Thêm một bằng chứng cho thấy sự lưu tâm (kể cả tò mò) của xã hội về một thiểu số giới tính. Thực ra người Việt khá bao dung về vấn đề này. Ngay trong tang gia bối rối mà dân Sài Gòn lục tỉnh vẫn chấp nhận đội chuyển giới đến ca múa “giúp vui” cơ mà.
Phim nói về một nhóm người chuyển giới duy trì cuộc mưu sinh qua việc tổ chức đoàn lưu diễn tạp kỹ. Cái được của phim là cận tả người chuyển giới trong vẻ chân thật và tự nhiên nhất, cho thấy họ đúng là những đại diện nữ tính thật sự (chứ không phải ra vẻ) trong cơ thể nam giới. Âu cũng là một dạng tồn tại của con người. Phim không làm tôi quá buồn hay quá vui. Và tôi nghĩ đó là một thành công. Vì cuộc sống của số đông chúng ta cũng vậy- có buồn có vui, nhưng thường là không quá… Giới nào cũng thế, ai cũng phải tìm cách mà sống dựa trên những gì mình có. Người ta cũng dựa trên những gì mình có để tư duy về cuộc sống và phán xét xung quanh. Như tôi không thấy vấn đề gì về việc nam ăn mặc như nữ và ngược lại. Vì tôi nhận ra phục sức chỉ là quy ước mà người ta toàn quyền sử dụng để thể hiện bản thân.
Đôi khi tôi vẫn thắc mắc vì sao một vài người lại phải phẫu thuật cơ thể thành một dạng gần như tàn tật chỉ để có bề ngoài giống giới kia. Có lẽ vì chính khát khao chuyển giới của một lượng người đủ mạnh khiến y học cũng phải phát triển để đáp ứng!? Biết đâu áp lực xã hội cũng góp phần xui khiến những “thân sâu hồn bướm” chịu đau đớn phẫu thuật để đỡ bị coi là lạc loài?! Đến khi nào một người nam sinh ra trong cơ thể nữ hoặc ngược lại thấy rằng đó là cơ hội để trải nghiệm, để vui sống và những người xung quanh cũng thấy thế thì loài người mới coi như bước đầu thành công trên đường tiến hóa, tôi nghĩ vậy.