Đồng USD sẽ tăng giá thế nào trong năm 2016?

Một số ngân hàng gồm Citibank và National Australia Bank dự báo tỷ giá đồng USD chỉ tăng khoảng 5% trong năm 2016, so với mức dự báo tăng 10% mà Deutsche Bank đưa ra - Ảnh: Getty/CNBC.
Một số ngân hàng gồm Citibank và National Australia Bank dự báo tỷ giá đồng USD chỉ tăng khoảng 5% trong năm 2016, so với mức dự báo tăng 10% mà Deutsche Bank đưa ra - Ảnh: Getty/CNBC.
USD đã tăng giá mạnh trong năm nay và giới đầu tư tin tỷ giá đồng tiền này sẽ tiếp tục đi lên trong năm 2016. Tuy nhiên, theo trang CNBC, mức tăng giá của đồng bạc xanh năm tới có thể sẽ khiêm tốn hơn kỳ vọng và theo đó giảm bớt sức ép mất giá đồng với đồng tiền của các nền kinh tế mới nổi.

Đến thời điểm này, chỉ số US Dollar Index, một thước đo sức mạnh đồng USD so với các đồng tiền chủ chốt khác của thế giới, đã tăng hơn 9% trong năm 2015.

Nguồn động lực đẩy USD tăng giá năm nay là kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) bắt đầu chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ sau gần 1 thập niên nới lỏng chưa từng có tiền lệ. Đợt tăng lãi suất đầu tiên kể từ năm 2006 đã được FED tiến hành vào cuộc họp trung tuần tháng 12 này.

Trong khi FED đã nâng lãi suất, các ngân hàng trung ương ở châu Âu, Trung Quốc, Australia và Nhật Bản vẫn nghiêng về khả năng sẽ tung thêm các biện pháp kích cầu. Chính sự trái chiều chính sách giữa FED và các ngân hàng trung ương này được dự báo sẽ đẩy tỷ giá USD tăng cao hơn.

Tuy nhiên, gần 1 tuần sau động thái tăng lãi suất của FED, đồng USD tính đến sáng ngày 23/12 đã bước sang ngày mất giá thứ tư liên tục. Diễn biến này giúp đồng tiền của các nền kinh tế mới nổi có thể “thở phào” sau một thời gian liên tục lao dốc. 

Tỷ giá đồng Rupiah của Indonesia ngày 22/12 tăng 1%, lên mức cao nhất trong 1 tháng, đánh dấu ngày tăng thứ tư liên tục. Đồng Rupee của Ấn Độ cũng giao dịch ở mức cao nhất trong gần 1 tháng.

Một số ngân hàng gồm Citibank và National Australia Bank dự báo tỷ giá đồng USD chỉ tăng khoảng 5% trong năm 2016, so với mức dự báo tăng 10% mà Deutsche Bank đưa ra.

Theo ông Ray Attrill, trưởng bộ phận chiến lược ngoại hối của National Australia Bank, cách đây 1 tháng, trên thị trường có 400.000 hợp đồng đầu cơ giá lên đồng USD so với 10 đồng tiền chủ chốt (G10), nhưng hiện nay, số hợp đồng này đã giảm xuống còn 250.000.

Các bằng chứng lịch sử cũng ủng hộ khả năng đồng USD tăng giá chậm hơn trong năm tới.

“Đúng là đồng USD sẽ tăng giá, nhưng nếu nhìn lại 7 chu kỳ tăng lãi suất gần đây của FED, thì USD thường yếu đi sau đợt tăng lãi suất đầu tiên”, ông Mark Matthews, trưởng bộ phận nghiên cứu thị trường châu Á của Bank Julius Baer, phát biểu.

Trong một cuộc trao đổi với hãng tin CNBC, ông Hayden Briscoe, Giám đốc phụ trách mảng trái phiếu của công ty AllianceBernstein, cho rằng với đồng USD tăng giá chậm lại, các nhà đầu tư có thể sẽ xem xét rót vốn vào đồng tiền của các nền kinh tế mới nổi.

Các đồng tiền này có thể sẽ chưa quay trở lại đỉnh cao cũ trong năm 2016, nhưng “có thể tăng 10%”, ông Briscoe nói.

Ngoài ra, việc đồng USD đã tăng giá mạnh trong năm nay cũng là một lý do khiến đà tăng của đồng tiền này bị hạn chế trong năm 2016. Bà Rebecca Paterson, Giám đốc đầu tư của Bessemer Trust, mới đây cảnh báo rằng đồng USD đang được định giá quá cao so với một số đồng tiền, bao gồm đồng Euro.

Cho dù đồng USD tăng giá nhanh hay chậm trong những tháng đầu năm 2016, thì đà tăng này chắc chắn sẽ chững lại vào tháng 7 - bà Kathy Lien, Giám đốc điều hành công ty quản lý tài sản BK Asset Management, viết trong một báo cáo đầu tuần này.

“Trong nửa sau của năm 2016, chúng tôi tin là đồng USD mạnh sẽ buộc FED phải giảm bớt tốc độ thắt chặt chính sách tiền tệ, theo đó thiết lập mức đỉnh cho tỷ giá đồng bạc xanh và mức đáy cho các đồng tiền khác”, bà Lien phát biểu.

Theo Theo VnEconomy
MỚI - NÓNG