Nhờ hoàn thiện sớm 2 nút giao, cao tốc Bắc Nam qua Thanh Hóa có kết nối hiệu quả với hạ tầng địa phương. Ảnh: T.Đảng |
Hoàn thành trước thời hạn
Với hơn 600 km cao tốc của 11 dự án giai đoạn 1 vừa đưa vào sử dụng, đến cuối năm 2024, số lượng km cao tốc trên cả nước đã đạt gần 2.000 km. Như vậy, so với con số 1.100 km cao tốc cả nước có được ở giai đoạn 2010 - 2020, số km hoàn thành trong 2 năm qua đã chiếm hơn 50%.
Đánh giá về kết quả trên, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm cho biết, với sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự vào cuộc quyết liệt của các Bộ ngành, các dự án cao tốc Bắc Nam giai đoạn 1 đã thi công nhanh và thông xe sớm. Đặc biệt, sự vào cuộc như là “việc trong nhà” của địa phương nơi dự án đi qua.
Theo ông Lâm, thay vì chủ đầu tư dự án phối hợp với địa phương để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), các dự án cao tốc Bắc Nam giai đoạn 1 (đã hoàn thành) và giai đoạn 2 (đang thi công) đều tách phần mặt bằng thành một hạng mục, gói riêng. Đơn vị thực hiện các hạng mục, gói dự án riêng này chính là UBND các tỉnh, thành phố với vai trò cơ quan quản lý - “tổng tư lệnh”.
Theo tìm hiểu của PV Tiền Phong, trong 11 dự án cao tốc Bắc Nam giai đoạn 1, có tới 2 dự án địa phương được giao quyền làm chủ đầu tư dự án hoặc đầu tư hạ tầng cho cao tốc. Cụ thể, dự án thành phần cao tốc Bắc Nam đoạn Cao Bồ - Mai Sơn dài 15 km đã được Chính phủ và Bộ GTVT giao cho UBND tỉnh Ninh Bình làm chủ đầu tư. Sau khi được giao quyền làm chủ đầu tư, UBND tỉnh Ninh Bình đã chủ động cả trong việc GPMB và huy động nguồn vốn, sau đó tổ chức thi công. Nhờ vậy, cao tốc Cao Bồ - Mai Sơn là dự án được thực hiện và thông xe vào năm 2022 - sớm nhất trong 11 dự án giai đoạn 1.
Tương tự, dự án cao tốc Mai Sơn - QL45 dài 63km, theo quy hoạch, tuyến đường có 7 nút giao, tuy nhiên giai đoạn 1 chủ đầu tư là Ban QLDA Thăng Long (Bộ GTVT) chỉ làm 5 nút giao. Để hoàn thiện hạ tầng 7 nút giao ngay trong giai đoạn 1 và tăng hiệu quả đầu tư, khai thác của dự án, sau khi hoàn thành công tác GPMB phục vụ dự án, UBND tỉnh Thanh Hóa đã xin chủ trương của Chính phủ và Bộ GTVT tự huy động nguồn vốn để đầu tư 2 nút giao của giai đoạn 2 là Thiệu Giang (huyện Thiệu Hóa), Đồng Thắng (hiệu Triệu Sơn). Hai nút giao này đã đưa vào sử dụng ngay trong giai đoạn 1. Theo đó, lãnh đạo Bộ GTVT đánh giá, hiện cao tốc Mai Sơn - QL45 là dự án duy nhất trong 11 dự án cao tốc Bắc Nam giai đoạn 1 có hệ thống hạ tầng nút giao hoàn thiện cho cả giai đoạn 1 và giai đoạn 2.
Đường hầm xuyên núi cao tốc Mai Sơn - QL45. Ảnh: T.Đảng |
Tăng hiệu quả đầu tư, sử dụng
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Mai Xuân Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết, do xác định được vai trò và tầm quan trọng của tuyến cao tốc Bắc Nam nên sau khi được Trung ương giao cho địa phương phụ trách công tác GPMB, UBND tỉnh đã xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển hạ tầng trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn từ 2021 đến 2023. Từ thực tế này, cùng với việc đầu tư hoàn thiện thêm 2 nút giao của giai đoạn 2, vừa qua tỉnh Thanh Hóa đã GPMB xong cho cả giai đoạn 2 của dự án cao tốc Bắc Nam đi qua Thanh Hóa. Vì vậy, nếu cao tốc Bắc Nam qua Thanh Hóa mở rộng từ 2 lên 4 làn xe mỗi chiều thì tỉnh sẵn sàng bố trí đủ mặt bằng.
Với nguồn kinh phí thực hiện hai nút giao, ông Liêm cho biết, khi địa phương được giao cơ chế thực hiện đã có giải pháp cho việc này. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho rằng, thay vì chờ ngân sách Trung ương bố trí để thực hiện hai nút giao, tỉnh đã chủ động xin chủ trương chi tiền ngân sách địa phương ra thực hiện trước, sau đó ngân sách Trung ương sẽ bố trí hoặc trừ đi các khoản chi phí địa phương phải đóng góp về sau. “Đằng nào cũng là tiền nhà nước. Khi công trình được thi công, hoàn thành sớm thì hiệu quả đầu tư và hiệu quả sử dụng sẽ tăng cao hơn nhiều”, ông Liêm đánh giá.
