách nhiệm người đứng đầu. 

Tôi nhớ hồi thực tập ở Khoa vật lý Đại học Amsterdam (Hà Lan) có một điều rất thú vị: Đó là vai trò của các nhà khoa học, các giáo sư đầu ngành rất được đề cao. Vào năm 2007, một vị giáo sư ở khoa Vật lý được cấp 2 triệu USD để tiến hành nghiên cứu khoa học.

Với số tiền đó, GS này được toàn quyền mời, trả lương cho các nhà khoa học để thực hiện công trình nghiên cứu. Cái mà người ta kiểm soát là dự án phải hoàn thành, phải mang lại kết quả thực chất.
 
Đột phá trọng dụng nhân tài ảnh 1PGS.TS Nguyễn Thanh Hải.

Lập Hội đồng công chức quốc gia

Về cơ bản quy trình công tác cán bộ hiện nay là rất đầy đủ, nhưng triển khai còn cứng, có khi còn nặng về cơ cấu tuyển dụng, sử dụng, thậm chí có tiêu cực, ưu ái con ông cháu cha, nên không ít người tài đã bỏ khu vực nhà nước ra đi?

Ở Nhật Bản có một Hội đồng Công chức quốc gia, đứng ra tuyển tất cả các vị trí công chức cho các bộ, ngành. Hội đồng này ban hành quy trình chọn lựa, thẩm định, bổ nhiệm cán bộ và phải chịu trách nhiệm về sự lựa chọn đó. Khi chúng tôi thắc mắc “một Hội đồng như vậy có thể tuyển được cả công chức mang tính đặc thù - ví dụ cho ngành cảnh sát không?”. 

Nhớ lần làm việc với cơ quan Công vụ quốc gia Nhật Bản, chúng tôi thấy họ đánh giá rất cao tính kỷ luật của người lao động. Kỷ luật và khen thưởng rất công minh thì mới kích thích người lao động sáng tạo. 

Ông Phó Chủ tịch Hội đồng cho biết: Bản thân Hội đồng không thành thạo nhân sự các ngành, nhưng có hội đồng tư vấn (độc lập với bộ ngành tuyển nhân sự). Hội đồng tư vấn có trách nhiệm tìm, bổ nhiệm nhân sự phù hợp với nhu cầu tuyển dụng của các bộ, ngành liên quan, kể cả ngành đặc thù. Đấy là trách nhiệm của Hội đồng tuyển dụng, một khi đã ăn lương nhà nước thì phải hoàn thành nhiệm vụ. 

Có người băn khoăn: Các ông làm việc độc lập thế này, vậy có trường hợp nào bị sức ép phải nhận con cháu quan chức vào hay không? Vị này nói, không hề có bất kỳ áp lực nào. Hội đồng làm việc độc lập, chỉ chịu trách nhiệm trước nhà nước, trước luật pháp.

Đặc biệt, quá trình làm việc nếu nhân sự có vấn đề, người ta sẽ truy ngược lại trách nhiệm của Hội đồng tuyển dụng. Ví như khi một dự án điện xảy ra sự cố, cơ quan điều tra đến xác minh, xem xét cả trách nhiệm của cơ quan tuyển dụng.

Tôi cho rằng chủ trương của Đảng về công tác cán bộ rất đúng. Vấn đề là cách tổ chức thực hiện thế nào để thực sự có bước đột phá, khơi thông được nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu tái cơ cấu nền kinh tế trong giai đoạn mới. Sử dụng, bổ nhiệm cán bộ, cần đề cao năng lực chuyên môn, đạo đức lên hàng đầu. Tôi tin rất nhiều người tài muốn cống hiến cho đất nước. Ở các nước, những tiêu chí đó cũng được đề cao như vậy thôi.

Lãnh đạo phải biết dùng người tài

Là một cán bộ khoa học và ĐBQH, theo chị, cần có đột phá từ đâu để phát triển nguồn nhân lực trong giai đoạn tới?

Tôi vẫn nghĩ cơ chế giao quyền tự chủ cho người đứng đầu rất phù hợp đối với một nền kinh tế năng động, đòi hỏi nhiều năng lực sáng tạo của cá nhân như hiện nay.

Có ai đó đã nói rằng, người lãnh đạo có thể chưa phải là người giỏi nhất, nhưng phải biết sử dụng được những người giỏi nhất bên cạnh mình. Cơ chế là do chính mình đặt ra, tại sao thấy bất hợp lý mà chúng ta không thể sửa nó. Câu chuyện mà tôi đã đưa ra chất vấn ở Quốc hội, đó là cơ chế tuyển dụng của mình còn có những bất cập, chứ chưa nói là có tiêu cực hay không. Cho nên một TS Vật lý học ở nước ngoài, có năng lực, nhưng thi công chức vào Trường Amsterdam vẫn bị trượt.

Hay trường hợp GS Ngô Bảo Châu - cả Bộ trưởng KH&CN Nguyễn Quân, Bộ trưởng GD&ĐT Phạm Vũ Luận đều nói “chúng tôi không thể quyết định mức lương cho giáo sư”. Đấy là những rào cản đòi hỏi chúng ta phải sớm khơi thông.

Chúng tôi thấy mô hình thi tuyển cán bộ vừa qua như ở Bộ GTVT hay một số nơi đang thí điểm cũng nên tham khảo. Nếu thấy tốt, Bộ Nội vụ nên tham mưu Chính phủ ban hành quy chế thi tuyển cán bộ lãnh đạo theo hướng đảm bảo dân chủ, thực chất.

Cảm ơn chị!

MỚI - NÓNG