Tại dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô (Vành đai 4), để mở rộng mặt cắt đường rộng 58 mét - tương đương 14 làn xe (trong đó có 6 làn cao tốc đi trên cao), dự án phải giải phóng một khối lượng mặt bằng lớn nhất từ trước đến nay mà cả 3 tỉnh, thành phố dự án đi qua là Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh phải thực hiện. Dự án cần tổng cộng trên 1.300 ha đất, riêng địa bàn Hà Nội số lượng mặt bằng cần giải phóng để thực hiện 58,2 km đường Vành đai 4 chạy qua là 741 ha.
Đánh giá về việc thực hiện GPMB, ông Đặng Xuân Huấn, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông Hà Nội (Ban Giao thông Hà Nội - chủ đầu tư) cho biết, tuy số lượng mặt bằng phải giải phóng lớn, nhưng chỉ sau gần 1 năm dự án khởi công, đến nay các quận huyện trên địa bàn thành phố đã cơ bản hoàn thành số lượng mặt bằng phục vụ dự án. Điều này đã giúp dự án Vành đai 4 trên địa bàn Hà Nội đang thi công tổng thể tất cả các gói thầu.
Với khối lượng và tiến độ thi công đến thời điểm tháng 12/2024, ông Huấn cho biết, dự án đang đáp ứng kế hoạch thi công, xây lắp đặt ra. Riêng thi công phần đường song hành, chủ đầu tư đang phấn đấu sẽ hoàn thành vào năm 2025 - trước yêu cầu theo kế hoạch là khoảng 1 năm.
“Thực tế này giúp cho việc nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân trong diện phải GPMB tại địa phương được tốt hơn. Cùng với đó, cơ chế, giá cả đền bù, hỗ trợ cho người dân thay vì phải kiến nghị, báo cáo chủ đầu tư như trước đây, nay địa phương là người quyết và thực hiện”.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm
Xóa bỏ nhiều rào cản
Về tiến độ “thần tốc” trong công tác GPMB, ông Đặng Xuân Huấn, cho biết, thay vì gắn với dự án, hạng mục GPMB tại công trình Vành đai 4 được Quốc hội và Chính phủ cho phép tách thành dự án riêng. Sau đó, dự án riêng này giao cho từng địa phương, quận huyện nơi dự án đi qua thực hiện với vai trò chủ đầu tư.
Theo ông Huấn, khi được giao dự án, các quận huyện đã chủ động và nỗ lực thực hiện theo khối lượng, cơ chế và tiến độ thành phố đã phê duyệt trong dự án. Với hình thức này, vừa qua một số địa phương, quận huyện trên địa bàn Hà Nội đã hoàn thành khối lượng GPMB phục vụ dự án sớm hơn thời gian đề ra. Khi đã có mặt bằng, việc thi công dự án được các nhà thầu triển khai rất nhanh và gần như không có rào cản.
Cùng với cao tốc Bắc Nam, Chính phủ đang giao cho các bộ ngành và tỉnh thành phố có liên quan thực hiện dự án Đường ven biển Quốc gia chạy từ Quảng Ninh vào đến khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Hiện các dự án đường ven biển thành phần đã và đang thực hiện, như: Đường ven biển từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa; Đường ven biển miền Trung; Đường ven biển Nam Trung bộ và Nam bộ; Cao tốc ven biển miền Nam...
Để tạo sự đột biến khi thi công và tháo gỡ khó khăn về GPMB, Chính phủ đã cho chủ trương, các bộ ngành liên quan chỉ hướng dẫn, tham vấn về chính sách, cơ chế; chủ đầu tư thực hiện các dự án này được giao cho các địa phương - nơi dự án đi qua.
Hiện các dự án thành phần Đường ven biển từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa và dự án Đường ven biển miền Trung đang được các tỉnh thành, gồm: Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An… làm chủ đầu tư và thi công. Một số đoạn đường ven biển qua các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An đã được hình thành và chuẩn bị thông xe.
Ông Mai Xuân Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho rằng, cơ chế thực hiện các dự án cao tốc Bắc Nam và đường ven biển vừa qua đã giúp thúc đẩy tiến độ dự án và xóa được rào cản về các cơ chế, chính sách trong việc thực hiện công tác GPMB. Ông Liêm dẫn chứng, nếu trước đây, công tác GPMB không giao cho địa phương thực hiện, khi triển khai có vướng mắc, khó khăn phát sinh tỉnh phải thống kê, báo cáo gửi chủ đầu tư. Sau đó chủ đầu tư tiếp tục làm báo cáo xin ý kiến từ bộ chủ quản đến các bộ chuyên ngành. Vòng di chuyển của một văn bản này mất ít nhất nửa năm, thậm chí cả năm.
“Với vai trò là chủ đầu tư - cơ quan quản lý đối với dự án/hạng mục dự án, cùng với quy chế, quy định của Nhà nước và sự tham mưu của các sở chuyên ngành bên dưới, UBND tỉnh có thể quyết ngay chủ trương để tháo gỡ các vướng mắc phát sinh khi thực hiện công tác GPMB”, ông Liêm cho biết thêm.